Sunday, July 26, 2020

BÀI ĐỌC NGÀY GIÁO SĨ 70



Kính chào tất cả quý vị.
Lời nói đầu tiên, xin phép được thay mặt Giáo Sĩ Mai Biên, thay mặt Ban Chấp Hành và toàn thể tín hữu trong Hội Thánh Chúa Phục Sinh, trân trọng cám ơn các bậc trưởng thượng, các khách mời, các tín hữu, thân hữu...đang có mặt với chúng tôi trong ngày đặc biệt hôm nay.
Thưa Quí vị, hôm nay là một ngày vui, một ngày gặp gỡ, hay nói đúng hơn là một ngày hội Trăng Thu Kỷ Niệm. Theo tôi, còn là một dịp để chúng ta Tạ Ơn Thượng Đế, sau mấy chục năm sống bình an nơi hải ngoại, sau khi thoát khỏi gông cùm của chế độ cộng sản, đang bạo tàn thống trị trên quê hương chúng ta. Lát nữa đây, kính mời quí vị cùng với chúng tôi ngược dòng thời gian, trở về với Tết Trung Thu cổ truyền. Chúng ta sẽ lắng tai nghe những bản nhạc lãng mạn về mùa thu. Chúng ta sẽ mở rộng ký ức, hồi tưởng lại thời thanh xuân yêu dấu. CHúng ta cũng sẽ Hóa thân cùng các em thiếu nhi, háo hức và mừng vui, cùng nhau đi rước lồng đèn. THưa quí vị, Tết Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Nó mang biểu tượng của sự hiếu thảo, lòng biết ơn. Nó thể hiện cách đoàn tụ và bày tỏ tình yêu thương giữa người lớn và trẻ em. Thiết nghĩ, lưu truyền phong tục quý giá này nơi xứ người, là một cách thế gìn giữ bản sắc dân tộc.
Song song với chương trình Trăng Thu, Hội Thánh chúng tôi cũng Tạ Ơn Thiên Chúa về 33 năm mục vụ và 70 năm tuổi đời của Giáo Sĩ Mai Biên, ông là người thầy và cũng là người anh cả trong Hội Thánh chúng tôi. Suốt 33 năm truyền giảng, Giáo Sĩ đã đưa biết bao người về với Chúa, từ những thiếu niên bụi đời sống ngoài vòng pháp luật cho đến những gia đình HO khốn khổ, bị tước đoạt quyền làm người trong chế độ mới. Chúng tôi còn nhớ thập niên 90, lúc chương trình HO rầm rộ qua Mỹ, chính Giáo Sĩ đã gởi đơn về nước, sẵn sàng bão lãnh cho những ai muốn về SAn Diego. Đến Mỹ, hầu hết gia đình HO đều ngơ ngác, xa lạ trước ánh sáng văn minh của xứ người. Chính Giáo Sĩ đã đứng ra đùm bọc tất cả. Từ chỗ ở đến điền giấy tờ, xin welfare, làm social...thậm chí trợ cấp cho chúng tôi một số đồ đạc và một số tiền để sinh sống, trong những ngày chưa có welfare. Điều quan trọng nhất, Giáo Sĩ đã tạo cơ hội cho chúng tôi tin Chúa. Bằng những lý luận, những lời truyền giảng rất logic, Giáo Sĩ đã cho chúng tôi biết về Đấng Cứu Thế và hơn 25 năm qua, chúng tôi vẫn bên nhau, giữ vững

đức tin, cho đến bây giờ. Nhân ngày đặc biệt hôm nay, tôi xin đại diện Hội Thánh trân trọng cám ơn Giáo Sĩ 33 năm qua đã tận tụy truyền giảng lời Chúa và dìu dắt chúng tôi đi đúng, đi theo con đường Chúa đã khải thị. Và nhân ngày kỷ niệm 70 tuổi đời, chúng tôi xin đồng lòng chúc thọ Giáo Sĩ. Chẳng những Thọ bây giờ và Thọ mãi mãi để hoàn thành tốt nhiệm vụ Chúa giao phó. Nguyện Ơn TRên ban thêm sức cho Giáo sĩ.
SAu cùng, xin tặng Giáo Sĩ một bài thơ vui. Bài thơ có tựa là: Ở TUỔI 70. Tôi xin đọc:
Chúc mừng Giáo Sĩ bảy mươi
bảy mươi chẳng khác ba mươi tuổi đầu
dẻo dai gánh việc Chúa trao
ba mươi ba năm vẫn trước sau vẹn toàn
con đường dẫn đến Thiên Đàng
không có Giáo Sĩ gian nan vô cùng
đời là cõi tạm mông lung
chỉ mang ý nghĩa khi chung con đường
cám ơn hai chữ tình thương
dìu nhau về với cội nguồn thiêng liêng
Chúc mừng Giáo Sĩ MAI BIÊN
bảy mươi, lòng vẫn hồn nhiên yêu đời.
       Trân trọng kính chào Quý Vị
                       PHẠM HỒNG ÂN
                         (26/08/2019)





CỬA VÀO



CỬA VÀO     

CHUYỆN CHƯA AI BIẾT  được hình thành ngay thời điểm cả thế giới đang lâm vào trận dịch Covid-19 rất nguy nan. Khi tôi viết dòng này, thế giới đã có 2.593.129 người nhiễm bệnh, trong đó có 179.725 người tử vong. Riêng Hoa Kỳ, nơi tôi đang định cư, người nhiễm bệnh đã lên tới con số đáng kinh ngạc: 826.184. Và số tử vong là 45.150 người. Những con số này mỗi ngày một tăng, người ta không biết chừng nào nó mới dừng lại.
CHUYỆN CHƯA AI BIẾT  lọt vào ổ dịch, phải nói là đại dịch, lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc đời tôi. Tác phẩm như con người, sẽ chết đi, hoặc èo uột, hoặc sống trong sự nghi kỵ, thờ ơ, bạc đãi của xã hội.
Covid-19 là loại virus bé nhỏ, bé nhỏ đến độ mắt thường không hề thấy, thế mà nó làm cả hành tinh rúng động, làm đảo lộn mọi trật tự cuộc sống, gieo kinh hoàng sợ hãi cho nhân loại, đem tang thương khắp nơi trên địa cầu. Kết cuộc, nhìn lại, chúng ta chỉ là hạt bụi, là một ngụm khói hư không.
Tác phẩm cũng vậy, nó chỉ là thứ ngôn ngữ vô tri, thứ giấy lộn làm đầy thêm rác rến. Nó chẳng giúp ích được con người, khi hàng ngày thế giới càng tiến đến sự diệt vong. Nhưng điều lạ kỳ, trong lúc tác phẩm hiếm người đọc, người sáng tác càng lúc càng đông. Tác phẩm tràn ngập, người đọc không có. Liệu họ có thể vừa là bạn viết, vừa là bạn đọc với nhau không? Hay họ cứ viết thả giàn. Hay họ chọn lựa để đọc? Những cây viết tên tuổi đã già nua, đã xuống mồ, được số đông thời trước tán tụng. Thời sau, vẫn rập khuôn, cuồng mộ đến đỗi chỉ biết có họ, chỉ ngần ấy tác phẩm, quanh đi quẩn lại. Chiến tranh Việt Nam đã làm đau khổ cả một dân tộc. Những cây viết khói lửa xuất thân từ gốc lính, mấy mươi năm qua để lại một kho tàng văn chương. Trong đó, biết bao ngôn ngữ được tẩm bọc bằng nước mắt, máu hồng và cái chết. Họ viết bằng tâm hồn, bằng trái tim, bằng ngục tù và bằng chính thân xác. Ngày nay, Covid-19 sẽ cho ra đời những người viết mới. Những người viết xuất thân từ bác sĩ, y tá, linh mục, tu sĩ, cảnh sát, nhân công nhà quàn...hoặc bệnh nhân, người chứng...hoặc người đang cách ly, ngày đêm nhìn ngắm lại mình, suy nghiệm về cuộc đời ngắn ngủi.
Khoa học tiến bộ đã từng thám hiểm mặt trăng, hỏa tinh...Các

cường quốc đã từng chế tạo ra hỏa tiễn phóng xa vạn dặm, san bằng mọi chướng ngại, và giết người hàng loạt trong chớp mắt. Họ dùng khí giới tối tân tranh giành nhau từng: biển, đảo, biên giới, đất đai...Thời Covid-19, họ đẻ ra những cái xấu khác: giấu diếm, lường gạt, chia rẽ, gian dối, tố cáo lẫn nhau...
Nhưng tất cả những tham vọng, những chiến thắng điêu ngoa đó, so với sức tàn phá vĩ đại của con virus bé nhỏ Corona, chỉ là một con số không to tướng.
Rồi đây, trận dịch sẽ qua, Covid-19 sẽ đi vào bóng tối lịch sử. Liệu đời sống nhân loại có trở lại bình thường không? Liệu chúng ta có còn những buổi họp mặt thương yêu và đông đúc như ngày xưa không? Liệu chúng ta có dám lịch sự bắt tay, ôm nhau thân mật xã giao như trước không? Liệu tình yêu có nồng nàn, có dễ dàng chìm đắm trong nụ hôn mềm mại đã có, từ thuở ban đầu không? Liệu cái mặt nạ có rơi xuống, hay vẫn nằm kỳ quái trên khuôn mặt mỗi người? Tất cả chúng ta đều không biết và chưa chắc...điều gì sẽ xảy ra?
CHUYỆN CHƯA AI BIẾT vẫn chưa ai biết. Nhưng có điều chắc chắn chúng ta đã biết. Chính là sự đoàn kết và hiểu sâu được từng suy nghĩ và tình cảm của từng người thân trong một mái ấm. Thời gian đóng cửa, ai cũng đều trở về gia đình. Ai cũng sống bên nhau, với các bữa cơm đoàn tụ. Chắc chắn sẽ có không ít những con tim, những tâm hồn nhất quán. Họ cúi đầu suy nghiệm cuộc sống. Họ viết nhiều điều họ biết. Họ nghĩ nhiều cái họ nghĩ.
Thời đại Corona thế nào cũng có tác phẩm giá trị. Vì đó là kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm chết mà các tác giả là bác sĩ, y tá, linh mục, cảnh sát, thợ đóng hòm, công nhân nhà quàn...hoặc chính bệnh nhân, nạn nhân...đã từng sống lại từ cõi chết.
Và CHUYỆN CHƯA AI BIẾT sẽ có nhiều người biết.

                                                PHẠM HỒNG ÂN
                                (Viết trong cơn đại dịch, 22/04/2020)




LỜI NGỎ



NGỎ

            Cuốn sách này tôi dành tặng cho các em, bạn bè và hiền thê tôi - những người hiện hữu trong thơ suốt mấy mươi năm nay. Tôi cũng chẳng từ chối những mối tình hư hư thực thực, những mối tình đã làm phong phú nguồn thơ, đã từng có cơ hội thay đổi phong cách trong dòng văn chương lạc hậu của tôi. Ca tụng các em, là cách thế của người viết. Ca tụng cái Đẹp, là ước muốn của Thượng Đế. Có phải ngay từ thuở ban đầu, Ngài đã dựng lên vườn địa đàng trên trái đất? Có phải ngay từ lúc Adam cô đơn, Ngài đã tạo nên người nữ vóc dáng vẹn toàn, đẹp từ thể xác đến linh hồn? Ca tụng các em, tức là ca ngợi công trình sáng tạo của Thượng Đế. Truyền rao thông điệp yêu thương của Ngài đến nhân loại.
            Cuốn sách này như một thi ký, như một văn ký, ghi lại nơi tác giả đến, tác giả đi. Khắc họa từng khuôn mặt bạn hữu, tình nhân, thân nhân -  hoặc bất kỳ một ai làm tâm hồn hoặc trái tim tác giả rung động. Nét khắc họa tuy giản ước, không cầu kỳ, nhưng chạm sâu vào tấm lòng, dựng di tích trong tâm tư đối tượng.
            Nơi tôi đến, nơi tôi đi. Nơi tôi phải rời xa. Nơi tôi sẽ trở về. Nơi lao lung có. Nơi đói khát có. Nơi tuyệt vọng có. Nhưng vẫn có nơi thống khoái, hạnh phúc và tự do tràn ngập. Làm thơ - không phải là làm bế tắc cuộc đời, đưa tư tưởng tới tận cùng hố thẳm. Trái lại, chính những lúc khó khăn của sự sống, khô khan niềm tin, thơ sẽ như món ăn tinh thần, đong đầy những thiếu thốn.
            Tôi vẫn giữ thơ như hành trình bất tận của tâm hồn. Tôi bắt đầu nó từ sự ra đi. Và như thế, đi hoài. Mỗi bước đi đều có định mệnh. Gập ghềnh. Bằng phẳng. Ngục tù. Vinh hiển. Hay khổ đau. hạnh phúc...Tất cả trải dọc trên con đường. Nhưng nào có hề hấn gì, họa chăng, chỉ để lại vết sướt hay vết thương trong tim, trong đời sống. Bởi lúc đó, thơ sẽ dịu dàng hiện ra, thi-vị-hóa tất cả tai ương.
            Ở thơ, chọn nỗi đau nhân loại làm đề tài là điều chọn lựa ưng ý nhất, với tôi. Nỗi đau đó chính là nỗi đau mỗi người. Là thân phận của từng số phần. Tôi là người Việt, nên nỗi đau ruột thịt nhất là nỗi đau Việt Nam. Tôi là người làm thơ, nên có bổn phận dùng ngôn-ngữ-thơ để dựng lên nỗi đau Việt Nam. Dựng lên hay viết lại một cách trung thực, như chính sự thực, như nỗi đau đó là nỗi đau của ngôn-ngữ-thơ.
            Từ nơi tôi đi, có thân nhân, có bạn bè, có người yêu tôi đang đứng đợi. Họ đợi để cùng lên đường. Hoặc họ đợi để chia tay, tạm biệt. Người cùng lên đường đã cùng số phần. Người đang ở lại, cũng chung phần số. Số phần đó, dù bi tráng hay bi thống, dù chấp nhận hay không chấp nhận, dù xóa bỏ hoặc tô đậm, vẫn là một trong những chặng lịch sử ác liệt và tồi tệ nhất trong toàn bộ lịch sử Việt Nam.
            Thi ký, văn ký của một người thường. Chắc chắn sẽ không được trọng dụng. Vì tôi không phải là thi sĩ, văn sĩ nổi tiếng. Cũng không là cánh chim biết bay trong giới chim bầy đàn của thế hệ văn chương. Nhưng mặc kệ. Tôi vẫn viết. Tôi viết bằng con tim và trí óc chân chất của tôi. Tuy không thể là chim là cá, nhưng tôi vẫn ước mơ bay lên bầu trời, bơi trên biển cả - một cách cô đơn và đầy háo hức.
            Có một người bạn thơ gởi cho tôi một comment, sau khi đọc bài thơ "chọn ngày tình nhân " của tôi đăng trên Facebook. Bạn thơ đó viết, "Bài thơ gói trọn một đời người. Buồn, vui và hạnh phúc. Với phụ nữ, thế là quá đủ! Nhà thơ không cần tìm cảm xúc từ đâu nữa nhé!". Tôi đã trả lời, "Không tìm cảm xúc thì làm sao ra thơ? Hỡi bạn hiền của tôi ơi!".
            Vài phút sau, tôi nhận hồi âm của bạn, "Vậy thì thi sĩ hãy cứ sáng tác cho thỏa lòng và đem thơ tưới tắm những tâm hồn khô khát".
            Thưa bạn, bạn nói đúng. Tôi vẫn đang đi trên con-đường-thơ của tôi. Dù trên đó, bất hạnh hay vinh quang đang chực chờ - mặc kệ. Bởi tôi đang cố gắng đeo đuổi ước mơ của riêng tôi, hãy cứ sáng tác cho thỏa lòng, và đem thơ tưới tắm những tâm hồn khô khát.
                                                PHẠM HỒNG ÂN
                                      (Núi Tiểu Thư, 17/02/2020)

           






NGƯỜI MẸ MỸ


NGƯỜI MẸ MỸ
               Những ngày cuối ở Việt Nam, Má tôi không rời tôi một bước. Từ Chương Thiện xa xôi, Má vượt đường xa bằng những chuyến xe về tới Mỹ Tho. Rồi ôm hành lý xuống đò dọc, bôn ba vài tiếng đồng hồ trên sông nước. Rồi xăn quần lội bộ thêm khoảng hai cây số nữa…mới thật sự đến nhà vợ chồng tôi ở Phú Ninh ( Bến Tre). Ðến đây, Má nhất định ở lại, gần tôi, cho đến ngày gia đình tôi lên máy bay qua Mỹ định cư.
   Căn chòi tôi xiêu vẹo, dột nát. Mưa xuống, bên trong lầy lội, váng bùn như có trâu nằm. Nắng lên, chẳng cần đi đâu xa, tôi chỉ việc cởi trần, ngồi xếp bằng ngay trên giường để cho các tia mặt trời tha hồ hong nóng trên làn da phong trần. Má ở lại, tôi chỉ cần nối thêm cái chái ra sân, đủ đặt thêm bộ vạt tre cho Má tôi tạm thời nghỉ ngơi ban đêm. Má ở lại, căn chòi râm ran tiếng cười. Tiếng cười hồn nhiên của thằng cháu nội, cộng với tiếng cười giòn tan của cô con dâu, khi Má tôi kể những câu chuyện tiếu lâm đời xửa đời xưa. Má ở lại, bếp lửa không ngớt than hồng. Các món ăn ngon thay phiên ra lò. Từ món cá lóc trét đất sét vùi tro cổ truyền của thời ông cố ông sơ, đến món lẫu thập cẩm hiện đại…đã làm vợ tôi nuốt nước miếng thán phục.
   Tháng chín năm 1993, tôi đành chia tay người Mẹ thân yêu để qua Mỹ theo diện HO. Những ngày đầu tiên ở San Diego, trong căn apartment rộng rãi đầy đủ tiện nghi, gia đình tôi có cảm giác như vừa đến một xứ sở thần tiên nào đó. Vài ngày sau, một bà Mỹ già đến gõ cửa. Bà tự nhiên tiến đến bắt tay chúng tôi  và ôm từng người một vào lòng.
- Sao? Các con thế nào? Có khỏe không?
   Tôi ngơ ngáo như người từ cung trăng vừa rớt xuống. Bà già Mỹ nào đây? Bà đi lộn nhà? Bà nhìn lầm người chăng? Tại sao bà tự nhiên quá cỡ thợ mộc, và thân thiết với mình quá đột ngột như đã từng quen biết với nhau từ lúc nào? Vợ tôi cũng hoảng lên, chạy vội đến bên tôi, nói nhỏ:
- Ông ơi! ông phải cảnh giác nha! Không chừng ở đây cũng giống như ở Sài Gòn. Người ta lường gạt nhau ghê lắm!
   Bà Mỹ già vẫn nhoẻn miệng cười với chúng tôi. Bà âu yếm xoa đầu thằng con tôi, và chầm chậm nói:
- Sao? Các con thế nào? Các con không biết nói tiếng Anh à? Good or no good?
   Tôi lạnh nhạt nhìn Bà:
- Bà có lầm ai với chúng tôi không? Chúng tôi vừa mới đến đây, từ Việt Nam.
- Ðúng rồi. Các con gồm ba người. Có phải các con tên này không?
   Bà móc trong túi ra tờ giấy, lật lên, đưa tôi coi:
- Tên các con này! Ðây! Ðúng không?
   Tên của chúng tôi thật rồi. Trong giấy, người ta còn ghi rõ địa chỉ và số phòng apartment của chúng tôi nữa. Tôi chưa kịp rõ nguồn cơn, bà già Mỹ đã tiếp lời:
- Mẹ ở cơ quan thiện nguyện, có nhiệm vụ giúp đỡ các con . Mẹ tên là Maurice. Còn con, tên là “en” phải không?
   Mẹ Maurice tự nhiên quá, thân mật quá, khiến tôi gọi trả lại bà là “mom” chẳng chút ngượng ngùng.
- Con xin lỗi Mẹ. Mẹ tới thăm chúng con, vậy mà chúng con vô tình không biết. Tên con là AN, không phải đọc là EN Mẹ ạ!
    Bà xuýt xoa quay qua vợ và thằng con tôi:
- Còn cô này và thằng này? Cái tên cũng khó kêu quá!
- Vợ con tên là T…U…Y…E…T…Còn thằng con tên là C…U…O…N…G…
      Mẹ Maurice vừa cười vừa lắc đầu. Bà đọc tới đọc lui, vẫn lọng cọng, vẫn không thể gọi tên vợ và thằng con tôi một cách chính xác. Cuối cùng, Mẹ dắt tôi ra xe, mang vào nhà lĩnh kĩnh những túi xách. Mẹ vui vẻ bày từng món đồ lên chiếc thảm màu vàng rực.
       - Ðây là bình trà và sáu cái tách dễ thương. Ðây là lô dĩa chén cho các con dùng bữa. Ðây là chậu rửa rau, bình pha cà phê, máy xay sinh tố, máy xay thịt. Còn cái này là nồi nấu cơm, nồi hầm thịt, chảo chiên trứng…
      Vợ tôi trố mắt nhìn từng cái. Nàng rất đỗi vui mừng vì được làm chủ những vật dụng mà từ trước tới giờ nàng chưa bao giờ chạm tay tới.
- Con rất cám ơn Mẹ. Mẹ đã tặng các con những vật dụng quí giá. Khi xài  chúng, chắc con sẽ luôn nhớ đến Mẹ.
      - Mẹ không cần cần các con nhớ Mẹ đâu. Mẹ muốn phần nào hàn gắn lại vết thương  mà thời gian qua chính phủ Mỹ đã bạc đãi các con trong chiến tranh Việt Nam.
    Tôi cảm động đến rưng rưng nước mắt. Mẹ Maurice đã làm tôi nhớ lại chiến trường, nhớ đến đồng đội. Tội nghiệp cho tuổi trẻ chúng tôi, vừa lớn lên, xếp bỏ bút nghiên để hiến thân bảo vệ đất nước. Và đau đớn thay, chúng tôi bị bức tử, bị lùa vào ngục tù một cách tức tưởi.
- Bây giờ Mẹ có việc phải đi ngay. Ngày mai hai đứa con của Mẹ : thằng David và con Ann sẽ đến đây dẫn các con đi chợ. Chào các con nha! Chúc các con một ngày tốt đẹp.
   Tôi đưa Mẹ Maurice ra cổng. Nhìn dáng Mẹ tất bật, vội vã – tôi chợt nhớ đến Mẹ tôi ở Việt Nam. Ôi! Những bà Mẹ, dù khác giống nòi, khác màu da…đều có chung một tấm lòng giống nhau – một tấm lòng bao dung, độ lượng…cao như núi non, rộng như biển cả.
     Ðúng như lời Mẹ Maurice hứa, trưa hôm sau, có hai vợ chồng trẻ người Mỹ đến gõ cửa phòng tôi.
- Chào ông bà. Xin giới thiệu tôi là David, còn vợ tôi là Ann. Chúng tôi đến đây để đưa ông bà đi chợ. Mời ông bà ra xe.
      Ann đưa vợ tôi vào một ngôi chợ Mỹ. Còn David chở tôi đi lòng vòng. Hắn tắp xe vào những khu có cộng đồng người Việt sinh hoạt, giới thiệu với tôi từng chi tiết. Trò chuyện một lát, hắn và tôi thân thiện nhau ngay.
- Mày có thích ra biên giới Mễ nhìn cho biết không?
     Tôi ngập ngừng, ngần ngại:
- Ở gần đây không? Xa thì thôi. Sợ làm phiền mày.
- Gần đây. San Diego sát với biên giới Mễ mà. Mày chưa coi bản đồ sao?
     David chạy một hơi đến biên giới. Hắn lái xe giỏi thật! Hắn xàng qua lách lại điêu luyện như  tên nài chơi ngựa trong trường đua. Cuối cùng, hắn dừng lại trên một đỉnh cao.
- Nhìn kìa! Mày có thấy border phía tay phải không? Bên kia là Mễ. Mày sẽ có dịp qua đó du lịch, khi mày cầm thẻ xanh trong tay.
     Tôi nhìn border phía trước. Border chỉ là một cánh cổng rộng cho sự ra vào hợp pháp giữa hai bên. Mù mờ tít xa là nước Mễ bao la. Cũng những cụm mây xám xà xuống với hàng loạt dãy núi kéo dài.
     David đưa tôi về Apartment cũng vừa lúc Ann và vợ tôi xách lĩnh kĩnh những túi thức ăn vào nhà. Vợ tôi không giấu được nỗi vui mừng, cứ cười toe toét:
     - Gần năm chục đồng thức ăn đó anh ạ! Mình không dám mua nhiều, nhưng chị Ann cứ bảo: lấy đi, lấy đi! Chị sẽ trả tiền cho. Mình ngại quá anh à!
     Từ đấy, gia đình tôi và gia đình Mẹ Maurice gắn liền với nhau như bóng với hình. Cuối tuần, David lái chiếc truck đến nhà gọi tôi đi làm công tác thiện nguyện. Công tác chỉ vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ. Chúng tôi thường đến giúp đỡ những người già neo đơn. Ðôi khi giúp họ ăn uống. Ðôi khi dọn dẹp rác rến trong garage. Ðôi khi cắt cỏ xung quanh nhà. Ðôi khi di chuyển một món đồ nào đó qua nơi khác. Lần đi nào, Mẹ Maurice cũng dành cho tôi một phần ăn to tổ bố. Và sau chuyến công tác, Mẹ luôn thân thiện đặt vào túi tôi những tờ giấy bạc mười đồng.
     Một hôm, David lù lù tới, trao tận tay tôi một chiếc xe đạp mới toanh, và một tấm giấy của Mẹ Maurice:
             “Certificate này chứng nhận
                chiếc xe đạp này của AN
                 do Mẹ Maurice thân tặng.”
     Trước khi về, David còn nhấn mạnh:
- Mẹ có dặn, mày nhớ đạp xe đến thăm Mẹ vào mỗi ngày cuối tuần.
     Nghe lời Mẹ, cứ mỗi cuối tuần, tôi đạp xe từ đường 43 đến đường 50 thăm Mẹ. Mẹ ở với vợ chồng David trong một ngôi nhà nhỏ nhắn, nhưng rất xinh xắn. Tôi thích những hàng cây xung quanh nhà, David trồng đủ loại, từ : cam, quít, chanh…đến nho, lê, táo… Buổi sáng, Mẹ Maurice thường ngồi uống cà phê với Ann nơi chiếc bàn bằng đá, dưới bóng mát của tàng cam xum xuê trái. Lúc nào Mẹ cũng để dành tôi một phần hot dog với tách cà phê sóng sánh hương vị. Mẹ luôn xem tôi như một người con trong gia đình. Tôi cũng vậy. Tôi tự nhiên như anh em với David từ lâu, tôi cần cù bầu từng nhánh cam, chiết từ cành quít cho David trồng thêm trên phần đất trống xung quanh nhà. Nhìn những nhánh cây mọc rễ trắng xóa trong bầu, Mẹ Maurice thích chí cười ha hả :
- Thằng này giỏi thật! Vậy mà thằng David không biết cứ xách tiền đi mua từng cây về trồng. Nhờ con, bây giờ Mẹ chỉ cần chiết nhánh, rồi chờ ngày bén rễ đem xuống đất vun phân tưới nước. Vừa tiết kiệm tiền, vừa tiết kiệm công. Hay quá!
     Ngày qua ngày, tám tháng trợ cấp của chính phủ Mỹ vùn vụt trôi qua.  Tôi chưa kịp có ý định tìm việc làm thì Mẹ Maurice đã nhắc David :
- Thằng An sắp hết trợ cấp. Ngày mai con dắt nó  xin việc làm đi!
     David nheo mắt, ngó tôi từ đầu tới chân :
- Ê, ở Việt Nam mày làm nghề gì?
     Tôi cười hề hề, rồi đưa ngón tay trỏ lên, cong lại :
- Bóp cò.
- Trời đất! Mày đùa hay nói thật, thằng quỷ?
     Mẹ Maurice chêm vào :
- Thì nó đi lính, ngày xưa…
     David nhảy chồm lên, hớn hở :
- Vậy, tao có job cho mày rồi.
- Job gì?
- Security.
     Ngày mai, sáng sớm, chưa kịp nhâm nhi ly cà phê đầu ngày, tôi đã thấy chiếc truck của David xà ngay cổng apartment. Hắn tức tốc bốc tôi lên xe, chạy một mạch đến các hãng security nằm trong vùng San Diego. Ði tới đâu, khi nhìn bộ vó chưa đầy 48kg của tôi, ai ai cũng lắc đầu từ chối. Tức quá, David nổi khí xung thiên, vừa chỉ vào người tôi, vừa lớn tiếng với ông Mỹ, chỉ huy toán security :
- Ê! Mấy ông đừng coi thường thằng này nha! Nó chuyên môn bóp cò ở xứ nó đó. Ê! Nó là sĩ quan chỉ huy, thâm niên công vụ…Mấy ông biết không?
     Toán security lao nhao, tên chỉ huy phải chạy đến gần David, xuống nước nhỏ :
- Khi nào opening job, tôi hứa, tôi sẽ gọi điện thoại cho ông.
      David lôi tôi phóng lên xe, trước khi rồ máy chạy, hắn còn nói vói theo tên chỉ huy :
- Ê! Hứa giữ lời nha! Tao chờ điện thoại tụi bây đó.
      Mẹ Maurice buồn rầu khi nghe David kể lại chuyện tìm job của tôi. Mẹ cũng rưng rưng nước mắt khi nhìn lại thân thể gầy gò ốm nhách ốm nhom của tôi.
- Con phải uống sữa, ăn thịt bò hàng ngày…để có da có thịt một chút. Có sức khoẻ, con mới làm việc được.
      Nghe lời Mẹ dặn, sau vài tuần tẩm bổ, tôi đã lên cân vù vù. Và kế đó, tôi cũng đã tìm được việc làm ở một hãng golf. Mặc dù đồng lương giới hạn, nhưng công việc bận rộn liên miên. Tôi làm overtime lu bù. Có khi làm luôn cả ngày chủ nhật. Lần đầu tiên là nhân viên  một hãng xưởng, nên tôi rất thích thú và đam mê công việc, cho nên một thời gian dài tôi đã không đến viếng thăm Mẹ Maurice. Có lẽ vì bặt tin tôi, nên ngày chủ nhật hôm đó, Mẹ Maurice lọ mọ đến tìm tôi. Trời ơi! Mẹ Maurice đây sao? Một bà già Mỹ yếu ớt, chống gậy liêu xiêu gõ cửa apartment.
- Mẹ ơi! Làm sao Mẹ ra nông nỗi này hỡi Mẹ?
      - Mẹ bị stroke con ạ! Mẹ đến thăm con lần này, rồi Mẹ sẽ về Newyork, gần gũi với đứa con gái của Mẹ.
      - Chuyện gì đã xảy ra cho Mẹ?
      - Không. Chẳng có chuyện gì hết. Mẹ muốn đi thăm con gái.
      Tôi ôm Mẹ Maurice vào lòng, và chợt nghĩ đến những nỗi đau âm thầm mà những người Mẹ đã một mình gánh chịu. Sự hy sinh vô bờ bến đó chỉ có  trong trái tim, trong tấm lòng người Mẹ. Mẹ Maurice và Mẹ ruột của tôi đã giống nhau ở điểm này.
        Thời gian dài sau nữa, tôi hoàn toàn mất liên lạc với Mẹ Maurice, David và cả Ann. Rồi một hôm, trong lòng tôi bỗng xốn xang bức rức, như có linh tính báo về  điềm xấu nào đó, tôi vội xách xe chạy lên đường 50. Căn nhà xinh xắn vẫn còn đây. Những hàng cây xum xuê trái vẫn dày đặc bóng mát. Cái bàn đá vẫn ở chỗ cũ, Những nhánh cây do bàn tay tôi chiết cho David giờ đã mơn mởn xanh, phơi phới đón gió chiều. Chỉ có căn nhà là đổi chủ. Người ra tiếp tôi là một ông Mễ bụng phệ. Ông ta cho tôi biết David và Ann đã ly dị nhau, và họ đồng ý bán căn nhà này lại cho ông. Còn bà Maurice mất rồi, hình như bà mất lúc đang ở Newyork thăm con gái. Tôi xin phép hỏi thêm  vài câu  nữa, nhưng ông ta lắc đầu và khép cánh cửa lại.
         Như có ai cầm dao đâm thấu tim gan mình, tôi lảo đảo ra xe, gục mặt vào tay lái, khóc nức nở. Trời ơi! Tôi đã vô ơn với Mẹ Maurice. Tôi đã bội nghĩa với David và Ann. Tội lỗi này, không biết bao giờ mới gột rữa được. Hôm nay, con viết bài này như một nén trầm hương kính dâng lên Mẹ, như ngàn lời tạ lỗi cùng Mẹ, và rất mong Mẹ rộng lượng thứ tha cho đứa con nuôi bất hiếu này.
        Riêng đối với David và Ann, tôi sẽ đi tìm các bạn cuối đất cùng trời, mong nối lại tình bạn tuyệt vời của chúng mình. Ðêm nay, tôi sẽ ngồi một mình uống rượu suốt đêm để ôn lại kỷ niệm xa xưa, hỡi David và Ann thân yêu!

                                             
PHẠM HỒNG ÂN
(Escondido, 27/02/2011)