Sunday, December 6, 2020

KHI BUÔNG SÚNG


 

.KHI BUÔNG SÚNG

 

nghe lệnh rút lui về cửa Tiểu

lòng ta bấn loạn trước ba quân

đạn đã lên nòng chờ khai hỏa

từ trên ban xuống lệnh đầu hàng.

 

chong súng lên trời rồi ngó lính

hai hàng nước mắt bỗng tuôn rơi

ta ôm đầu đợi lời bất kính

từ những làn môi khinh bạc đời.

 

nhưng không, lính cũng ngồi thất chí

dật dờ như đám lục bình trôi

ta thấy bóng ta trên mặt nước

lơ láo thành tên thất trận rồi.

 

thương dáng em về qua Rạch Miễu

trời Bến Tre nắng đổ chan chan

vắng ta, chẳng biết lòng có hiểu

tình vỡ theo hồn nước vỡ tan.

 

chỉ tiếc nụ hôn sao quá ngắn

vội vàng quên kéo phút chia tay

nụ hôn còn khét hơi khói trận

còn bàng hoàng mùi pháo giặc cay.

 

hồn lỡ gởi về năm sáu ngả

ngả nào ta cũng mặn nồng thương

xin em một chút lòng ân xá

vì lính như mây bay khắp phương.

 

nay ở Năm Căn nghe muỗi quậy

mai về Long Khốt ngó dơi bay

muốn rửa nước phèn sông Vàm Cỏ

làm sao rửa sạch khối tình vay?

 

ngày qua An Hóa nằm ngăn địch

cho em đến lớp thật hồn nhiên

đêm neo Chợ Gạo ôm súng kích

ta gởi đến em giấc ngủ hiền.

 

buông súng ta thành tên vô dụng

về đâu? em hỡi! biết về đâu?

nhìn là cờ vàng vừa kéo xuống

lòng như thương tích bởi muôn dao.

 

PHẠM HỒNG ÂN

(29/04/2019)

 




 

 

 

NHỮNG NGỌN CHỮ TRÔI THEO LŨ



.NHỮNG NGỌN CHỮ TRÔI THEO LŨ

 

 tôi thương cọng mì em cắn trên môi

còn ướt nhẹp vài giọt bùn xám ngoét

và phong phanh trên làn da tái mét

chiếc áo choàng chưa đủ ấm châu thân.

 

tội nghiệp em với đôi mắt thâm quầng

nhấp nháy rèm mi đong đầy nước mắt

lũ cuốn mẹ đi - lòng đau như cắt

còn lại đây là xác của em thơ.

 

người cha quỳ, lạy trời đất mịt mờ

cất tiếng thét xé mây xé gió

núi vỡ tung thành nấm mồ xấu số

vùi ngôi làng mất tích dưới bùn sâu.

 

bờ vai thon em từng gánh nỗi sầu

giờ lại gánh cuồng phong trái đất

mảnh khăn tang chưa giải oan sự thật

về câu chuyện dài phá núi, ngăn sông.

 

những ngọn chữ tôi lần lượt bềnh bồng

trôi theo lũ đến nơi em ngồi khóc

đau cho cọng mì bám trên môi trên tóc

ngó thơ tôi xin một chút tình thương.

 

                 PHẠM HỒNG ÂN

                     (31/10/2020)

 

Saturday, November 7, 2020

TỪ MỘT ĐÓA QUỲNH ĐÊM


 *TRanh Dang Danh

. TỪ MỘT ĐÓA QUỲNH ĐÊM

 

bóng trăng

ôm ấp

bóng tôi

từ trong nguyệt động

tôi ngồi

chờ

hoa

khuyết cành

phơi

chỗ nứt da

quỳnh

xoe

cánh nõn

trắng lòa mắt đêm

thương cho

từng sợi tình

mềm

mọc tua tủa

giữa

lưng thềm tiền căn

tiếc

thời

nằm dưới đồng bằng

đất tôi

nhầy nhụa

tro tàn chiến chinh

từ đêm

nhớ

một đóa quỳnh

tôi

trong nguyệt động

hóa

hình tượng trăng.

 

            PHẠM HỒNG ÂN

                (02/10/2020)


Friday, November 6, 2020

HOÀI NIỆM CHƯƠNG THIỆN


 

.HOÀI NIỆM CHƯƠNG THIỆN

 

nắng Cai Lậy đổ lửa

chập chờn chiều nông thôn

con đường bốc hơi nhựa

khen khét mùi khói rơm.

 

chuyến xe về Chương Thiện

mịt mù khói than bay

hành khách như đàn kiến

đeo chật khoang xe đầy.

 

về thăm mẹ trưa nay

con sông buồn muốn khóc

có chiếc ghe cô độc

chờ lượn sóng xuôi dòng.

 

tôi qua cầu thị xã

gập ghềnh ván long đinh

con nước chia đôi ngã

ngã nào về cội tình?

 

mẹ tôi ngồi nướng bánh

trên lề chợ thưa người

đầu đội trời tóe nắng

ngực hứng bếp lửa đời.

 

tôi mừng ôm vai mẹ

nắng bỗng dưng phai màu

trời bỗng dưng nhỏ lệ

rớt xuống trận mưa sầu.

 

giữa cái quán quốc doanh

tôi ngồi trong lặng lẽ

thầm ngó lên tóc mẹ

trắng một bầu trời mây.

 

            PHẠM HỒNG ÂN

               (30/09/2020)

  

VỀ VỚI CHIÊM BAO


 *Tranh Kim Ba

.VỀ VỚI CHIÊM BAO

       (Tặng Cao Duyến)

 

khoác áo đợi bạn hiền trở lại

ta ngồi nghe gió hú trên đồi

tiếng gió rít rì rào khua mái

buồn chia buồn chắp cánh rụng rơi.

 

cởi áo thất vọng ngó núi cao

bạn chưa về đất trời úa sầu

xưa quây quần cụng nhau ly rượu

giờ một mình say giữa đêm thâu..

 

chẳng phải chia tay trong thời chiến

sao biền biệt mãi bạn hiền ơi!

đã qua cái thuở mơ sông biển

cái thuở như mây bay khắp nơi.

 

ta về đây hồn linh tượng đá

đứng ngàn năm chỉ để vọng tình

về đây thương nụ hoa cuống lá

thầm thì ta mỗi sáng bình minh.

 

khoác áo đợi nhau, rồi cởi áo

đón bạn hiền trong giấc chiêm bao

từ đỉnh cao bỗng vang tiếng sáo

thì ra vạn dặm vẫn xa nhau.

 

            PHẠM HỒNG ÂN

                (26/09/2020)

 


Chủ Nhật Buồn

*Tranh Dang Danh
 

.CHỦ NHẬT BUỒN

 

buổi sáng chủ nhật buồn

sương đùn quanh tháp chuông

nắng rơi từng giọt nhỏ

loang loáng sân giáo đường.

 

bầy chim hoang nhảy múa

trên hành lang không người

tôi ngồi nhìn tượng Chúa

cô đơn đứng giữa trời.

 

trong nỗi buồn trống vắng

hàng ghế nằm bâng khuâng

những cánh hoa búp trắng

gục đầu xuống khô tàn.

 

tôi một đời tư lự

sầu xõa rộng hai vai

thương Chúa trên thập tự

như oằn oại thở dài.

 

chủ nhật buồn buổi sáng

tôi lang thang một mình

trong giáo đường thanh vắng

tìm lại tiếng cầu kinh.

 

            PHẠM HỒNG ÂN

               (22/09/2020)

 

Wednesday, November 4, 2020

MAI NÀY TA SẼ BỎ LÀM THƠ


 

MAI NÀY TA SẼ BỎ LÀM THƠ

 

mai này ta sẽ bỏ làm thơ

khi chữ nghĩa trở thành mảnh vỡ

họ lấy mảnh ráp khuôn như thợ

đọc rát mồm, chẳng hiểu được bao nhiêu.

 

ráp mặt trời vào những tiếng kêu

cho thiêu cháy khu rừng vạn vật

lấp biển dời sông xé trăng xẻ đất

kéo câu thơ lội ngược bơi xuôi.

 

từng giấc mơ toạc cánh gãy đuôi

ngôi thần tượng hóa đền phù thủy

đích sáng tạo là bến bờ ma mị

là hố sâu tư tưởng sa lầy.

 

triết thuyết Tàu đến trường phái Tây

rồi hình thức tân kỳ lộng ngữ

xổ dọc bủa ngang ngắt câu hoán chữ

lùng bùng như nhử cá mắc câu.

 

mai này thơ ta sẽ về đâu?

khi cánh thơ trụi hình như có tật

khi ý tứ không còn chân thật

ngọt ngào ru tình sống đến ngàn năm.

 

mai này thơ sẽ rất âm thầm

buồn lặng ngó em đeo mặt nạ

tình yêu sẽ biến thành Thánh Giá

ôm vào lòng tưởng tượng Chúa bên ta.

 

                        PHẠM HỒNG ÂN

                            (25/08/2020)

 

Gánh Hàng Rong Mẹ Tôi


 

.GÁNH HÀNG RONG MẸ TÔI

 

bảy mươi tuổi mẹ tôi còn ra chợ

ngồi bán từng  cái bánh bông lan

nuôi bầy con đang rơi theo chế độ

nằm trong tù khóc nước mất nhà tan.

 

mỗi buổi sáng ba giờ khuya thức dậy

đèn hắt hiu bóng mẹ hắt hiu thêm

trước bàn thờ mẹ thắp nhang khấn lạy

cầu Ơn Trên cho con cháu bình yên.

 

đêm yên vắng ngồi lặng thầm xay bột

những vòng quay khục khặc tiếng mẹ ho

cơn mưa sáng làm ướt nhem chỗ dột

làm rã rời từng nén bột mẹ vo.

 

bên bếp lửa lêu khêu que củi vụn

mùi bông lan thơm phức góc sân nhà

áo mẹ ướt giọt mưa rơi lún phún

vẫn còng lưng gánh bánh vượt đường xa.

 

gánh hàng rong càng cong theo tuổi mẹ

càng nặng dần theo từng bước chân run

mẹ cực khổ nuôi từng bao thế hệ

sao nhẫn tâm gọi mẹ: Ký Sinh Trùng?

 

hãy trả lại gánh hàng rong đúng nghĩa

cho cuộc đời còn tín hiệu yêu thương.

 

                        PHẠM HỒNG ÂN

                            (19/08/2020)



 

Róc Rách PHAN THIẾT


 

 

.RÓC RÁCH PHAN THIẾT

 

tạc anh một bức tượng ngồi

trong sinh khí biển một thời có nhau

tạc đây từng góc phố bầu

nghiêng nghiêng những cánh bồ câu về nằm

cát vàng tạc dấu chân trầm

năm xưa có lúc dẫm thầm đời anh

chiều vàng tạc mảnh nắng hanh

hắt hiu trên vạt tóc tràn ngập vai

mênh mông tạc lượn sóng dài

ngàn năm trầm bổng theo ngày tháng trôi

tạc đi bức tượng để đời

chia nhau bên đất bên trời nhớ nhau.

 

                        PHẠM HỒNG ÂN

                            (18/08/2020)

 

Cái Chết Của Một Họa Sĩ Vô Danh


 

. CÁI CHẾT CỦA MỘT HỌA SĨ VÔ DANH

thằng bạn tôi

một họa sĩ quèn

tốt nghiệp trường cao đẳng mỹ thuật Gia Định

từng vẽ bìa báo, tranh sách

từng ngồi nghiên cứu báo chí

ở Tổng Tham Mưu

khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa

còn tồn tại

từng vẽ quảng cáo

cho bến xe, chợ búa, nhà hàng...

từng ngồi công viên

họa từng tấm hình

cho con nít

lúc ở tù ra

thất thế thất thời

lúc hạt gạo mốc meo

tức tưởi chui ra

từ mũi cọ.

thằng bạn tôi

không nổi tiếng

như các họa sĩ tên tuổi

như mấy ông nhà văn nhà thơ

trứ danh

được ca đi ca lại

trên các diễn đàn

như trường phái hiện thực

siêu thực, lập thể

hậu hiện đại

trừu tượng, lãng mạn

Dada

được các ông vinh danh

trên những bộ sách đồ sộ.

như Leonardo Da Vinci

Vincent Van Gogh

Pablo Picasso

Edouart Manet

Jackson Pollock

Andy Warhol

những họa sĩ bậc thầy thế giới

được các ông đua nhau truyền tụng

ca ngợi chẳng hết lời.

thằng bạn tôi

vô danh

tên tuổi chỉ là thằng ngụy

nghề họa sĩ

nước ngoài

chẳng ai cần đến

nên mỗi ngày

đứng xé bọc

trong hãng Avail

cho đến khi

tắt thở

bởi bệnh ung thư

lúc đám tang

cũng không một họa sĩ nào

đến viếng.

thằng bạn tôi

ra đi

nhẹ nhàng

bởi chẳng có gì lưu giữ.

ngày hôm đó

chỉ có tôi

là thằng bạn

là thằng làm thơ vô danh

ngậm ngùi

đến đưa tiễn.

 

            PHẠM HỒNG ÂN

                (16/08/2020)





 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lóng Lánh SÀI GÒN


.LÓNG LÁNH SÀI GÒN

 

tôi, con trai lục tỉnh

da khét nắng Cà Mau

mùi trâu còn bịn rịn

trên chiếc áo bạc màu.

 

nghe Hòn Ngọc Viễn Đông

lóng lánh ánh đèn hồng

lòng cứ so sánh mãi

đèn hồng với đèn chong?

 

cái đèn chong le lói

chập chờn suốt tháng ngày

đã theo tôi mỗi tối

soi từng trang sách thầy.

 

tôi mang dáng nhà quê

lên Sài Gòn lếch thếch

đôi dép xỏ vụng về

lê bước chân thô kệch.

 

trong ánh sáng đèn hồng

lung linh thành phố đông

nhưng vẫn không soi tỏ

từng số phận long đong.

 

Sài Gòn ơi! hòn ngọc

lóng lánh trong từng người

Sài Gòn là bài học

cho nhà quê, như tôi.

 

ngồi giảng đường đại học

hồn tôi rộng năm châu

kiến thức mang tầm vóc

văn minh khắp địa cầu.

 

ai đi xa cũng hẹn

một ngày sẽ trở về

về rồi, cũng nghĩ đến

xưa, có gã nhà quê!

                     PHẠM HỒNG ÂN

                        (10/07/2020)


 

CHiều NHớ XUYÊN MỘC


 

.CHIỀU NHỚ XUYÊN MỘC

 

chiều lên núi bỗng nhớ Xuyên Mộc

sông Đrây đỏ lòm màu nước độc

tù như ta đúng là tù vua

quậy đục sóng một thời ngang dọc.

 

dưới trướng có đệ tử hình sự

lo ông thầy mất ngủ kinh niên

lên núi lùng sục ba thứ củ

rồi bảo là sâm, loại thuốc tiên.

 

kệ mẹ, cứ củ, gọi là sâm

không bổ thân, chắc cũng bổ tâm

ở đây thân đói, nhưng tâm sáng

dẫn dắt tù trong cảnh tối tăm.

 

là người hùng, ăn chẳng cần no

buổi bắp, buổi khoai, buổi bo bo

lúc khát về sông hay ra suối

gục mặt mà tu giống hệt bò.

 

quân tử ngủ trần không cần chiếu

tội bầy lính giặc gác thâu đêm

bạn tình là những con rận điệu

chui rúc da ta hưởng thú ghiền.

 

hôm nay lên núi nhớ Xuyên Mộc

lòng bỗng tức mấy tên nô bộc

già rồi còn lên giọng lưu manh

giọng của mấy thằng vô tổ quốc.

 

            PHẠM HỒNG ÂN

                 (07/07/2020)

 

Trút Sông Ra Biển


 

.TRÚT SÔNG RA BIỂN

 

từ ngày có sông

nước chảy thành dòng

từng bước long đong

đá mòn bờ cạn

hiu hắt hạ nguồn

trôi về biển đông.

.

từ ngày bến sông

đưa em vào mộng

một trời lồng lộng

em dáng kiêu sa

môi thơm ngọc ngà

nụ tình phù sa.

.

rồi dòng sông em

nước bỗng cạn êm

trồi dần ra biển

giấu nỗi cuồng điên

lên bãi sầu đêm

đầy vết thương mềm.

.

trút sông ra biển

trút nước về nguồn

trút từng nụ hôn

xuống dòng hoang ảo

ta ngồi lơ láo

tìm lại mùi hương...

 

            PHẠM HỒNG ÂN

 ( Chúa Nhật buồn, 28/06/2020)

Sunday, July 26, 2020

BÀI ĐỌC NGÀY GIÁO SĨ 70



Kính chào tất cả quý vị.
Lời nói đầu tiên, xin phép được thay mặt Giáo Sĩ Mai Biên, thay mặt Ban Chấp Hành và toàn thể tín hữu trong Hội Thánh Chúa Phục Sinh, trân trọng cám ơn các bậc trưởng thượng, các khách mời, các tín hữu, thân hữu...đang có mặt với chúng tôi trong ngày đặc biệt hôm nay.
Thưa Quí vị, hôm nay là một ngày vui, một ngày gặp gỡ, hay nói đúng hơn là một ngày hội Trăng Thu Kỷ Niệm. Theo tôi, còn là một dịp để chúng ta Tạ Ơn Thượng Đế, sau mấy chục năm sống bình an nơi hải ngoại, sau khi thoát khỏi gông cùm của chế độ cộng sản, đang bạo tàn thống trị trên quê hương chúng ta. Lát nữa đây, kính mời quí vị cùng với chúng tôi ngược dòng thời gian, trở về với Tết Trung Thu cổ truyền. Chúng ta sẽ lắng tai nghe những bản nhạc lãng mạn về mùa thu. Chúng ta sẽ mở rộng ký ức, hồi tưởng lại thời thanh xuân yêu dấu. CHúng ta cũng sẽ Hóa thân cùng các em thiếu nhi, háo hức và mừng vui, cùng nhau đi rước lồng đèn. THưa quí vị, Tết Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Nó mang biểu tượng của sự hiếu thảo, lòng biết ơn. Nó thể hiện cách đoàn tụ và bày tỏ tình yêu thương giữa người lớn và trẻ em. Thiết nghĩ, lưu truyền phong tục quý giá này nơi xứ người, là một cách thế gìn giữ bản sắc dân tộc.
Song song với chương trình Trăng Thu, Hội Thánh chúng tôi cũng Tạ Ơn Thiên Chúa về 33 năm mục vụ và 70 năm tuổi đời của Giáo Sĩ Mai Biên, ông là người thầy và cũng là người anh cả trong Hội Thánh chúng tôi. Suốt 33 năm truyền giảng, Giáo Sĩ đã đưa biết bao người về với Chúa, từ những thiếu niên bụi đời sống ngoài vòng pháp luật cho đến những gia đình HO khốn khổ, bị tước đoạt quyền làm người trong chế độ mới. Chúng tôi còn nhớ thập niên 90, lúc chương trình HO rầm rộ qua Mỹ, chính Giáo Sĩ đã gởi đơn về nước, sẵn sàng bão lãnh cho những ai muốn về SAn Diego. Đến Mỹ, hầu hết gia đình HO đều ngơ ngác, xa lạ trước ánh sáng văn minh của xứ người. Chính Giáo Sĩ đã đứng ra đùm bọc tất cả. Từ chỗ ở đến điền giấy tờ, xin welfare, làm social...thậm chí trợ cấp cho chúng tôi một số đồ đạc và một số tiền để sinh sống, trong những ngày chưa có welfare. Điều quan trọng nhất, Giáo Sĩ đã tạo cơ hội cho chúng tôi tin Chúa. Bằng những lý luận, những lời truyền giảng rất logic, Giáo Sĩ đã cho chúng tôi biết về Đấng Cứu Thế và hơn 25 năm qua, chúng tôi vẫn bên nhau, giữ vững

đức tin, cho đến bây giờ. Nhân ngày đặc biệt hôm nay, tôi xin đại diện Hội Thánh trân trọng cám ơn Giáo Sĩ 33 năm qua đã tận tụy truyền giảng lời Chúa và dìu dắt chúng tôi đi đúng, đi theo con đường Chúa đã khải thị. Và nhân ngày kỷ niệm 70 tuổi đời, chúng tôi xin đồng lòng chúc thọ Giáo Sĩ. Chẳng những Thọ bây giờ và Thọ mãi mãi để hoàn thành tốt nhiệm vụ Chúa giao phó. Nguyện Ơn TRên ban thêm sức cho Giáo sĩ.
SAu cùng, xin tặng Giáo Sĩ một bài thơ vui. Bài thơ có tựa là: Ở TUỔI 70. Tôi xin đọc:
Chúc mừng Giáo Sĩ bảy mươi
bảy mươi chẳng khác ba mươi tuổi đầu
dẻo dai gánh việc Chúa trao
ba mươi ba năm vẫn trước sau vẹn toàn
con đường dẫn đến Thiên Đàng
không có Giáo Sĩ gian nan vô cùng
đời là cõi tạm mông lung
chỉ mang ý nghĩa khi chung con đường
cám ơn hai chữ tình thương
dìu nhau về với cội nguồn thiêng liêng
Chúc mừng Giáo Sĩ MAI BIÊN
bảy mươi, lòng vẫn hồn nhiên yêu đời.
       Trân trọng kính chào Quý Vị
                       PHẠM HỒNG ÂN
                         (26/08/2019)





CỬA VÀO



CỬA VÀO     

CHUYỆN CHƯA AI BIẾT  được hình thành ngay thời điểm cả thế giới đang lâm vào trận dịch Covid-19 rất nguy nan. Khi tôi viết dòng này, thế giới đã có 2.593.129 người nhiễm bệnh, trong đó có 179.725 người tử vong. Riêng Hoa Kỳ, nơi tôi đang định cư, người nhiễm bệnh đã lên tới con số đáng kinh ngạc: 826.184. Và số tử vong là 45.150 người. Những con số này mỗi ngày một tăng, người ta không biết chừng nào nó mới dừng lại.
CHUYỆN CHƯA AI BIẾT  lọt vào ổ dịch, phải nói là đại dịch, lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc đời tôi. Tác phẩm như con người, sẽ chết đi, hoặc èo uột, hoặc sống trong sự nghi kỵ, thờ ơ, bạc đãi của xã hội.
Covid-19 là loại virus bé nhỏ, bé nhỏ đến độ mắt thường không hề thấy, thế mà nó làm cả hành tinh rúng động, làm đảo lộn mọi trật tự cuộc sống, gieo kinh hoàng sợ hãi cho nhân loại, đem tang thương khắp nơi trên địa cầu. Kết cuộc, nhìn lại, chúng ta chỉ là hạt bụi, là một ngụm khói hư không.
Tác phẩm cũng vậy, nó chỉ là thứ ngôn ngữ vô tri, thứ giấy lộn làm đầy thêm rác rến. Nó chẳng giúp ích được con người, khi hàng ngày thế giới càng tiến đến sự diệt vong. Nhưng điều lạ kỳ, trong lúc tác phẩm hiếm người đọc, người sáng tác càng lúc càng đông. Tác phẩm tràn ngập, người đọc không có. Liệu họ có thể vừa là bạn viết, vừa là bạn đọc với nhau không? Hay họ cứ viết thả giàn. Hay họ chọn lựa để đọc? Những cây viết tên tuổi đã già nua, đã xuống mồ, được số đông thời trước tán tụng. Thời sau, vẫn rập khuôn, cuồng mộ đến đỗi chỉ biết có họ, chỉ ngần ấy tác phẩm, quanh đi quẩn lại. Chiến tranh Việt Nam đã làm đau khổ cả một dân tộc. Những cây viết khói lửa xuất thân từ gốc lính, mấy mươi năm qua để lại một kho tàng văn chương. Trong đó, biết bao ngôn ngữ được tẩm bọc bằng nước mắt, máu hồng và cái chết. Họ viết bằng tâm hồn, bằng trái tim, bằng ngục tù và bằng chính thân xác. Ngày nay, Covid-19 sẽ cho ra đời những người viết mới. Những người viết xuất thân từ bác sĩ, y tá, linh mục, tu sĩ, cảnh sát, nhân công nhà quàn...hoặc bệnh nhân, người chứng...hoặc người đang cách ly, ngày đêm nhìn ngắm lại mình, suy nghiệm về cuộc đời ngắn ngủi.
Khoa học tiến bộ đã từng thám hiểm mặt trăng, hỏa tinh...Các

cường quốc đã từng chế tạo ra hỏa tiễn phóng xa vạn dặm, san bằng mọi chướng ngại, và giết người hàng loạt trong chớp mắt. Họ dùng khí giới tối tân tranh giành nhau từng: biển, đảo, biên giới, đất đai...Thời Covid-19, họ đẻ ra những cái xấu khác: giấu diếm, lường gạt, chia rẽ, gian dối, tố cáo lẫn nhau...
Nhưng tất cả những tham vọng, những chiến thắng điêu ngoa đó, so với sức tàn phá vĩ đại của con virus bé nhỏ Corona, chỉ là một con số không to tướng.
Rồi đây, trận dịch sẽ qua, Covid-19 sẽ đi vào bóng tối lịch sử. Liệu đời sống nhân loại có trở lại bình thường không? Liệu chúng ta có còn những buổi họp mặt thương yêu và đông đúc như ngày xưa không? Liệu chúng ta có dám lịch sự bắt tay, ôm nhau thân mật xã giao như trước không? Liệu tình yêu có nồng nàn, có dễ dàng chìm đắm trong nụ hôn mềm mại đã có, từ thuở ban đầu không? Liệu cái mặt nạ có rơi xuống, hay vẫn nằm kỳ quái trên khuôn mặt mỗi người? Tất cả chúng ta đều không biết và chưa chắc...điều gì sẽ xảy ra?
CHUYỆN CHƯA AI BIẾT vẫn chưa ai biết. Nhưng có điều chắc chắn chúng ta đã biết. Chính là sự đoàn kết và hiểu sâu được từng suy nghĩ và tình cảm của từng người thân trong một mái ấm. Thời gian đóng cửa, ai cũng đều trở về gia đình. Ai cũng sống bên nhau, với các bữa cơm đoàn tụ. Chắc chắn sẽ có không ít những con tim, những tâm hồn nhất quán. Họ cúi đầu suy nghiệm cuộc sống. Họ viết nhiều điều họ biết. Họ nghĩ nhiều cái họ nghĩ.
Thời đại Corona thế nào cũng có tác phẩm giá trị. Vì đó là kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm chết mà các tác giả là bác sĩ, y tá, linh mục, cảnh sát, thợ đóng hòm, công nhân nhà quàn...hoặc chính bệnh nhân, nạn nhân...đã từng sống lại từ cõi chết.
Và CHUYỆN CHƯA AI BIẾT sẽ có nhiều người biết.

                                                PHẠM HỒNG ÂN
                                (Viết trong cơn đại dịch, 22/04/2020)