Saturday, July 13, 2019

TRÊN HỒ MIRAMAR



TRÊN HỒ MIRAMAR

trên núi cao, ta đứng ngó hồ
chiều vây quanh bóng nắng chơ vơ
em xưa ngọn tóc đong đưa gió
giữa dấu tim trần một ý thơ.

phố dưới chân, phố gánh dòng đời
trĩu hồn ai nỗi sầu chưa vơi
có biết ta như thân đại thụ
vừa mới trổ hoa đã rụng rơi.

hồ bao la, hồ trên núi cao
vắt ngang vai ngọn tóc ba đào
mềm mại dòng thương chao dòng nhớ
làm ngữ ngôn ta bỗng bật trào.

chiều trên hồ, em thả tóc bay
mát rượi đời nhau giây phút này
ví như tình vội như là rượu
chưa nhắp, lòng ta đã ngất say.

hồ ngó ta, lếch thếch tình nhân
trơ trụi về đây, tấm thân tàn
mới hiểu phố em, cơn nắng dữ
thiêu rụi từng thời ký ức xuân.

          *PHẠM HỒNG ÂN
    (Miramar Lake, 06/24/2018)


TRUNG THU



.TRUNG THU

đốt ngọn nến thắp đèn lồng cửa nguyệt
chờ đêm lên ta thả gió theo trăng
tình mây gởi giữa lưng trời Phan Thiết
biển chờ thơ rụng từng mảnh sao vàng.

Thủ Đức em uống giọt trăng huyền diệu
trầm tư ngồi nghe phố xá xôn xao
em chưa hiểu những điều ta đã hiểu
sóng vờn trăng cho nguyệt đổ ba đào.

sẽ có lúc ta tắm trăng Đà Nẵng
nghe quanh đây thành quách bỗng cựa mình
em nằm xuống cỏ may chờ nguyên đán
hồn Chiêm Thành trăng uẩn khúc u linh.

biết bao quán cà phê lồng bóng nguyệt
Sài Gòn đêm qua Phú Thọ chơi đèn
này chiếc bánh có dấu răng em khuyết
vẫn in đầy màu môi đỏ anh quen.

trung thu ta cũng bạc dòng viễn xứ
bạc dòng theo sông Hậu sông Tiền
ta ao ước đứng chân cầu lịch sử
thắp nến mừng đêm nguyệt động cùng em.

                        *PHẠM HỒNG ÂN
                           (24/09/2018)

HÀNH TRÌNH THƠ


.HÀNH TRÌNH THƠ.
            *Vài ý nghĩ thô thiển

        Với tôi, thơ là một hành trình.Thơ Việt bắt nguồn từ tục ngữ, ca dao. Và khởi hành một cách thú vị, qua biết bao bờ bãi nhân gian, rồi đến một lúc, bởi sức bức bách của thời cuộc, thơ tức tưởi chia thành hai dòng: một - ở lại nước, một - lưu vong trên khắp thế giới. Dòng ở lại nước, thơ trang bị giáo mác súng đạn, như một người lính, bảo vệ chế độ. Chỉ tới khi chế độ sắp suy vong, họ mới mở cửa, giải thoát mọi thứ, trong đó có thơ. Từ khi được giải thoát, con người mơ ước đến tự do. Nhưng thật sự, tự do không bao giờ có ở chủ nghĩa cộng sản. Cộng vào đó, dân chúng phát hiện thêm sự bất tài của chế độ, phát hiện thêm nguy cơ diệt vong của đất nước, nên một số thơ tranh đấu từ các nhà thơ bất khuất ra đời. Nhưng dưới sức áp bức bạo tàn của nhà cầm quyền, người dân đành chịu thúc thủ, mượn rượu hoặc thơ để quên đi đau khổ. Một số chìm trong trụy lạc, lê la khắp nơi, lười biếng xây dựng cuộc đời. Số mượn thơ giải khuây, càng ngày càng đông. Họ kêu gọi, kết hợp nhau lập thành nhóm thơ. Nhóm thơ xuất hiện khắp nơi, có mặt từ các đô thị, tỉnh, quận...đến làng, xã, ấp..v..v..Đâu đâu cũng có nhà thơ, chỗ nào cũng có người làm thơ khổ, thơ tình. Việt Nam bây giờ, đúng như câu nói của nhà thơ Mỹ Emerson, cuối thế kỷ thứ XIX: "Tất cả mọi người vốn là thi sĩ tự trong tim" (All men are poets at heart). Nhưng làm thơ hay, được số đông ái mộ, thì rất hiếm. Thơ, giống như tiếng hát, giọng ca. Phải có cái rất riêng của nó. Nếu chưa đạt, người làm thơ chẳng khác nào một anh thợ sắp chữ, sao cho khít với từng loại khuôn, đã có sẵn. Sở dĩ, các nhóm thơ được hoạt động tự do, thơ tình đua nhau đăng báo, lên mạng một cách công khai. Tôi nghĩ, điều này rất thuận với nhà cầm quyền, họ muốn nhân dân chìm sâu vào lãng mạn, bỏ quên khí phách, yếu đuối tinh thần, không còn sức mạnh để nổi dậy chống đối. Được nước, các nhà thơ tự phát hô phong hoán vũ, thổi phồng phong trào thơ mới, chê thơ cũ là truyền thống cổ điển, thế là...họ ào ạt cổ xúy và cho ra đời các thơ hiện đại, hậu hiện đại, phồn thực, tân hình thức...Xin ghi lại những bài thơ mới dưới đây, tất nhiên, tùy nghi quý vị thẩm định.
        Nhà nghiên cứu văn hóa trong nước Inrasara đã khen không tiếc lời về bài thơ Khóc Văn Cao của nhà thơ Bùi Chát (thơ Hậu Hiện Đại). Ông ta nói, bài thơ chỉ có 6 âm, nhưng nó có khả năng lay chuyển nhận thức, về một sự thể văn chương và cả cái thói quen trong đời sống của Việt Nam.( lời của Inrasara trả lời phỏng vấn của Mặc Lâm, biên tập viên RFA). Và đây là bài thơ:
                Anh Văn ơi!
                Hu Hu Hu...(thơ Bùi Chát)
        Thơ Hậu Hiện Đại của chính nhà nghiên cứu văn hóa Inrasara:
                (cảm tác từ Miến Điện)
                những sinh phận không tự do
                thiếu tự do
                mất tự do những sinh phận
                bị cầm tù trong thế giới thung lũng nên không nên
                mò mẫm giữa vòng vây của cho phép
                của nghe nói của được nhìn. (INRASARA)
        Còn đây là thơ Hiện Đại:
                .Tháng tư
                hôm qua bầu trời quá bẩn
                tôi lôi nó xuống bỏ vào máy, bỏ bột giặt, rồi bấm nút
                rồi đi nhậu vài ly, rồi ngủ
                tôi quên bẵng cho tới hôm nay
                xô cửa sổ thấy tối om mới nhớ rằng bầu trời còn trong máy giặt
                tôi lấy ra bỏ vào máy sấy, bấm 50 phút
                khi trở lại thì nó đã khô

                tôi thả bầu trời về với bầu trời
                bầu trời đầy mây trắng mây xanh thẫn thờ bay trên thành phố
               
                tôi ký hoá đơn tiền điện
                tháng này nhiều hơn tháng trước 2 đô la.(THẬN NHIÊN)
        Và thơ Tân Hình Thức:
                         Có Sao

                Tiếng kêu kêu trong
                tiếng kêu xuyên suốt
                âm vang trong tâm
                trí như giấc mơ
                dần tàn mà có
                giấc mơ nào đâu
                mà dần tàn nhỉ? (KHẾ IÊM)
        Bỏ cũ tìm mới là thói quen của những người thích làm cách mạng. Nhưng cái mới phải hơn cái cũ, phải thu hút được số đông đồng tình đồng điệu, cái mới mới độc đáo, mới chói sáng. Còn ở đây, những bài thơ trên là những bài thơ không có hồn, đó chỉ là những thân thơ trơ trụi, được tác giả tô son phết vàng một cách tùy tiện và dị hợm.
        Về dòng thơ thứ hai, tức dòng thơ Việt ở hải ngoại. Giống như dòng thơ trong nước, hải ngoại càng có nhiều người làm thơ. Nguyên nhân cũng dễ hiểu. Có thể họ nhớ quê hương, buồn vì tình yêu chia cắt, hoặc thất vọng vì công việc, hay thơ thẩn giải khuây với tuổi già...Một số cũng bắt chước trong nước, đoạn tuyệt với nguồn thơ cũ, chạy theo các trường phái mới, vênh vang như tự cho mình đã khám phá ra một luồng thơ tuyệt vời. Song song với tính hào phóng đó, họ đua nhau tìm kiếm nhân tố mới, phái nữ luôn ưu tiên, các nhà thơ nữ có chút nhan sắc lần lượt được đưa lên các trang web ca tụng hết lời.
        Một số nhìn về quá khứ, thương tiếc cho nền văn học trước 1975. Họ bỏ công sưu tầm và in lại các tác phẩm cũ. Nhưng quanh quẩn chỉ là "mèo khen mèo dài đuôi". Sách tái bản đều nằm trong danh sách bạn bè thân thiết của họ hay tác giả đã nằm sâu dưới ba tấc đất. Tôi nhớ, cách đây khá lâu, có vài nhóm bỏ công tìm kiếm những tác phẩm của những người làm thơ trước 1975, và đặt tên là THƠ TÌNH THỜI CHIẾN. Tôi có góp ý về các thi văn đoàn cực nam - những nơi xa xôi hẻo lánh, cách xa các thành phố phồn thịnh, như nhóm Hồn Trẻ 20, Khuôn Mặt Học Trò (Sóc Trăng), nhóm Chân Trời, thi văn Tình Ca - Cuối Việt (Cà Mau). Những nhóm này, đa số là học trò khoác áo chinh y, phần đông đều có thơ đăng báo, và tác phẩm của họ góp phần không nhỏ, xoay quanh cái chủ đề THƠ TÌNH THỜI CHIẾN của họ. Nhưng rất tiếc, người chủ trương không thực hiện theo lời yêu cầu, đành mất đi một số tác giả đáng kể.
        Hải ngoại còn cho ra đời vài "nhà phê bình" không qua trường lớp nào. Có ông cốt để mua vui, "phun châu nhả ngọc" ca tụng quá đà cho một tác phẩm của một tác giả đã nổi tiếng, hoặc đã thân thiện với họ. Có ông chịu khó góp nhặt các lời phê bình trên báo chí hay sách vở, sẵn sàng "bươi móc", chê trách các sáng tác của những tác giả cô thế, lẻ loi. Hình thức văn chương bầy đàn, hầu như có mặt khắp nơi ở hải ngoại. Và tội nghiệp, các thành phần lẻ loi, đành chịu số phận hẩm hiu.
        Dòng thơ trong nước hay dòng thơ hải ngoại, cho đến nay vẫn phát triển một các gập ghềnh. Hành trình thơ vẫn tiếp tục cuộc đi, như luồng nước, mạnh ai nấy trôi, mạnh ai nấy giạt. Thiết nghĩ, cần những trọng tài, hay những nhà phê bình chân chính, nổ lực cứu nguy cho sự trôi giạt này.
                                              *PHẠM HỒNG ÂN
                                                    (10/12/2018)
             
               







ƯỚC MƠ

.ƯỚC MƠ.

            Ước mơ là hoài bão của con người. Với tôi, con người không mơ ước, giống như thân xác mất tâm hồn. Tuy thế, mơ ước rất ít thành hiện thực. Nhưng từ những thất bại đắng cay đó, con người vẫn tiếp tục mơ ước. Một thi sĩ Pháp, Edmond Rostand đã từng nói: " Chính trong đêm tối tưởng đến ánh sáng, mới thấy đẹp" (C'est la nuit qu'il est beau de croire à la lumière.).
            Ngay từ niên thiếu, lúc bước vào ngưỡng cửa học đường, tôi đã mơ ước mai sau trở thành bác sĩ, kỹ sư để no cơm ấm áo, để phục vụ cho đời. Khổ thay, chiến tranh đã đẩy tôi nhập ngũ, ném ước mơ tôi vỡ nát, biến tôi thành một tên lính sẵn sàng nhả đạn vào kẻ thù. Trong chiến tranh, ước mơ lại đương nhiên mọc cánh, tôi muốn trở thành cấp chỉ huy có quyền lực, muốn nổi tiếng là anh hùng, dũng cảm hơn các anh hùng. Đau thay, thêm một lần nữa, bọn thắng cuộc vặt trụi cánh ước mơ của tôi, tống tôi xuống những chỗ tối tăm nhất, nhốt tôi nơi hèn hạ nhất, bắt lao động khổ sai như các nô lệ thời trung cổ. Lần này, tôi nếm đủ mùi đời. Đói, khát, rét, khổ, bệnh, tật...Cái chết đe dọa từng giờ. Nỗi buồn như lưỡi dao, mỗi ngày xén đi từng mảng sống. Tôi thèm tất cả. Tôi khát khao mọi thứ. Những thứ mà lúc bình thường tôi coi như tầm thường, không đáng cho tôi quý trọng. Từ nhúm muối, muỗng đường, giọt nước mắm...đến hạt cơm, miếng mỡ, lát khô..v..v..đã trở nên quý báu và hiếm có trong bữa ăn của tù nhân. Vậy mà trong từng phút giây đau thương đó, mơ ước bỗng như hàng loạt mầm xanh, đua nhau đâm chồi, nẩy mọng trên mảnh đất hoang tàn. Tôi ước có một bữa cơm giản dị, chỉ cần dưa và muối thôi. Ước được uống vài ngụm cà phê, được trở về đoàn tụ gia đình, hoặc được nhìn thấy bóng dáng đàn bà phất phơ qua lại giữa cảnh thâm sơn cùng cốc này. Và bây giờ, tuổi già đã đến, dù gần đất xa trời, tâm hồn tôi vẫn ung dung xòe những ước mơ để vươn tới. Tôi đang mơ những cuốn sách nằm trong dự tính. Mơ đến nguồn cảm hứng dạt dào cho thơ tình, viết tặng các đôi nhân tình đang yêu nhau chân thật. Mơ được nổi tiếng như Hàn Mạc Tử, được Mai Đình ve vuốt và thương yêu đến giây phút cuối cùng. Chẳng phải chỉ có tôi. Cả thế giới này đều như vậy. Mỗi người đều có những ước mơ riêng. Và những ước mơ chung. Rất tự do.
            Ở Mỹ, tôi đã từng thấy những người già xếp hàng tại một tiệm liquor, chờ mua Mega Million ( giống như vé số ở Việt Nam). Hôm đó, jackpot lên tới một tỷ đô la Mỹ, Những người già này đều có chung một ước mơ trở thành tỷ phú, dù cuộc sống còn lại của họ, chẳng bao lâu nữa. Cũng vậy, nơi hospice, người đạo Chúa khi hấp hối vẫn mơ ước được cất lên thiên đàng. Người đạo Phật, phút lâm chung, luôn mong muốn về miền cực lạc. Hôm nào có dịp, thử làm một vòng qua các casino, bạn sẽ thấy rất nhiều người già ngồi xe lăn, có ông tật nguyền, có bà mang cả bình dưỡng khí bên hông. Họ chăm chú đánh bạc hoặc miệt mài kéo máy, họ hy vọng đổi đời, mơ ước cuộc sống mới tốt hơn.
            Bởi thế, câu nói: " chính trong đêm tối tưởng đến ánh sáng, mới thấy đẹp" của nhà thơ Pháp Edmond Rostand, thật chính xác lắm thay!



VỀ LẠI LONG KHỐT



VỀ LẠI LONG KHỐT

về lại Vàm Cỏ Tây biên giới
nghe sương đêm rơi ướt hiên chùa
ta hớp lời kinh tan theo khói
lòng chợt quặn lòng nhớ cõi xưa.

ngó trăng vằng vặc làng Long Khốt
thương chiếc xuồng em vội vã bơi
thương cánh dơi đêm bay hoảng hốt
giặc đã qua sông, lửa ngút trời.

ta vắt đời ta bên hữu ngạn
kiệt cùng như một gã vô danh
canh giữ dòng sông đầy lận đận
cho bản làng em hưởng phước lành.

Vàm Cỏ Tây nước trong leo lẻo
leo lẻo da em, gái dậy thì
hương da thiếu nữ như hương kẹo
mới thoáng mà ta đã vội si.

chiến tranh tàn bạo chia đôi ngả
biển gọi ta đi, bỏ lại em
lần cuối, ngó xuồng trên bến lạ
mái dầm khua sóng vỡ trăng đêm.

tàn trận, ta về thăm Long Khốt
đứng giữa bến xưa hú gọi đò
bỗng dưới hiên chùa ai soi đuốc?
Trời ơi! em mặc áo ni cô...

                        PHẠM HỒNG ÂN
                            (19/06/2019)



VỀ SANTA ANA, THĂM ZULU



.VỀ SANTA ANA, THĂM ZULU

mùa hạ theo tôi rót nắng lên vai
cơn đại hạn trên một trăm độ F
trong mắt tôi vẫn còn hình ảnh đẹp
mát làm sao những vòm ngực đáng yêu.

phố Bolsa rực nhan sắc mỹ miều
nhắc tôi nhớ quẹo xuôi về Brookhurst
nhắc tôi dừng trước căn nhà tầng trệt
nơi Zulu ngồi ngắm nắng Colby.

tạm quên các em khoe cặp chân dài
điểm danh bạn, đếm từng tên có mặt
tên nào tên nấy đỏ lòng đen sắc
nụ cười xưa còn ngùn ngụt trên môi
chí lớn gặp nhau ở cuối tuổi đời
ôi, hạnh phúc - là những điều còn lại.

như vòm ngực các em cong cong mềm mại
làm nắng hè bỗng hóa mưa rơi
làm tiếng ve chợt biến tiếng thơ tôi
thành mật ngữ của tình yêu bất tử.

tôi là khách, suốt đời lữ thứ
cám ơn em - từng chỗ trọ tâm hồn
cám ơn bạn - mùa hè viễn xứ
chia giùm tôi cơn đại hạn hoàng hôn.

                    PHẠM HỒNG ÂN
                 (SAnta Ana, 29/07/2018)

Wednesday, July 3, 2019

CÁI BÓNG




. CÁI BÓNG

đêm, em là cái bóng
rực sáng một góc đời
lửa, từ thân xác mộng
chập chờn cháy nám tôi.

ngồi trong lòng tâm thức
rớt xuống sinh mệnh trời
tôi như cành lá mục
bón sầu em xanh tươi.

tôi ôm hoài cái bóng
làm chiếc phao tập bơi
giữa muôn trùng lượn sóng
tôi vẫn bơi, vẫn rơi.

sóng từ tâm hơn người
cuộn tôi từ dòng trôi
đẩy về em, cái bóng
chập chờn đốt cháy tôi...

      *PHẠM HỒNG ÂN
        (08/11/2018)


XÓA NHAU




. XÓA NHAU
   (cám ơn những người, tôi đã xóa tên)
1.
xóa em. giữa ngữ ngôn tôi.
chọn riêng một chỗ nằm. phơi cơn buồn.
xóa hình. nhạt bóng nhòa gương.
dung nhan. hóa ảo. xin mường tượng em.
xóa. như vẽ sắc diện đêm.
trong khung bóng tối. vừa lem luốc đời.
xóa em. tôi cũng xóa tôi.
chọn riêng một chỗ nằm. chơi thơ tình.
2.
cám ơn em. cuộc hành trình.
quanh co cũng chỉ một mình. tôi đi.
cám ơn những giọt thơ. lì.
thương em. chẳng nỡ chia ly nửa chừng.
câu thơ. gạch nối. người dưng.
tôi và em. tới cuối cùng. thế thôi.

               *PHẠM HỒNG ÂN
                  (22/08/2018)


ĐÊM NGHE NÚI THỞ



ĐÊM NGHE NÚI THỞ

đêm nghe núi thở
mùi đồng bằng nồng nặc phố phường
ta ôm xác thân rệu rạo
những múi xương lăn trên đồi nương
trằn trọc từng giấc mơ
mang cánh đá nặng nề
khuya
mười hai giờ ngủ dật dờ
vừa tới ba giờ đã đáp xuống Việt Nam
đứng quanh ta
những cái bóng chưa bao giờ tượng hình.

đêm thả trôi sông
những mối tình mỏng như sợi tóc
sợi tóc Kimoko phất phơ Rạch Miễu
sợi tóc em lung lay Cồn Ốc
sợi tóc buộc chặt ta
treo giữa lòng ký ức
ta biết về đâu trong mênh mông tâm thức
sông dày vò con nước ngược dòng.

đêm lồng lộn mưa bay
căm căm lửa phù tang tắt ngúm
thế hệ phà tuyệt mệnh
Kimoko Kimoko Kimoko
quyên sinh trước cửa tim ta
em lại trở về
áo bà ba chói sáng góc trời
chiếc nón lá nghiêng vành vương miện
thơ tung lên khắp nơi
mật ngữ tràn theo sắc lụa.

Bến Tre bát ngát hương dừa
xôn xao trai làng Phú Đức
ta cắm chiếc vá đầu tiên
nơi ngực đất trinh khiết
nơi, em đã giữ gìn
suốt bao mùa lửa đạn
ta ném lưỡi cuốc tiền phong
thị uy quân tà đạo
thách đố bạo lực
bất chấp cơn đau xé nát cuộc đời
Hãy thử trồng loài hoa tình sử
trong ngực đất em trinh khiết.

cuối cùng ta cũng đứng đây
không phải Bến Tre
không phải xứ phù tang tội nghiệp
chỉ là ngọn núi thông minh
vươn cao để thở
chỉ là tượng đá tự do
biểu tượng một thời làm người
đấu tranh vì nhân loại
hãy nghe núi thở
giữa đêm khuya
hãy nghe đá kêu
buổi sáng mặt trời chưa thức
ta mới biết Thượng Đế thật diệu kỳ
khai sinh ra những thiên tài kỳ diệu.

ta cũng bắt chước tiền nhân
đem hoa đồng bằng về trồng đất núi
thứ hoa tình sử Bến Tre
thời ngực đất em trinh khiết
hoa nội địa
vườn xứ người
hôm nay khoe hương khoe sắc
cùng với thơ ta
lồng lộng bốn phương.

mặc kệ xác thân rệu rạo
mặc kệ những múi xương lăn trên đồi nương
mặc kệ giấc mơ cánh đá
mặc kệ những cái bóng chưa tượng hình
ta cùng em
cùng hoa
cùng với thơ ta
thủy chung cùng núi...

                        PHẠM HỒNG ÂN
                            (28/06/2019)