.BÀI
CA VỌNG CỔ ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG
*Phạm Hồng Ân
I. Tôi nhớ căn phòng này anh hai tôi nằm. Tấm
màn xanh che ngang, phía trong là chiếc giường chị hai tôi, kề cận... để hai vợ
chồng có thể trông nom nhau trong những đêm hôm vắng lặng, nơi khu nursing home
cổ kính này. Tôi nhớ số phòng, tất cả con số cộng lại bằng con 3. Đây là second floor. Vậy chỉ có phòng 201
hay 210 mà thôi. Phòng 201 tôi đã đến rồi. Đó là phòng có hai ông già Mỹ ốm
nhách ốm nhom, vừa thấy tôi bước vô, hai ông đã vội vàng xổ một tràng ho xù xụ
để chào mừng. Còn phòng 210 thì là phòng của hai bà già mập ú. Họ cũng giương
cặp mắt kèm nhèm ngó tôi trưng trửng, như ngó người hành tinh lạ vừa lạc vào
cõi trần ai lai khổ. Tôi gãi đầu, tháo lui, rồi đi ngược ra hành lang, vòng
phía cầu thang thoát ra bên ngoài. Đặt đít xuống cái băng gỗ nhơm nhớp cát bụi,
tôi kiểm soát lại trí nhớ lem nhem của mình một lần nữa. Một tháng trước, anh
chị hai tôi nằm đây. Một tháng sau - thời gian quá dài, bao nhiêu cuộc đổi thay
có thể xảy ra? Biết đâu anh hai tôi nhuốm bệnh nặng phải chuyển đi nơi khác?
Biết đâu chị hai tôi đã bình phục, trở về với gia đình? Trong lúc tôi đang phân
vân với những nghi vấn nặng nề thì có giọng ca vọng cổ mùi mẩn cất lên, làm đầu
óc tôi dịu lại và trái tim bắt đầu se thắt.
" Những thân cây cao là những thân cây
chịu nhiều phong ba bão táp, nhưng là những thân cây bám sâu vào đất, bền bỉ
trung kiên ngăn gió dữ mưa...cuồng".
Giọng ca của một chàng thanh niên nào đó,
phát ra từ phía sân sau Nursing Home. Giọng ca bất ngờ đã làm tôi xúc động.
Không phải vì lời ca hay, cũng không phải vì người ca điêu luyện, mà vì nó kéo
tôi trở về một kỷ niệm xót xa, vì bài vọng cổ đó là bài chính tay tôi viết ở
trong một trại tù, và chỉ dành riêng cho một người...
Tôi luống cuống mò xuống sân sau, nơi có
bóng mát của những hàng cây phơi lá dưới ánh nắng ban trưa. Cậu thanh niên vừa
ca vừa đẩy xe lăn cho một ông cụ đi dạo. Tôi chờ cậu dứt câu, liền đưa hai bàn
tay lên vỗ vào nhau liên hồi. Ông cụ cũng mỉm cười, vỗ tay phụ họa.
- Hay, hay quá! Giọng ca của cậu làm tôi nhớ
đến giọng ca Út Trà Ôn ngày trước.
Cậu thanh niên bẽn lẽn, ngó tôi từ đầu tới
chân.
- Cám ơn chú. Ông cụ thích vọng cổ. Con muốn
ca cho ông vui vậy mà...
Tôi tiến đến xe lăn chào ông cụ và nắm chặt
tay cậu thanh niên.
- Chú thứ sáu. Cứ gọi chú là chú sáu. Chú
muốn hỏi cháu bài ca này ở đâu cháu có vậy? Chú không thấy nó xuất hiện trên
đài hoặc trên tivi trong nước và ngoài nước bao giờ?
- Cháu tên Phùng. Làm việc ở đây. Chuyên đẩy
các ông cụ bà cụ đi dạo sau giờ cơm. Cháu ca vọng cổ khi nào có ai yêu cầu. Bài
ca cháu hát do dượng út của cháu ghi lại. Dượng nói, đó là bài ca
"tủ" của người bạn gái vượt biên chung với chú.
Tôi hồi họp.
- Người bạn gái vượt biên? Bây giờ cô ta ở
đâu? Dượng cháu ở đâu? Họ đang định cư nơi San Diego này?
- Không. Cô đó cháu không biết ở đâu. Còn
Dượng Út đang sinh sống tại Virginia .
Năm nay ổng già, về hưu rồi.
Tôi bám theo Phùng, tiếp tục lần ra manh
mối.
- Dượng út cháu tên gì? Ông ta cũng biết ca
vọng cổ?
- Dượng út tên Hiện. Dượng chỉ là một tay
đờn vọng cổ tài tử. Theo ổng kể, tết năm 1976 là cái tết đầu tiên của người
Việt nơi xứ Mỹ. Họ buồn nhớ quê hương quá, nên tụ họp với nhau tổ chức đờn ca
xướng hát cho vui. Lúc đó, giới nghệ sĩ cải lương không có ai hết. Chỉ có dượng
út cháu biết đờn và người bạn gái của dượng biết ca. Thế là họ lên sân khấu
diễn bài này. Không ngờ bà con cô bác vỗ tay hoan nghinh quá xá.
Biết không thể tìm hiểu thêm được điều gì
khác. Tôi tỏ vẻ ái mộ dượng út Phùng để xin số phone ông ta. Trước khi từ giã,
tôi không quên hỏi thăm về tình trạng
của anh chị hai tôi. Phùng vui vẻ trả lời, hai ông bà đó được mấy đứa con rước
về rồi. Họ khỏe lắm.
II. Lúc tôi mới tập thả ngụm khói thuốc đầu tiên
trong đời, thì Kim Xuyến cũng vừa bỏ trò chơi nhảy cò cò với đám con nít chung
xóm để bắt đầu ru em bằng những bài bản vọng cổ mùi mẩn. Kim Xuyến có giọng ca
trong vắt, như lưỡi dao sắc, cắt nhè nhẹ trái tim người. Nhà Kim Xuyến kế sát
nhà tôi, cách nhau bởi một tấm vách lá mong manh, nên trái tim tôi ngập tràn
vết cắt. Tuy vậy, cả hai chưa bao giờ tự mở miệng làm quen. Nhưng, từ một thần
giao cách cảm nào đó, tôi biết hàng ngày Kim Xuyến âm thầm gửi đến tôi những
tình cảm thầm kín qua từng câu vọng cổ bi thương não nuột. Niềm im lặng cứ theo
thời gian kéo dài, cho đến một ngày tôi chuẩn bị đi lính, Kim Xuyến mới chận
đường, thốt lời thăm hỏi.
- Nghe nói anh sắp đi lính, vui quá, em muốn
đến chia tay với anh.
Câu nói đầu tiên mà như dao cắt trong lòng.
Tôi ngậm ngùi.
- Đi lính, người ta buồn thấy mồ. Sao cô lại
nói vui?
Kim xuyến bụm mặt, cười khúc khích.
- Đi lính vui chớ sao buồn? Được đi đây đi
đó, biết chỗ này chỗ nọ. Còn hơn là ngồi một chỗ, như em, chán thấy ông bà ông
vải!
- Không sao. Cô muốn vui thì tui vui. Còn
bây giờ, cô có nhắn gửi gì không? Sáng sớm, tui sẽ lên xe đi rồi.
Kim Xuyến mân mê tà áo.
- Em biết anh làm thơ nhiều lắm. Thơ anh
tặng cho cô này cô nọ ở trong trường, ai cũng đồn um lên. Còn em, chẳng bao giờ
thích thơ. Em muốn anh tặng em một bài vọng cổ, kỷ niệm. Anh có dám không?
Kim Xuyến lúng lắng mái tóc dài. Hình như có
những sợi tóc thướt tha, theo gió, muốn quấn chặt đời tôi, bắt đầu từ giây phút
này.
- Tội chi mà không dám. Nhưng cô ráng chờ.
Tôi sẽ đi tìm thầy học nhịp vọng cổ. Sau khi nhuần nhuyễn, sáng tác tặng cô một
bài, khỏe re.
Bỗng Kim Xuyến nhào tới, vỗ vào vai tôi nghe
cái độp, rồi cắm đầu cắm cổ chạy một hơi.
- Anh nhớ nha! Em chờ bài vọng cổ của anh
đó!
III. Tháng tư năm 1975, quân bắc phương tràn
xuống, chiếm trọn miền nam. Những thằng lính còn lại, như tôi, bị đối phương
lùa vào các trại tù. Đầu tiên, tôi bị tạm giam ở trại Mỹ Phước Tây. Đó là một
đồn lính địa phương quân của Việt Nam Cộng Hòa, quân bắc phương trưng dụng biến
thành trại tù một cách công khai. Vì là trại tạm giam nên có cả tù quân sự lẫn
hình sự, tù nam lẫn tù nữ. Đêm Mỹ Phước Tây buồn. Chúng tôi ngồi tụ vào nhau
hút thuốc, ôn lại kỷ niệm và thầm oán trách cuộc đời. Đêm quá nửa khuya, chúng
tôi vẫn chưa ngủ, ly nước trà vẫn chuyền tay nhau, những mẩu tâm sự vụn vặt vẫn
tiếp nối trong bóng đen tràn ngập ưu sầu. Bỗng có tiếng ca vọng cổ cất lên,
vang vang một cách ai oán. Tiếng ca đào của một thiếu nữ đang ở trại tạm giam?
Tiếng ca trong vắt, như lưỡi dao sắc, cắt nhè nhẹ trái tim tù nhân, khiến anh
em chúng tôi ngẩn ngơ, nhìn nhau, rối bời cả gan ruột. Tiếng ca réo rắt xoáy
vào ký ức tôi, làm tôi choáng váng, ôm ngực. Hình ảnh Kim Xuyến hiện lên, quay
cuồng trong trí. Sáu câu vọng cổ nói lên sự tích Bá Nha Tử Kỳ. Phải chăng nàng
muốn nhắc nhớ đến tấm chân tình năm xưa, đến lời hứa hẹn ngày trước? Phải chăng
nàng đang tìm kiếm, trách móc cố nhân đã nhẫn tâm bội ước, bội thề? Chờ cho đến
dứt câu số sáu, tôi đưa hai bàn tay lên miệng làm loa, hướng thẳng về phía
tiếng hát, la lớn.
- Có phải Kim Xuyến vừa hát không? Có phải
không?
Một giọng nói trong trẻo, thân quen, từ phía
bên kia vang lên.
- Ừa. Chính em đây. Còn anh, anh là ai vậy?
Tôi mừng quá, la lớn hơn.
- Anh Sáu đây! Em có nhớ không?
- Trời đất! Làm sao quên được. Anh còn nợ em
một bài vọng cổ, phải không?
- Tối nay anh sẽ thức suốt đêm để sáng tác
sáu câu tặng em. Mai này em sẽ ca bài đó lên cho các anh chị em ở đây nghe nha!
- Anh nói anh nhớ nha! Còn chuyện hát hò là
nghề của em. Sẵn sàng.
- Xuyến ơi! Lý do nào em vào trại giam này
vậy?
- Thì...giống anh. Đi lính.
- Hả? Đi lính? Đi hồi nào?
- Em mới vào quân trường. Đang học, họ vô
"hốt" không còn một móng.
- Bây giờ, em ngủ đi. Ngon giấc nha! Sáng
mai xuống nhà bếp lấy nước, anh sẽ qua bên đó gặp em.
- Dạ. Anh cũng ngủ ngon nhá!
Đêm đó, tôi thức trắng để sáng tác sáu câu
vọng cổ theo lời hứa với Kim Xuyến. Đêm
sau, tất cả trại tù đều không ngủ. Họ đốt thuốc, uống trà...ngồi chờ tiếng hát
trong vắt, sắc như dao...xuất hiện. Mảnh trăng lưỡi liềm vừa lên đến ngọn tre,
tiếng hát Kim Xuyến chợt trỗi lên, cao vút giữa thinh không.
"...Những thân cây cao là những thân
cây chịu nhiều phong ba bão táp, nhưng là những thân cây bám sâu vào đất, bền
bỉ trung kiên ngăn gió dữ mưa...cuồng. Trời đất đổi thay vẫn một dạ một lòng.
Em muốn đứng ngàn năm nơi góc nhớ, tưởng tiếc từng đồng đội đã ra đi. Nhưng
thời gian vẫn là cánh cửa cách ngăn, một ống khóa lạnh lùng và tàn nhẫn. Anh và
em hãy cùng phá tung cánh cửa, tháo khóa cách ngăn mới mong nói chuyện xum
vầy..."
Bài ca ẩn giấu niềm yêu nước của chiến sĩ
Việt Nam Cộng Hòa đựợc tiếng hát mượt mà của Kim Tuyến ngân vang khắp trại tù,
làm hừng hực ý chí của hàng trăm tù nhân chính trị. Rồi cũng chẳng bao lâu, tới
một ngày, chúng tôi bị "xúc" lên các xe nhà binh, mỗi nhóm mỗi ngã,
chia nhau đến những trại tù xa xôi khác. Từ đó, tôi không còn gặp Kim Xuyến
nữa.
IV. Nhờ số điện thoại của Phùng, tôi liên lạc
với Hiện một cách dễ dàng. Hiện hứa sẽ chỉ nơi Kim Xuyến trú ngụ, với điều kiện
tôi phải qua Virginia
chơi một chuyến. Tôi vội vàng thu xếp công việc, chuẩn bị cho cuộc hành trình
đầy thú vị của mình.
- Anh chơi đờn bầu nữa sao? Tuyệt vậy?
Hiện kéo ghế cho tôi ngồi, rồi châm hai tách
trà thơm phức.
- Tôi bắt đầu chơi nó vài năm nay. Độc huyền
hợp với tuổi già. Nó chậm rãi, sâu lắng và xót xa. Nó dày vò những hoài niệm.
Tôi nôn nao, tiến sâu vào vấn đề. 38 năm
rồi, tôi chưa gặp lại Kim Xuyến. Tôi muốn đối diện nàng ngay, bây giờ, để coi
nàng mập hay ốm, tròn hay vuông thế nào?
- Trễ rồi. Anh làm ơn cho số phone hoặc địa
chỉ Kim Xuyến. Tôi phải thăm cô ta ngay.
Hiện vói tay lên bàn, quơ chai Cordon Bleu
xuống, rót đầy hai ly nhỏ.
- Khoan đã. Làm với tôi vài ly cho ấm bụng,
rồi chúng ta cùng đi...
Tôi cầm ly rượu, ực một hơi.
- Anh biết nhiều về Kim Xuyến?
Hiện cầm ly rượu lên, cũng ực một hơi.
- Kim Xuyến trốn trại ở Mỹ Phước Tây và vượt
biên ngay. Chúng tôi cùng chuyến thuyền và may mắn được tàu Mỹ vớt đem thẳng về
nước. Tôi và nàng quen nhau vì duyên văn nghệ: Nàng ca, tôi đờn. Thế là chúng
tôi gắn bó nhau từ đấy. Bài ca đầu tiên nàng hát ở hải ngoại là bài ca anh sáng
tác. Rồi đi đâu, nàng cũng hát bài đó. Nàng hát trong các buổi lễ hội, trong
dịp tết, trong các kỳ ra mắt sách, ở khắp nơi - bất cứ nơi nào có cộng đồng
người Việt.
- Nàng chỉ trình diễn có một bài ca tôi sao?
- Còn nhiều bài ca khác nữa chứ! Nhưng bài
ca anh được mở đầu. Vì bài ca anh gợi lại lòng yêu nước của người Việt tỵ nạn.
Tôi cũng thuộc lòng. Những đứa cháu tôi cũng thuộc lòng. Có nhiều người thuộc
lòng.
Tôi vội vàng chồm dậy, đi tới đi lui, nóng
lòng nhìn đồng hồ.
- Trễ rồi. Tôi van anh, làm ơn cho gặp cô
ta.
Hiện đứng lên một cách nặng nhọc.
- OK. Bây giờ chúng ta đi ra biển.
Tôi trợn mắt, ngạc nhiên.
- Ra biển? Sao lại ra biển?
Một dòng nước mắt tự dưng chảy dài xuống má
Hiện. Hiện ôm mặt, buồn bã.
- Thì...thì Kim Xuyến ở biển. Người ta đã
đem tro cốt nàng rải ngoài khơi. Nàng...mất rồi.
Tôi chới với. Dường như gian phòng của Hiện
đang nghiêng ngửa, quay cuồng. Dường như hai đầu gối tôi không thể điều khiển
được nữa. Bất ngờ, tôi chợt khụy xuống, một
cách yếu ới.
- Hả? Trời ơi! Kim Xuyến mất rồi sao? Mất
hồi nào?
- Cách đây năm năm. Nàng lâm trọng bệnh...
V. Tôi và Hiện mướn du thuyền đâm thẳng ra
biển. Tôi bảo tài công cứ chạy ra khơi, chạy đến khi nào thành phố Virginia Beach nhỏ lại
bằng cái nắm tay. Chiều xuống mịt mùng. Sóng đẩy sóng, trườn lên nhau, vỗ nát
mặt biển. Mũi tàu đập sùng sục trong nước. Khí trời như khói như sương bao phủ
xung quanh chúng tôi một màn huyền ảo lạ thường. Trong màn huyền ảo mênh mông
đó, tôi trườn ra mũi tàu, phình mắt ngó xuống trùng dương thăm thẳm. Bỗng tiếng
ca trong vắt vang lên từ đáy sâu. Tiếng ca như lưỡi dao sắc cắt nát trái tim
người. Tôi vội vàng đưa hai bàn tay lên miệng làm loa, hướng thẳng về phía
tiếng ca, la lớn: KIM.....XUYẾN, KIM...XUYẾN...Cứ thế, tôi tiếp tục la cho đến khi khàn giọng, tắt tiếng. Phía
sau, Hiện đứng sửng như tượng đá, nước mắt rớt như mưa, nhạt nhòa khuôn mặt...
*PHẠM HỒNG ÂN
(Escondido , 27/03/2013)
No comments:
Post a Comment