Thursday, May 9, 2019

BẠN GIÀ



.BẠN GIÀ

            Chỗ tôi ở là khu chung cư nghèo, nằm cheo leo trên một con đường nhỏ, lúc nào cũng ồn ào như cái chợ. Thằng bạn thân từ xa đến chơi đặt tên là ngã tư quốc tế, nó nói, vì nơi đây tập trung đủ mọi dân tộc trên thế giới, nào : Mễ, Nga, Somalia, Sudan đến Miên , Lào, Tàu, Thái, Ấn, Việt...và kể cả một bà đầm  Pháp vừa mới bay qua gặp chồng từ mấy tuần nay. Ở đây, dân nào dân nấy tự do, khoái tung hê cái tục lệ của họ, nên cảnh sát thường tới thăm đều đều, hoặc xe cứu hỏa cứ chạy tới hú còi ầm ĩ. Gia đình tôi luôn hồi họp quanh năm, định tìm cách dọn đi chỗ khác, nhưng chẳng có chỗ nào hạp với túi tiền hơn nơi này. Lại nữa, tôi có hai ông bạn già thân thiết kế bên, xa cách hai ông này, lòng tôi không bao giờ muốn.
            Phòng hai ông bạn già nằm hai bên phòng tôi, phía sau ngăn nhau bởi một hàng rào gỗ, nên chuyện gì xảy ra ở phòng hai ông, tôi đều nghe mồn một. Ngược lại, chuyện gì xảy ra ở phòng tôi, hai ông bạn cũng biết tuồn tuột. Tuy thế, tôi không thể nào rời hai ông già, vì hai ông biết mần thơ, trong khi tôi là một tên vô danh tiểu tốt, tối ngày chỉ biết rửa chén và rửa đít cho cháu nội. Hai ông có thế giới riêng rất lãng mạn. Một ông mơ mưa, nên dọn bàn ghế ra ngoài hiên, trông mưa mỗi đêm. Còn ông kia thì mộng nắng, trồng đủ thứ hoa ở sau nhà, để mỗi sáng ra ngó những giọt nắng óng ánh nhểu xuống chòm cây khóm lá. Trong lúc hai ông mơ mưa mộng nắng, tội nghiệp, tôi chỉ loay hoay với đống chén dĩa bề bộn và cái restroom nồng nặc mùi cứt đái. Nhưng, sự thật, mỗi người đều có nỗi khổ của người đó. Trên đời này, không ai sung sướng một cách trọn vẹn. Ông mơ mưa, dù gia đình đoàn viên, hợp nhất. Con cái đều nên người. Đứa nào cũng ủng hộ cha làm thơ, sẵn sàng bỏ tiền in thơ, đem tác phẩm của cha giới thiệu với bạn bè. Vợ ông cũng hãnh diện với thơ ông, nên lúc nào cũng âu yếm dâng lên cho chồng những món ngon vật lạ. Tuy thấy vậy, nhưng không phải vậy. Những lần ngồi quán cà phê, ông thường tâm tình với tôi.
            - Khổ lắm ông bạn ơi! Có nằm trong chăn mới biết chăn có rận.
            Tôi ngạc nhiên, ngó lơm lơm ông bạn.
            - Hả? Chăn ông lại có rận sao? Tôi nghĩ, tôi mới là người bắt rận thường xuyên nhất.
            - Bởi vậy...Ông tưởng gia đình tui hạnh phúc lắm sao? Cái nghiệp thơ của tui bắt đầu lung lay đây. Tác phẩm tui không có hồn nữa. Tui như một tên thợ sắp chữ cho vui.
            Tôi rống cổ.
            - Giỡn chơi hoài cha nội! Tôi không hiểu ông muốn nói gì?
            Ông bạn bùi ngùi.
            - Vợ con tui chỉ muốn tui làm thơ cho gia đình. Nếu tui lạng quạng ra bên ngoài, lập tức bị cấm làm thơ ngay. Mà viết cho gia đình, ông nghĩ coi, viết cái gì bây giờ? Tình cha, tình mẹ, tình vợ, tình con, tình anh, tình chị, tình em, tình cháu, tình quê, tình làng...Mấy chục năm nay, tui viết ráo trọi rồi. Bây giờ, còn cái gì nữa mà viết?
            Tôi chưng hửng.
            - Trời đất! Mần thơ, khổ đến như vậy sao?
            - Thơ phải có nàng thơ. Phải lãng mạn, phải giao hảo, phải đi đó đi đây. Nói chung là phải tự do. Thơ mà bị chỉ huy, viết theo lệnh, thà bẻ bút, giải nghệ, sướng hơn.
            Như vậy, ông bạn tôi cũng khổ sở chẳng kém tôi. Ông ấy làm thơ theo sự chỉ huy. Còn tôi, rửa chén, rửa đít cũng theo lệnh chỉ huy. Mà chỉ huy trưởng chính là bà vợ nhà. Than ôi, ở cái xứ sở này, tôi tưởng chỉ có tôi là hết thời, nào dè hôm nay có thêm người cùng cảnh ngộ, người ấy lại là một ông luôn chứa thơ đầy bụng. Thế là, chỉ còn ông bạn thứ hai là hạnh phúc. Ông này chẳng bao giờ đụng tới một cái ly, hằng ngày nhởn nhơ với cái computer, giờ nào cũng thấy cắm cúi mần thơ đăng lên facebook, hay các trang sách, báo hải ngoại. Thơ ông toàn thơ tình, chuyên ca ngợi cánh đàn bà bằng ngôn ngữ vô cùng lãng mạn. Nay, ông đội mão cho cô này. Mai, ông mang hia cho cô khác. Đã lâu, tôi phục ông ta sát đất. Ông làm cách nào thoát nạn bà vợ, tự do tung bay trên bầu trời thi phú. Trong lúc, ở cái xứ sở này, cái xứ mà đàn bà được tôn trọng, đàn ông xếp hạng thua loài chó, ông lại ngoi lên, ăn đứt thiên hạ một cách ngon lành.
            Cho tới một hôm, nửa đêm, bên nhà ông bạn thơ tình, bỗng có tiếng lè nhè của thằng con.
            - Mai mốt ba má đừng kêu tôi bằng cái tên cúng cơm đó nữa nha! Tôi đổi tên Mỹ rồi. Cứ theo tên Mỹ mà kêu.
            Tiếng ông bạn tôi cất lên, rè rè như cái máy phát âm yếu pin.
            - Ở nhà thì kêu tên cúng cơm, mắc mớ gì kêu tên Mỹ?
            - Tui không muốn nhớ tới cái thời mạt rệp đó. Cái thời mà ông vô tù, bả đi tối ngày, bỏ tui lang thang kiếm cơm khắp xóm.
            Tiếng bà vợ thét lên, chói lói như tiếng sét đêm mưa.
            - Tau đi mần để nuôi tù, nuôi mày kìa, chớ có đi chơi đâu?
            Ông bạn tôi lại rè rè.
            - Không nhờ 10 năm tù đau khổ của tui, mấy người không qua được đây đâu? Bây giờ sướng quá, rồi bội ơn sao?
            Tiếng thằng con la lớn.
            - Tui qua Mỹ không phải nhờ ông đâu nha! Đừng kể ơn.
            - Vậy chớ mày nhờ ai ? nhờ ai mày ở đây?
            - Tui nhờ việt cộng. Việt cộng không chiếm miền nam, ông làm gì được qua Mỹ?
            Ông bạn tôi có vẻ tức giận, vội quay qua bà vợ.
            - Còn bà? Bà nghĩ sao? Có phải tôi dắt bà qua đây mà hôm nay bà sung sướng không?
            Bà vợ lại hét lên.
            - Ông không dắt thì người khác cũng dắt tôi qua. Bộ trên đời này, chỉ có ông là được đi Mỹ hay sao?
            Tôi không còn nghe tiếng rè rè của ông bạn tôi nữa. Hình như cái máy phát âm đã hết pin. Hình như ông tức giận lắm. Nhưng trước sức mạnh của hai mẹ con, ông đành phải im lặng.
            Vài tuần sau, một buổi sáng, tôi vừa rửa đít cho cháu xong, định ra phía sau dọn mớ quần áo đem giặt, thì nghe tiếng chén dĩa khua rổn rảng bên phòng ông bạn thơ tình. Chưa kịp xem chuyện gì xảy ra, bỗng thấy một cái ly từ xa bay tới, va mạnh vào hàng rào gỗ, rớt xuống nền nhà, vỡ tung tóe. Kèm theo đó, là tiếng chói lói của bà vợ.
            - Mẹ, tối ngày sống với ảo, thơ thẩn như người mất hồn. Chẳng giúp gì cho gia đình. Cứ chui đầu vào computer mà than thở. Mỗi lần nói ra, tràng giang đại hải, viết thành một cuốn sách. Mẹ, đừng ngồi đó làm ông cố nội tau nha!
            Tôi cố lắng nghe lời đối đáp của ông bạn thơ tình. Nhưng chờ hoài, chẳng thấy ông cất giọng. Chỉ nghe tiếng bà vợ tiếp tục tăng âm vang dội. Tiếng chói lói, đay nghiến càng lúc càng hung dữ, khiến lòng dạ kẻ ngoại cuộc như tôi, cũng rối bời, đau xót. Tội nghiệp ông bạn thơ tình, ông đang ngồi câm lặng, nhận lãnh bản án quá nặng nề từ người đàn bà đã từng tay ôm vai ấp.
            Một ngày, tôi và ông bạn mơ mưa hẹn nhau ra quán cà phê đầu phố. Hôm đó, trời đẹp. Nắng phún vàng luống hoa dọc theo sân quán. Nắng chảy xuống vai áo vàng của cô gái ngồi kế bên, lấp lánh những vòm sáng trong veo trên trang sách cô đang đọc. Tôi chợt nhớ đến ông bạn mộng nắng. Tôi tiếc cho sự vắng mặt của ông ta. Phải chi có ông ở đây, chắc chắn tôi sẽ được thưởng thức những vần thơ tuyệt đẹp về nắng. Tự nhiên, tôi quay qua ông bạn mơ mưa.
            - Này, ông bạn mộng nắng quả thật phi thường. Ông có bao giờ phục ông ấy không?
            Ông bạn mơ mưa nổi cáu.
            - Phục cái gì? Chưa chắc thơ ai hay hơn ai? Chuyện đó, sau này, hậu thế sẽ phán đoán.
            - Hổng phải, tui không nói chuyện thơ. Tui muốn đề cập đến chuyện nhân vị.
            - Nhân vị gì? Cái gì là nhân vị?
            Tôi tằng hắng, tạo vẻ quan trọng.
            - Ông mộng nắng đã làm một cuộc cách mạng.
            Ông bạn mơ mưa cướp lời.
            - Cách mạng? Có như cách mạng 30 tháng tư không?
            - Rồi ông sẽ thấy. Ông ấy đã anh dũng chống lại sự chỉ huy của bà vợ. Còn hơn ông và tui, suốt đời cúi đầu làm nô lệ.
            Về sau, tôi chẳng biết câu chuyện gia đình ông bạn mộng nắng kết thúc ra sao? Chỉ thấy ông thường ra quán cà phê ngồi trầm tư một mình. Và những bài thơ tình của ông vẫn xuất hiện đều đều trên sách, báo. Ông vẫn tiếp tục ca ngợi công trình tuyệt mỹ của Thượng Đế.
                                                            *PHẠM HỒNG ÂN
                                                                (04/01/2019)
  
           






KHI EM ĐẾN ( ngâm thơ video )


https://youtu.be/h057nta_6Fo