Tuesday, July 31, 2018

.TẾT MẬU THÂN Ở CÀ MAU



.TẾT MẬU THÂN Ở CÀ MAU
        Năm mậu thân, 1968, tôi vừa đậu tú tài II, được cô tôi đưa lên Sài Gòn ghi danh vào đại học. Chỉ vài tháng sau, tết đến, nhớ Má nhớ quê, tôi tìm ra bến xe đò, mua vé về Cà Mau, ước ao đón tết với gia đình. Đường từ Sài Gòn về Bạc Liêu xe chạy ngon lành, chỉ trở ngại hai bắc: Mỹ Thuận và Cần Thơ. Hành khách phải chờ phà qua sông, phải đợi xe lên phà, có khi mất vài giờ, xe mới bắt đầu chạy tiếp. Qua khỏi bắc, xe chạy thông thống, chỉ khi đến Bạc Liêu, mới thật sự gay go. Đoạn đường từ Bạc Liêu về Cà Mau ngắn, vỏn vẹn khoảng 60 cây số, nhưng rất vất vả và nguy hiểm. Lúc nào, đoạn đường đó cũng lởm chởm đá cục và ổ gà. Đoạn Hộ Phòng, chỗ nhà thờ Cha Trương Bửu Diệp, sóng làm đất lở ra tới mé đường. Ban đêm, phía bên kia lại lén ra đặt mìn. Vô phước cho chiếc xe nào chạy qua, cán lên, mìn liền nổ tung tóe, chiếc xe sẽ khựng lại, hoặc lật úp, để lại những xác người đầy máu trên mặt đường.
        Tết năm đó, may phước, tôi về Cà Mau an toàn. Nhà tôi ở xóm Huỳnh Long. Gọi là xóm Huỳnh Long, vì xóm này có rạp chiếu bóng tên đó. Nhà tôi nằm trên bờ kinh 16, mặt ngó ra lộ, phần sau nhô ra kinh theo kiểu nhà sàn. Nhà nằm gần căn cứ quân sự của tiểu đoàn địa phương quân. Đối diện với bờ kinh bên kia, cũng là căn cứ quân sự, với các tòa nhà có vẻ kiên cố hơn. Vì gần căn cứ quân sự, nên dãy nhà sàn dọc theo bờ kinh toàn là nhà vợ lính. Họ theo chồng về đây cắm dùi, biến nơi đây thành khu gia binh không chính thức. Chỉ có má tôi là dân, lọt vào đó để bán cà phê cho lính, lây lất sống qua ngày.
        Khi tôi về đến nhà, Má tôi đã dọn mâm cúng giao thừa. Khói nhang nghi ngút cộng với hương thơm hoa quả bay ngào ngạt khắp nhà, khiến lòng tôi bồi hồi nhớ lại tuổi thơ ấu đã qua. Ngày xưa, ba tôi là một viên chức tin cẩn của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Khi nền đệ nhất cộng hòa sụp đổ, ba tôi phải chạy trốn, lánh nạn khắp nơi, vì sợ bị tiêu diệt bởi các tướng lãnh của nền đệ nhị cộng hòa. Gia đình tôi bị suy sụp từ đó. Tuổi ấu thơ vàng son của tôi bị mất đi từ đó. Năm nay, tết lại đến, ba tôi ở phương trời nào, không biết có còn nhớ đến cảnh gia đình ấm cúng ngày xưa? Bây giờ, gia đình chỉ còn lại thằng em út, nương tựa với má. Ngoài tôi, thằng em kế và hai người anh lớn đều gia nhập quân đội. Người nào cũng theo đơn vị đi xa, ít có dịp về lại Cà Mau, thăm viếng má tôi.
        Hồi học đệ tứ, tôi có thằng bạn thân tên Lục. Nhà hắn ở gần Tân Lộc, cách nhà tôi khoảng vài cây số. Hắn thường đến má tôi xin học thi chung với tôi. Trước mặt người lớn, chúng tôi láp nháp vài câu lấy lệ, rồi khi má quay lưng, cả hai ngồi tư lự làm thơ, hoặc tâm sự với nhau về môt người con gái tên Thiệp. Thiệp mặn mà, tóc dài xõa vai, thường mặc áo bà ba trắng, chạy xe đạp qua lại trước cửa nhà tôi, khi thấy tôi và Lục ngồi chết trân, ngó chòng chọc theo nàng. Tưởng đó chỉ là một hình bóng để thơ thẩn, nào ngờ Lục yêu Thiệp thật. Khi lên đệ tam, một hôm, Lục rủ tôi ra quán rượu. Sau vài chum đế hừng hực, Lục nghiêm trang nói, mai tau đi lính, trả nợ núi sông. Tôi chưng hửng ngó hắn từ đầu tới chân. Mẹ, mày chưa tới tuổi, đi lính sao được? Hắn nốc thêm một chum, rít thêm một hơi thuốc, lè nhè bên tai tôi. Tau tình nguyện đi Lôi Hổ, và tau đã thề, chỉ trở về Cà Mau khi trên ngực đầy huy chương. Tôi vụt cười khà khà, túm áo Lục, lôi vào bóng tối. Mày đã thất tình con Thiệp, phải không? Hắn chợt vùng vẫy, tung một cú đấm lên vai tôi. Đó chỉ là một trong những lý do tau đi lính. Nói xong, Lục hậm hực trỏ ngón tay vô mặt tôi. Tau đã tỏ tình với Thiệp, và đau đớn thay khi nghe nó nói...nó đã yêu mày. Nói xong, hắn ôm mặt khóc nức nở. Sáng hôm sau, Lục mất dạng. Cà Mau, kể từ đó, vắng bóng hắn.
        Đêm giao thừa, Cà Mau trùm phủ trong bóng tối. Những ngọn đèn đường tỉnh lẻ mù mờ, dưới chút ánh sáng yếu ớt, chỉ đủ soi một khoảng nhỏ quanh trụ. Năm 1968, người ta còn xài đèn dầu. Điện chưa đủ để cung cấp khắp nơi, trong thành phố. Tôi đi lang thang kiếm bạn bè, sau khi ăn với má một buổi cơm chiều. Những bạn bè tôi cũng lang thang kiếm nhau. Tuổi đó, thời đó phải vậy. Chúng tôi thích vui tập thể, hơn ở nhà nghiêm chỉnh đón giao thừa với gia đình. Tôi gặp Thiệp trên phố. Nàng cười tươi như hoa với chiếc áo bà ba màu bông cà. Dìa hồi nào, sao hổng cho người ta hay? Tôi nói dăm ba câu chúc tết Thiệp, rồi vội vã quay lưng. Thiệp luống cuống, nói vói theo. Có đi học xa, nhớ tết dìa nghen. Tui ở nhà mình ên, chờ đó!
        Chúng tôi tập họp tại nhà thằng Bình, ước khoảng gần hai chục thằng. Căn nhà này rộng lớn, từ lâu là giang sơn của Bình, vì ba má nó bận trôi nổi bán buôn trên một chiếc ghe chài nơi xứ lạ. Đêm nay, chúng tôi tổ chức mừng giao thừa bằng bữa nhậu tưng bừng, với những xị đế và thức ăn được lấy cắp từ nhà của mỗi đứa. Cuộc vui bắt đầu, dưới ánh sáng yếu ớt của cây đèn cầy chưa soi tỏ mặt người. Tiệc đang ngon lành, bỗng ngưng bặt lại, bởi tiếng nổ chát chúa vang lên. Lúc đầu, lưa thưa từng loạt. Sau đó, từng tràng. Rồi kéo dài liên tục, khắp nơi, khắp chỗ. Bình lóng tai, nghe ngóng. Pháo giao thừa tụi bây ơi! Tiếp tục đi, nhậu đi! Chẳng có gì đâu. Một thằng bạn chạy hớt hơ hớt hải vào. Mẹ, súng bắn tùm lum. Ghê quá tụi bây ơi! Chúng tôi chưa kịp phản ứng, chợt phía sau nhà Bình, dưới con kinh 16, tiếng lội nước lõm bõm lõm bõm. Rồi từng bóng người xuất hiện, nhẹ nhàng tiến vào nhà Bình. Người nào người nấy lạ quắc, trên vai mang đầy súng ống đạn dược và những cái túi lĩnh kĩnh. Tên đi đầu lên đạn lắc rắc, chỉa mũi súng về phía chúng tôi. Ai ở đâu, ngồi yên ở đó. Trong này, có người nào là lính không? Chúng tôi đồng loạt mếu máo. Học trò. Chúng tôi là học trò. Thấy họng súng đen ngòm, tôi sợ, muốn té đái ra quần. Tôi cố nhắm mắt trườn xuống gầm ván, chui xuống lỗ chó, bươi đất, bườn ra bên ngoài. Nhờ mấy hôm nay trời mưa, đất ướt, nên dễ dàng cho sự thoát thân. Tôi nhẹ nhàng đứng dậy, cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng về hướng căn cứ quân sự. Vừa tới hàng rào kẽm gai, tôi lại nghe tiếng lên đạn lắc rắc, cùng với tiếng quát vang lên. Ai đó? Đứng lại. Tôi cố la lên. Tôi, thằng Ân, con bà sáu, đi chơi về. Tiếng kéo kẽm gai loạt soạt, tiếng người lính càm ràm. Đi đâu về khuya? Bộ không nghe súng nổ ầm ì sao? Tôi lẩy bẩy chỉ về hướng cầu đập. Việt cộng dìa. Nhiều lắm. Mấy ổng sắp tiến về đây. Người lính đẩy vai tôi. Vô nhà lẹ lên. Dẫn bà sáu xuống hầm, núp. Tôi loay quay định đốt đèn, định gọi má tôi thì nghe giọng nói quen thuộc phát lên. Má đây! Má ở dưới hầm. Súng bắn dữ quá! Con chui xuống đây, xuống đây. Tôi vừa phóng tới miệng hầm, thì nghe tiếng xè xè rít lên trong không gian, chẳng bao lâu, trước mặt tôi là một  vùng lửa rực sáng, tung tóe nổ bùng, rung rinh cả đất trời. Tôi nghe như tiếng mưa rào rào khắp nơi, cộng với tiếng súng khắp chỗ, đua nhau vang rền bốn hướng. Má tôi đã lanh trí, nắm chân tôi, kéo vô sâu trong hầm, tránh trái pháo vừa rơi xuống căn nhà bên cạnh.
        Trời hừng sáng, tiếng súng mới im bặt. Tôi bò ra miệng hầm, ngó căn nhà kế bên đã đổ sụp. May quá, gia đình bên đó đã về quê ăn tết. Nếu không, chẳng biết hậu quả sẽ ra sao? Đằng kia, phía chuồng heo, má tôi đang rấm rức khóc. Bên cạnh là xác con heo cứng đơ, nằm đẫm máu trên nền nhà. Tôi chưa kịp vỗ về má, bỗng nghe tiếng kêu khẩn thiết, từ phía sau cầu tắm. Một cái đầu ướt nhem trồi lên. Hai cánh tay người đó đu lên sàn nhà, lộ ra bộ ngực trần đầy sình đất. Ân ơi! Cứu tau. Cho tau lên trốn đỡ một chút. Tụi nó đang kiếm bắt tau. Tôi ngạc nhiên, ngó trân trân người lạ. Trời ! thằng Lục. Mày làm gì ở đây? Mày theo việt cộng hả? Mày...Thằng Lục đưa ngón tay lên miệng. Suỵt. Nói nhỏ một chút. Làm ơn, cứu tau với. Tôi lắc đầu, tội nghiệp thằng bạn. Không được, mày phải nhanh chân đi ngay. Lội ngang qua kinh, mới mong tìm cách trốn thoát. Ở đây, xung quanh toàn là nhà lính. Trái pháo cũng vừa rớt nơi đây. Một lát, lính sẽ kéo lại kiểm soát. Mày đi đi, lẹ lên! Thằng Lục run rẩy, chậm chạp ngụp xuống dòng kinh, rồi biến mất.
        Sáng mồng một, tiếng súng im bặt hoàn toàn. Thị xã Cà Mau trở lại bình thường. Chợ búa nhộn nhịp như cũ. Phòng thông tin phóng loa, việt cộng tấn công thị xã ngay giờ giao thừa, nhưng với sức chống trả mãnh liệt của chiến sĩ cộng hòa, chúng đã hoàn toàn thất bại. Hiện, xác chết của chúng được các chiến sĩ kéo về tập trung ở phòng thông tin tỉnh. Xin đồng bào đến xem cho biết. Tôi rời nhà, lần bước về phòng thông tin. Trên đường đi, thỉnh thoảng có nhà dân bị pháo địch rơi vào tan hoang, đổ nát. tôi thấy  những mảnh khăn tang đang phất phơ, tiếng khóc đang ấm ức vang lên. Trường học tôi, các bức tường bị cày nát bởi hàng trăm vết đạn. Dãy cầu tiêu trường tiểu học tan nát, việt cộng đánh lầm, tưởng đó là một cái đồn. Tới phòng thông tin, tôi phải luồn giữa đám đông, chen lên phía trước, để nhìn thấy xác việt cộng nằm chồng lên nhau như một cái núi. Xác nào cũng trần truồng, máu me đen kịt. Người ta nói, việt cộng tấn công theo lối biển người. Chúng theo lệnh, đồng loạt cởi quần áo, trần truồng tiến lên xung phong dành cho được thắng lợi. Lúc đó, tôi còn là học trò, không biết điều đó có đúng hay sai?
        Hôm nay, đã nửa thế kỷ trôi qua, mỗi khi nhớ đến tết mậu thân, tôi vẫn còn rùng mình, ớn lạnh. Năm ngoái, trong buổi họp mặt đồng hương Cà Mau, tôi có gặp lại Thiệp. Thiệp bây giờ là bà nội bà ngoại của đàn cháu đông như một gánh hát. Hậu duệ của Thiệp có cháu đã là kỹ sư, bác sĩ, giám đốc...Nhìn Thiệp ngồi nghiêm trang và bề thế trên chiếc xe lăn, tôi không tài nào làm sống dậy một cô gái xõa tóc dài ngày xưa, thường mặc áo bà ba trắng, chạy xe đạp qua lại trước cửa nhà tôi, khi thấy tôi và Lục ngồi chết trân, ngó chòng chọc theo nàng. Nhớ quá khứ, tôi không thể không nhớ Lục. Tôi gợi Thiệp, nói về Lục. Thiệp quả quyết Lục chết lâu rồi. Từ ngày đó đến nay, Lục mất tích luôn. Sau 1975 cũng vậy. Cho đến bây giờ, không ai thấy Lục trở lại trên quê hương Cà Mau. Tôi ngậm ngùi giây lát, rồi chợt nhớ đến cái núi xác ở phòng thông tin hôm tết mậu thân. Biết đâu Lục nằm trong đó. Biết đâu Lục đã trở thành cát bụi, sau cái lúc hắn cầu cứu tôi. Tôi chợt thở dài. Ôi! Chiến tranh. Chiến tranh quá bạo tàn!
                                      *PHẠM HỒNG ÂN
                                         (17/05/2018)   
          
       
       

.RA BIỂN



.RA BIỂN
       (với cát)

biển em đó, tôi bềnh bồng con sóng
vỗ quanh đây dòng hương ảo năm xưa
nát từng ngọn rong rêu mùa gió động
bạc đầu nhau từ ký ức đêm mưa.

em mênh mông nỗi sầu như vô tận
nghìn trùng thương màu nắng cuối chân mây
tiếc chút gió phất phơ thời  lãng mạn
thổi tung tăng hồn mộng đã xa bay.

biển em chở sóng tình tôi cuồn cuộn
lang thang về miền hang động hoang sơ
tôi và em bập bềnh trong khát vọng
tan vào nhau quằn quại những lời thơ.

biển em đó, tôi trầm tư cõi sóng
hồn lênh đênh theo giông bão vô thường
dù đứng dậy từ ba đào cuộc sống
vẫn hồn nhiên ôm biển rộng yêu thương.

                   *PHẠM HỒNG ÂN
             (Mission Bay, 23/07/2018)





Sunday, July 29, 2018

.QUÊ HƯƠNG TÔI



.QUÊ HƯƠNG TÔI
              (Để nhớ quê hương tôi)

quê hương tôi đen như cốc cà phê
bốn ngàn năm vẫn y nguyên vị đắng
bốn ngàn năm chưa một lần may mắn
pha thêm đường để trở thành cà phê ngon.

quê hương tôi từ huyền thoại cội nguồn
có bản chất phân ly từ mầm móng
năm mươi con lên núi cao, năm mươi ra biển rộng
giã từ nhau, không hứa hẹn gì nhau.

quê hương tôi một ngàn năm đô hộ bởi giặc Tàu
một trăm năm giặc Tây nô lệ
còn những ngàn năm kia cũng vô cùng tồi tệ
giành giựt cơ đồ, anh em chém giết thê lương.

quê hương tôi vô số kẻ bất lương
thà theo giặc để làm vương, làm tướng
thời nay vẫn có lắm tên hèn hơn Lê Chiêu Thống
nhục hơn Trần Ích Tắc ngày xưa.

quê hương tôi nhiều vụ án như đùa
Lệ Chi Viên là nỗi đau thảm khốc
Nguyễn Trãi và họ hàng bị tru di tam tộc
hai mươi hai năm mới được giải oan.

quê hương tôi sau nội chiến tương tàn
bên thắng cuộc trả thù độc ác
Bùi thị Xuân bị voi phanh thây xé xác
Nguyễn Ánh quật mồ, giã hài cốt Nguyễn Huệ quăng sông.

quê hương tôi hào kiệt rất đông
nhưng bọn tiểu nhân cũng hằng hà sa số
bậc anh hùng ngàn đời không khiếp sợ
dù gông cùm đang khóa chặt tay chân.

quê hương tôi vẫn vậy bốn ngàn năm
lịch sử cứ diễn hoài tuồng cũ
chế độ nào cũng hô to dân chủ
mà sau lưng thì dí súng hăm he.

quê hương tôi đen như cốc cà phê
bốn ngàn năm vẫn y nguyên vị đắng
năm mới xin chờ một lần may mắn
Đổi cốc thêm đường cho hương vị thơm ngon.

                         *PHẠM HỒNG ÂN
                

.LUNG LINH CÀ MAU



.LUNG LINH CÀ MAU

Chiều tan trên chuyến xe lam
đậu trên đuôi áo làm hoàng hôn tôi
nắng ôm góc phố em ngồi
tóc dài như bãi sông bồi chờ đêm
đong đưa một đóa quỳnh mềm
hương lung linh dẫn đường tim tôi về
chuyến xe lam vẫn bên lề
vẫn em, đời chật bốn bề thơ tôi
ly cà phê trọ quán người
đèn chưa soi tỏ bóng trời quanh đây
nhá nhem em một chỗ này
hồn tôi vừa đủ chứa đầy nỗi đau
xôn xao lòng phố Cà Mau
chiều tan trên chuyến xe sau em ngồi.

                       *PHẠM HỒNG ÂN
                          (06/07/2018)

.LỆ VÀ MÁU...



.LỆ VÀ MÁU...

giọt lệ các em ướt khóe mắt tôi
giọt máu các em rớt trúng trái tim tôi
những giọt lệ những giọt máu rơi xuống
cho hồn thiêng sông núi vọng lên trời.

tôi thức suốt đêm lòng dạ bồi hồi
theo gót chân các em vang trên đường phố
bích chương đưa cao các em không hề sợ
phản đối chủ trương  giao đất cho Tàu.

các em chỉ là một thế hệ đến sau
chưa một lần nghe bom rơi đạn réo
người ta dạy em toàn mưu với mẹo
huyền thoại dựng thay lịch sử tô đen.

vậy mà em vẫn đứng thẳng lên
tiếp bất khuất từ Bà Trưng Bà Triệu
Trần Quốc Toản chống Tàu từ thời niên thiếu
chân yếu tay mềm các em cũng ra quân.

tôi đứng bên này đau đớn vô ngần
khi thấy dùi cui tung lên tơi tả
người ta trả lời bằng bạo tàn hèn hạ
thân thể các em bị kéo lết giữa mặt đường.

giọt lệ các em đã ướt khóe mắt tôi
và chảy lụt ba miền đất nước
giọt máu các em đầm đìa trái tim tôi
và vỡ toác vết thương dân tộc...

                   PHẠM HỒNG ÂN
                    (13/06/2018)







. BI HÀI KỊCH CỦA MỘT TÙ NHÂN



. BI HÀI KỊCH CỦA MỘT TÙ NHÂN 

       Tôi sống ở San Diego, từ lúc qua Mỹ cho tới giờ. Ngày ngày chí thú mần ăn, ít khi nghĩ đến chuyện đi đó đi đây, "mu" qua "mu" lại. Không phải không thích, nhưng phần vì tuổi lớn, phần vì lười biếng, và cũng phần vì cơm áo, nặng gánh đôi vai. Nơi tôi cư ngụ, chẳng có gì hấp dẫn. Chỉ có mấy ông già lụm cụm, rề rà với nhau, bàn chuyện tào lao, trên cao dưới thấp. Khu chung cư rẻ tiền thuê, có lẽ cũ quá, nên ngày nào cũng có người kêu hư. Hết hư cái này tới hư cái kia. Lúc xì ống nước, lúc cháy máy sưởi, lúc nghẹt bồn cầu... Thợ thầy tấp nập ra vô, đào xuống xới lên, ồn ào hơn cái chợ.

        Những lúc như vậy, tôi mới có ý định tìm một nơi nào đó, vui tươi hơn, để tạm quên đi phiền muộn cuộc đời. Thường, tôi phóng một hơi lên Santa Ana, chui vô Phước Lộc Thọ, kiếm cái quán nào thoáng thoáng, mua một ly cà phê, ngồi nhâm nhi, nhìn thiên hạ đi qua đi lại. Hơn hai mươi năm, chui rúc trong khu chung cư xập xệ đó, biết bao phiền muộn xảy đến. Tính ra, tôi ngồi ở Phước Lộc Thọ cũng biết bao, không sao nhớ xiết. Chuyện nhìn thiên hạ lởn vởn trước mắt, bên cạnh ly cà phê lê thê, là cái thú của những ai không biết chỗ nào thú hơn. Nhưng chuyện tìm kiếm một người quen, dù quen xã giao, ở chốn đông người Việt, từ các nơi đổ về, trong các ngày lễ Mỹ, hoặc ngày tết Việt, giống chuyện mò kim đáy biển. Biết bao lần đến đây, biết bao lần ngóng mắt mong gặp bạn quen, nhưng chỉ thấy một dòng người  lạ hoắc, lướt qua tôi môt cách lạnh nhạt. Thời học trò xa lắc đã qua, có thể các khuôn măt trẻ ngày xưa, bây giờ khó nhận diện được. Thế còn mấy năm lính? Còn hơn 7 năm tù cộng sản? Hơn 10 năm ngao du khắp hang cùng ngõ hẹp để sinh nhai? Và hơn 20 năm ở Mỹ? Những bạn thân, bạn lính, bạn tù, bạn thơ, bạn đồng nghiệp...nay ở đâu? Sao giờ đây, chỉ thấy toàn người xa lạ?

        May quá, có một hôm, khi đứng xếp hàng chờ vệ sinh, bên hông Phước Lộc Thọ, tôi bỗng gặp một dáng người quen quen, hình như đã từng liên hệ với nhau trong quá khứ xa lơ xa lắc. Tôi cẩn thận moi óc, cố nhớ lão già này. Cái dáng lờ rờ, cộng với cái trán dồ dồ, cái môi trề trề...  Ơ, thằng Kế. Đúng rồi, thằng Kế, chiến tranh chính trị, ở tù cộng sản chung với mình! Để khỏi nhìn lầm, tôi chăm chú ngó lão thêm một lát. Mặc dù, hôm nay lão đã già. Nhưng, những cái đặc biệt trên con người lão, tôi không thể lẫn vào đâu được. Mừng quá, tôi lao vào lão như một mũi tên. Kế. Kế. Kế phải hông? Tôi lắc lắc ngón tay trỏ, điểm mặt lão. Ê, nhớ tau chưa? Nhớ tau chưa? Lão già ngó tôi chăm chăm, rồi một lát gục gặc cái trán dồ, môi trề ra, từ từ phát ra một giọng nói quen thuộc. Sao mà không nhớ. Mày là thằng Hồng-Công-Tử, mặt lúc nào cũng đỏ như Quan Công.

        Chờ tới nước đó, tôi nhào vô ôm lão, rơm rớm nước mắt. Trời ơi! không ngờ tau gặp mày ở đây, ở đây...

        Tôi lôi lão ra khỏi đám đông, kéo lão đến một sân khấu không bóng người, có hàng ghế chạy dài, vắng ngắt. Lão vẫn im lặng. Cái im lặng cố hữu của những người tù, mấy chục năm về trước. Cũng ở quá khứ đau thương đó, tôi nhớ hoàn cảnh lão, một hoàn cảnh đau lòng, đã có thời gian định mệnh rình rập, muốn cướp đi mạng sống lão. Không ngăn được dòng hoài niệm, tôi dồn dập. Vợ con ra sao? Bệnh cũ, trị hết rồi, phải không? Qua Mỹ, diện nào?

        Lão trề trề môi, nặng nhọc phát ra từng tiếng. Vợ tau bình thường. Thằng con thì đang làm bác sĩ ở San Jose. Mày nói bệnh gì? Hiện tại, tau vẫn khỏe.

        Tôi ngó lão chăm chăm. Trời đất! Hồi đó, trong trại tù, mày bệnh lao gần chết, tụi nó mới cho mày về. Còn thằng con bác sĩ? Con của vợ trước hay vợ sau?

        Lão chợt cười hề hề, môi lại trề ra. Tau chỉ có một vợ và một con, từ thời đi lính tới giờ. Còn cái bệnh lao ở trong tù? Nói tới đó, lão chợt vỗ vai tôi, ngửa mặt, cười ha hả. Mày trúng kế của Kế rồi. Thôi, đi với tau ra tượng đài Việt-Mỹ, ở đó không gian tĩnh lặng, tau sẽ kể mày nghe sự thật.

        Dù cùng là đồng đội trong quân ngũ, nhưng suốt thời gian đi lính, tôi và Kế chưa hề gặp, và quen nhau. Chúng tôi chỉ biết nhau, khi nằm trong tù. Khi cả hai cùng ngồi phơi rốn trên manh chiếu tả tơi, bắt từng con rệp cứng đầu, lủi tới lủi lui, như muốn chơi trò trốn tìm với tù.

        Chúng tôi thân nhau, khi cùng bị đưa về phi trường Sóc Trăng, miệt mài đập vỡ hàng trăm căn phòng tráng men rực rỡ của không quân Mỹ để lại, theo lệnh kẻ thắng trận. Rồi thay vào đó, bằng hàng trăm cái sam lợp lá, biến phi trường Sóc Trăng thành trường huấn luyện "thời rừng rú" cho các du kích miền nam, chưa bao giờ đặt chân đến quân trường. Khổ sở đến đâu, Kế và tôi bên nhau đến đó. Chúng tôi nương tựa lẫn nhau, cố kéo dài cuộc sống chẳng ra gì. Sau trận lao động ngu ngơ đó, chúng tôi bị " tống " về Cai Lậy, hợp cùng với hàng ngàn tù binh khác, nheo nhóc, co cụm, hứng một trận lũ tàn khốc từ nguồn Mê Kông đổ về. Lũ tràn xuống như thác. Lũ tơi bời tấn công chỗ trú ngụ của tù binh. Cuốn phăng kèo, cột, vách phên. Vỗ tan hoang khu nhà bếp, khiến mỗi tù binh chỉ được phát một cục bột bằng nửa nắm tay, và tự do tùy tiện chế biến. Thế là, những cái lon guigoz máng lên. Bất cứ thứ gì cháy được đều làm mồi cho lửa, để mảnh bột xé nhỏ trong lon sôi lên, làm thức ăn tạm bợ, nhét vô bụng tù binh. Đi tới đâu, khổ tới đâu, tôi và Kế vẫn gần nhau, nằm bên nhau, như một cái nợ, hay cái duyên, do định mệnh sắp đặt.

                                                  .



        Rồi, trận lũ cũng qua. Chúng tôi lại dầm mình dưới sình, dựng lại lều trại đã tan tành. Lúc này, Kế bỗng dưng phát ho dữ dội. Hắn ho ban đêm lẫn ban ngày. Mỗi lần ho, hắn ôm ngực oằn oại, mặt mày nhăn nhó, trông thật thảm thương. Càng ngày, bệnh Kế càng nặng. Kế không còn khả năng lao động, chỉ lẩn quẩn trong sam với những viên xuyên-tâm-liên vô dụng. Cho đến một hôm, ngày thăm nuôi, Kế được gọi ra gặp vợ. Tôi cũng nằm trong danh sách đó, gặp Mẹ từ Chương Thiện đến thăm. Mẹ tôi gầy còm, ngồi chồm hổm trên bãi đất ướt, hai tay giữ chặt bao gạo, thấp thỏm chờ con. Chiếc bàn quản giáo đặt kế bên. Tên cán bộ ục ịch trên ghế,  lắc lư cái mồm đầy khói thuốc. Coi vẻ rất trầm ngâm, nhưng thật sự, hai tai gã đang lặng lẽ lắng nghe từng lời rì rào của tù binh. Sát Mẹ tôi, trên tấm nylon mỏng mảnh là vợ Kế và một người đàn ông lạ. Kế lom khom, cú rũ như con gà nuốt dây thun. Hắn cúi mặt xuống nền đất ướt, nén đau thương, cố nuốt vào tim  tiếng nói bội phản của vợ nhà. Buổi thăm này là buổi cuối, mong anh thông cảm cho em. Anh vô tù, không để lại một cắc bạc. Em phải một mình lăn lóc nuôi con. Anh biết, khi gặp anh, em chỉ là sinh viên tay yếu chân mềm. Nghịch cảnh đến bất ngờ, hoàn cảnh quá cô độc, em phải làm gì đây, hỡi anh? Chỉ còn cách lấy chồng, nương tựa tấm thân. Hôm nay, em đưa chồng em đến, giới thiệu với anh, như một chứng cớ hợp pháp để chúng ta chia tay nhau. Con anh, em đã gởi về nội. Anh hãy yên lòng, vì ba mẹ anh sẽ nuôi nó đàng hoàng. Xin anh hiểu cho em, đừng buồn.

        Từ đó, Kế lâm trọng bệnh. Sau mỗi cơn ho, khăn tay hắn đều vấy máu. Hắn nằm suốt ngày, không buồn ăn uống. Ban đêm, trăn trở, thở dài. Lúc nào, miệng cũng lẩm bẩm như người lên đồng. Tội nghiệp Kế, chúng tôi đề nghị đội trưởng trình lên quản giáo, xin cho Kế đi bệnh xá chữa trị. Vài ngày sau, một y sĩ xuống tận sam. Gã đặt ống nghe sau lưng Kế, bắt thở đi thở lại vài lần, rồi phê vào giấy: bệnh lao. Thương Kế, chúng tôi đồng thanh lao nhao. Bệnh truyền nhiễm. Yêu cầu cách ly bệnh nhân. Yêu cầu quản giáo cho bệnh nhân về sớm, tích cực điều trị.

        Những ngày sau, sợ tù binh nổi loạn, quản giáo bằng lòng cho chúng tôi cất một cái lều nhỏ, cách trại vài chục thước, cho Kế tá túc, trong khi chờ cấp trên cứu xét. Cái lều quá hẹp, vừa đủ cho Kế trải chiếc chiếu con làm chỗ nằm, chỉ còn dư một khúc đất nhỏ, khoảng hai gang tay, nối dài từ mặt trước đến mặt sau. Thật sự, đầu tiên, chúng tôi muốn cất rộng ra, cho Kế thoải mái đôi chút. Nhưng vật liệu, từ quản giáo đưa xuống, chỉ vừa đủ bấy nhiêu đó thôi.

        Những ngày xa Kế, tôi không ngủ được. Đêm đêm, cứ nghe những tràng ho oằn oại của bạn vọng về. Xen vào đó là tiếng rên, tiếng thở hụt hơi của Kế, át cả tiếng côn trùng rả rích kêu đêm, khiến lòng tôi quặn lên những nỗi niềm xót thương bạn. Ban ngày, ít khi thấy Kế ra ngoài. Họa hoằn lắm, mới thấy hắn thất thểu lòng vòng quanh lều, lơ láo tìm vài nhánh cây khô, tha về làm củi. Một thời gian sau, Kế được thả về. Và từ đó đến nay, bốn mươi năm qua, tôi mới gặp lại Kế.



*



Tượng đài Việt-Mỹ, buổi chiều, vắng tanh. Nắng óng ánh, lấp lánh ánh sáng vàng choang trên hai pho tượng chiến sĩ. Lá cờ Mỹ và cờ Việt nổi bật, phất phới tung bay trên nền trời xanh thẳm. Bỗng dưng, nước mắt tôi trào ra, rớt theo những chiếc lá lắc rắc từ những thân cây bay xuống.

        Kế kéo tôi ngồi vào một cái băng, bên góc khu tượng đài. Hắn trề trề môi, vở kịch này do vợ tau dựng lên, bả vừa là soạn giả, vừa đạo diễn. Tôi lom lom nhìn Kế, vậy mày không có bệnh lao? Thế tại sao ho ra máu, thân thể càng ngày càng gầy nhom? Kế vỗ vai tôi, lắc lắc cái trán dồ một cách dễ ghét. Tau giả bệnh. Máu là bột phẩm đỏ, được vợ tau đưa vào lúc thăm nuôi. Chỉ cần lấy một chút bột, hòa với nước, là thành máu. Mày biết, ngoài đời, tau đã từng học nhịn đói để xổ ruột. Tau có thể nhịn đói đến mười ngày. Xong, ăn uống lại vài ngày, rồi tiếp tục trở lại nhịn đói. Chính vì vậy, tau gầy đi, nhưng không yếu.

        Tôi lại lom lom ngó hắn. Lần này, tôi khâm phục hắn và con vợ hắn thiệt! Hắn đã lừa tôi, lừa hàng ngàn tù binh trong trại Cai Lậy. Và dĩ nhiên, lừa toàn ban lãnh đạo quản giáo trại tù. Nhưng, tôi vẫn còn câu hỏi cuối cùng, thắc mắc với Kế. Thế thằng đàn ông nào đi với vợ mày đến trại thăm nuôi? Kế lại trề trề môi, lắc luôn cái trán dồ. Ông anh ruột của vợ tau đó, thằng quỷ! Mày biết không? trước khi tau ra tù, vợ tau đã đóng sẵn chiếc ghe, trang bị đầy đủ. Và gia đình tau đã ung dung, dông thẳng ra biển, vượt biên.

        Nói xong câu đó, hắn bỗng đứng dậy, nhìn về hướng hai pho tượng, rồi cất giọng, cười ha hả. Mày đã trúng kế của Kế. Tôi xoay người lại, đập mạnh vào vai hắn. Không những tau, mà toàn trại tù, toàn bọn “cai tù có cán” của cái trại tù cộng sản ấy đã trúng kế của Kế.



Phạm Hồng Ân





Saturday, July 28, 2018

*Thơ tranh ĐÊM ÂM HỒN



.LÁC ĐÁC XUÂN RƠI



           .LÁC ĐÁC XUÂN RƠI

       


        Tôi ngồi bất động trong phòng sinh hoạt, rướn cổ nhìn ra con đường. Mưa lất phất, lất phất. Những giọt mưa gõ nhẹ vào kính cửa kêu coong coong, coong coong. Mưa nhểu xuống kính, chảy dài, ràn rụa như giọt nước mắt của tên lão già thất tình. Mưa mịt mù, âm u, nhầy nhụa, tan hoang...nhưng không thể xóa nhòa con đường, nơi có hàng cây xanh mướt đang lấm tấm hoa vàng, nơi Loan thường thả bộ đến đây mỗi ngày để chăm sóc cho tôi, trong cái viện dưỡng lão rộng lớn này. Ngày nào cũng vậy, cứ đúng giờ, tôi cố gắng lê tấm thân tàn ra cửa, chống gậy đứng trông nàng. Trông cho đến khi mái tóc dài của Loan lúng lắng ở đầu đường, cho đến khi tấm thân kiều diễm của nàng thoăn thoắt dưới hàng cây, tôi mới vội vàng lê tấm thân tàn vào phòng sinh hoạt, giả vờ lơ đãng nhìn mấy bức tranh trời ơi đất hỡi treo ngang dọc trên tường. Lần nào cũng vậy, Loan cẩn thận choàng qua vai tôi, dìu tôi trở lại căn phòng.
        - Chú ơi! Sao chú không ngồi trong phòng chờ cháu? Sao chú lại chống gậy ra đây? Rủi té rồi làm sao? Nguy hiểm lắm chú ơi!
        Cánh tay ấm áp của nàng làm lòng tôi nóng hực lên. Tiếng nói êm ái của nàng làm trái tim tôi nở rộng, các mạch máu bỗng căng lên như sợi dây đàn. Tự dưng hạnh phúc ở đâu ùa về, dù trong chốc lát, dù nó như ngọn lửa của một que diêm, bùng lên, rồi tắt ngấm.
        - Chú ra ngắm mấy bức tranh. Ai vẽ? đẹp quá!
        Loan buông tôi ra. Nàng lẹ làng bày lên bàn ly cà phê sữa, bánh cuốn Tây Hồ và một ly trà vàng ánh.
        - Chú vừa uống cà phê, vừa ăn bánh cuốn nha! Bánh cuốn mua tại lò đấy! Còn nóng hổi.
        - Ngày nào Loan cũng mua thức ăn như thế này. Chồng chất mãi, tiền đâu, chú trả nợ?
        Loan ngó tôi, đôi mắt lá răm chớp chớp, thoáng chốc như một thứ bùa thiêng, mê hoặc tâm thần tôi.
        - Chú yên tâm. Không thể trả nợ cho cháu bằng tiền...thì...chú trả bằng cái khác.
        Tôi nhắm mắt mơ màng. Mùi hương từ thân thể Loan bay ra thơm ngát. Tôi ngất ngây, ngất ngây, muốn lịm xuống chân nàng. Cô bé lạ thật! Nàng muốn tôi trả nợ bằng thứ khác. Bằng thứ gì? Có phải là tình yêu không? Mà tình yêu chi kỳ cục vậy? Một lão già gần đất xa trời. Một thiếu nữ mới lớn, chưa một lần bước chân vào đời.
        - Loan ơi! Chú hỏi thật, cháu đã từng yêu người nào chưa?
        Cô gái đỏ mặt. Nàng bẽn lẽn cúi xuống dĩa bánh cuốn.
        - Cháu cũng hỏi chú thật, có phải đêm nào cứ trằn trọc nhớ về một người, ngày nào cũng muốn gặp người ta. Như vậy, có phải mình đã bắt đầu yêu không chú?
        Tôi sung sướng tột cùng. Tại sao nàng cũng có ý nghĩ như tôi? Tại sao chúng tôi cùng một tâm trạng với nhau?
        - Đúng là yêu rồi. Nhưng người ta có hiểu cháu không? Có đáp lại tấm chân tình của cháu không?
        Loan cầm đũa gắp thức ăn, nhẹ nhàng đưa lên môi tôi.
        - Chắc chắn người ta sẽ hiểu, không muộn lắm đâu! Bây giờ, hai đứa chỉ là bạn thôi!
        Tôi miên man trong giấc mơ mình. Dệt cho mình giấc mơ để sống, để vượt qua bệnh tật, thiển nghĩ, là một ý chí đáng tự hào. Tôi mông lung nhớ về quá khứ. Thứ quá khứ của chiếc lá mong manh, lãng đãng bay giữa giòng đời. Thứ quá khứ luôn luôn mất đi, lẽ ra phải được thừa hưởng, mơn trớn. Quá khứ tiêu tan. Tương lai tàn khốc. Chỉ còn hiện tại vuốt ve. Tại sao tôi không tiếp tục dưỡng nuôi, trang điểm, làm đẹp cho đời sống cuối cùng?
        - Loan ơi! Cháu có biết tuổi người ta chưa? Yêu nhau, nhưng phải hợp tuổi với nhau nha!
        Loan cúi mặt sát vai tôi, cố gắng cài lại chiếc nút đã bật tung khỏi khuy áo của tôi. Khuy áo chật. Nàng loay hoay một cách vất vả, khiến vòm áo của Loan hở toang, để lộ vành ngực trắng nõn trước mặt tôi. Tôi cố nhè nhẹ nhắm mắt lại, khoan khoái xua đi cái cảm giác kỳ lạ đang xâm chiếm tâm hồn.
        - Thời đại này, người ta quan niệm thoáng lắm chú ơi! Khi hợp nhau, yêu nhau thì đến với nhau. Tuổi tác không quan trọng.
        Tôi lờ mờ với giấc mơ của mình. Tôi băn khoăn với thứ tình cảm Loan dành cho tôi. Thứ tình cảm vì lòng nhân ái, vì tình yêu hay vì một khao khát nào khác.
        - Cháu Loan! Chú hỏi thật. Lý do nào cháu đến đây mỗi ngày, chăm sóc chú như một người thân. Cháu lại bỏ tiền bạc ra mua thức ăn cho chú, khiến chú áy náy quá!
        - Chú ơi! Đừng để ý cho mệt. Cháu đến với chú chỉ vì lòng nhân. Chỉ vì thương chú - một nghệ sĩ sống trong bóng tối.
        Tôi xúc động.
        - Cháu cũng biết chú là một nghệ sĩ sống trong bóng tối nữa sao?
        Loan đứng lên.
        - Bây giờ cháu phải đến trường. Hẹn chú ngày mai. Cẩn thận, đừng đi đâu một mình nha chú!
        - Khoan, cho chú hỏi.
        Đôi mắt lá răm lại chớp chớp.
        - Hỏi chi chú?
        Tôi cố gắng đưa bàn tay nặng nề lên, định vỗ vai Loan. Ôi! Bàn tay khô khan, gầy yếu và đầy những nếp nhăn già cỗi. Nhưng vô vọng, tôi càng cố, bàn tay càng chùng xuống, đau nhói từng khớp xương. Thất vọng, tôi giả vờ vui vẻ.
        - Lúc nãy, cháu bảo, nếu chú không tiền trả nợ...thì...trả bằng cái khác. Chú không hiểu, cái khác là cái gì vậy cháu?
        Loan lặng lẽ vuốt mái tóc dài sang một bên, rồi bụm miệng cười khúc khích.
        - Mai nha! Mai cháu sẽ giải thích cái khác là cái gì? Còn tối nay, chú phải ngủ ngon giấc đấy!
        Đợi Loan đi một lát, tôi mới lê tấm thân tàn ra phòng sinh hoạt. Qua tấm cửa kính trong suốt, tôi ngó tấm thân kiều diễm của Loan thoăn thoắt dưới hàng cây. Tôi ngó cho đến khi bóng Loan mất hút ở đầu đường, cho đến khi mái tóc của Loan chỉ là một dấu chấm nhỏ, tựa giọt sương, tan biến vào hư không.
        Đêm quá khuya, tôi vẫn không ngủ được, mặc dù cô y tá vừa chích cho tôi một liều thuốc an thần. Không ngủ được, tôi lấy thơ ra đọc. Những bài thơ tình khẳng khiu như cuộc đời mình. Mấy chục năm làm thơ, cũng chẳng được gì? Người ta sống bầy đàn, nên làm thơ cũng bầy đàn. Người ta đua nhau tôn vinh, choàng hoa cho những "nhà thơ" của họ. Mấy ai cô đơn mà cất lên được tiếng nói của mình? Mấy ai lẻ loi mà được thiên hạ bênh vực? Loan nói đúng, tôi là một nghệ sĩ sống trong bóng tối. Mấy chục năm sống trong bóng tối, nên thèm khát ánh sáng, dù là một chút ánh sáng nhỏ nhoi và mỏng mảnh.
        Sáng nay, tôi vẫn cố lê tấm thân tàn ra phòng sinh hoạt. Tới cửa, tôi đứng thở dốc một lát, rồi tiếp tục lê ra sân viện. Tôi tựa cây gậy vô hàng rào, hai tay gắng sức bám  chấn song, rướn cổ ngó ngược con đường. Tôi lo Loan sẽ  không đến, sẽ không bao giờ đến. Khi biết được lão già nàng thương xót chỉ là một lão thất tình, dám dệt mộng với một cô gái mới lớn, tuổi chưa bằng đứa cháu nội út của mình. Nhưng cũng có thể nàng đến, vì nàng nhân ái trong sạch như khối pha lê. Vì nàng thương một nghệ sĩ bất hạnh, suốt đời sống trong bóng tối cô đơn. Cuối cùng, Loan đến thật. Dưới hàng cây lấm tấm hoa vàng, nàng tung tăng như một tiên nữ, mang ân huệ đến lão già khốn nạn.
        - Hôm nay có bánh tầm xíu mại. Món này ở miền nam. Chắc chú thích lắm!
        Tôi thở dài, uể oải ngó dĩa thức ăn trước mặt.
        - Cháu ăn giùm chú đi! Tự dưng, chú cảm thấy no hơi.
        Đôi mắt lá răm, có cái đuôi cong vút, chăm chăm ngó tôi.
        - Vậy chú đau dạ dày rồi. Cháu gọi y tá, xin thuốc chú uống.
        - Thuốc đó chú có rồi, khỏi xin. Chắc không phải dạ dày đâu. Bệnh khác.
        Đôi mắt lá răm lại tròn xoe, cong vút.
        - Bệnh khác? Bệnh khác là bệnh gì?
        Tôi định nghiêng vai nắm tay Loan, nhè nhẹ, tỏ vẻ thân thiện. Nhưng cái tay chết tiệt này vẫn trơ trơ như que củi. Nó như một bộ phận rời, không liên can gì đến thân thể, đến não bộ của tôi. Thôi đành sử dụng tiếng nói. Một cách ngượng nghịu.
        - Bệnh mơ tưởng.
        Loan lắc nhẹ mái tóc dài, rùng mình, ngạc nhiên.
        - Trời ơi! mơ tưởng? Giờ này chú còn mơ tưởng ai? A! Cháu biết rồi. Chú mơ tưởng một nàng thơ để làm thơ, phải không?
        Tôi giật thót. Chưa chi nàng đã biết rõ tim gan của mình. Như thế, còn chần chờ gì nữa, tôi phơi bày luôn.
        - Cháu cứ mua thức ăn hoài. Chú than không tiền trả nợ. Cháu cho chú trả bằng thứ khác. Vậy, thứ đó có phải là...là...
        Chợt Loan bụm miệng, cười khúc khích.
        - Là..là thơ đấy! Cháu lấy thơ trừ nợ. Chú chịu không?
        Tôi tiu nghỉu.
        - Thơ? Thơ hả? Chú tặng cho cháu đấy! Toàn bộ tác phẩm của chú, giao hết.
        Loan lại cười khúc khích.
        - Cháu chỉ xin vài bài thơ hợp với cháu. Biết đâu trong tương lai, giữa tiệc cưới, cháu sẽ đọc cho người yêu thưởng thức.
        Loan nhắm mắt mơ màng, rồi ngã tấm thân kiều diễm lên chiếc ghế.
        - Cháu nghe người ta nói, chú chuyên làm thơ tình. Toàn bộ tác phẩm của chú là thơ tình. Hỏi thật, Chú là con cái Chúa, vậy chú có bao giờ làm thơ ca tụng Chúa? Còn nữa, chú vốn là người lính Cộng Hòa, tại sao chú không bao giờ làm thơ đấu tranh, chống lại chế độ cộng sản đang dày xéo quê hương?
        Tôi bàng hoàng. Không ngờ một cô gái mới lớn, học trường Mỹ, sống trên đất Mỹ, mà có cái nhìn thâm sâu và to tát như vậy!
        - Cháu ơi! Cháu đặt vấn đề lớn quá, nhưng chú cũng cố gắng để trả lời những câu hỏi của cháu.
        Loan nâng cốc cà phê cho tôi nhấp một ngụm. Hương vị cà phê thơm ngon ngấm dần vào mũi, vào lưỡi, khiến ý chí bốc lên, suy nghĩ ào ạt tuôn ra như dòng chảy của tâm hồn.
        - Cháu biết. Chúa tạo ra vạn vật, muôn loài. Chúa điểm tô vẻ đẹp trần gian. Chúa ban tặng nguồn lương thực vô biên cho con người. Chúa muốn chúng ta sống hạnh phúc, yêu thương nhau, và biến mặt đất này thành vườn địa đàng. Chú làm thơ tình, mục đích ngợi ca những điều tốt đẹp đó, tức ngợi ca sự sáng tạo của Chúa, tức là ngợi ca Chúa. Cháu không hiểu hay sao?
        Tôi ngó thẳng vào mắt Loan dò xét. Mơ hồ, trong đốm lửa đa tình đó, tôi thấy có nụ cười. Một nụ cười từng giết chết đời tôi ở tuổi thanh niên lãng mạn.
        - Chú ơi! Chú hay lắm! Cháu rất khâm phục. Tiếp đi! Những bài thơ đấu tranh đâu? Quê hương mình đang cần loại thơ này.
        - Chú đã và đang làm thơ đấu tranh đó chứ! Cháu ơi! Người ta thường lấy sắt để chọi sắt, lấy thù để trả thù. Chú khác họ, chú dùng nước để làm mòn đá, dùng tình để chinh phục lòng dạ con người. Cháu biết, khi thế giới sống trong yêu thương, tức khắc chiến tranh và hận thù sẽ biến mất. Nó không còn nơi chốn để dung thân.
        Bất chợt, Loan nhào đến, quàng tay qua vai tôi, siết chặt.
        - Chú ơi! Chú tuyệt vời quá! Ý nghĩ này không ai sánh kịp. Ôi! Trong tương lai, cháu hy vọng tìm được tấm chồng giống chú. Biết làm thơ, thông minh và khác người.
        Suốt đời tôi, chưa có thứ hạnh phúc nào mãnh liệt như vậy. Dù nó chỉ lóe lên giây phút, rồi tắt ngúm như một que diêm. Tôi muốn chìm ngập trong nó. Hay nó chìm ngập trong tôi. Một cách tạm bợ. Nhưng cuối cùng, tôi cũng đau khổ thốt lên, giọng đầy chua xót.
        - Cháu ơi! Hãy trở về thực tế. Đừng mơ mộng, lãng mạn. Lấy chồng như chú chỉ khổ tấm thân. Vì chú là gánh nặng, là cái nợ cho gia đình. Thơ không hái ra tiền, không bao giờ biến thành lương thực để sinh sống.
        Loan vẫn ôm vai tôi, vỗ về.
        - Chú ơi! Ngôi sao sáng nhất là ngôi sao nằm trong vùng trời tối đen nhất. Chú có cảm nhận như vậy không?
        Tôi dùng cánh tay còn lại, cố đưa lên, ôm đầu. Tôi đang mơ mơ màng màng trên vũng sáng hạnh phúc. Hay đang lặn ngụp trong hố thẳm địa ngục? Nơi đó, chỉ có tôi và Loan. Một lão già gần đất xa trời. Và một thiếu nữ mới lớn, chưa một lần bước chân vào đời.
        - Chú ơi! Nếu một hôm nào đó, cháu không đến trò chuyện với chú nữa. Chú có buồn không chú?
        Tôi giật mình, tỉnh giấc. Lời nói tuy êm dịu, nhưng có sức mạnh vô hình, làm lung lay đời sống tôi. Nước mắt bỗng dưng trào ra, rơm rớm.
        - Buồn chứ! Buồn như xé ruột xé gan, cháu ạ! Vì lúc đó, chú sẽ cô đơn. Thật sự cô đơn.
        Tôi gục đầu xuống, che vội đôi mắt, rồi sướt mướt.
        - Bộ cháu định bỏ chú thật sao?
        - Không, cháu chỉ ví dụ thôi! Làm sao bỏ chú được?
        Buổi trưa đến vội. Tiếng dương cầm của ai thánh thót ngoài hiên, nghe lâng lâng, xúc cảm. Loan ra về trong tiếng nỉ non ấy, trong hương vị hạnh phúc còn thoang thoáng quanh đây, nơi căn phòng tù ngục, nhưng tràn ngập kỷ niệm, với nàng. Lướt theo tiếng dương cầm là tiếng gậy của tôi kéo lê tấm thân tàn. Tôi cố quờ quạng ra con đường, cố ngó hình bóng kiều diễm của Loan thoăn thoắt dưới hàng cây, cho đến khi mái tóc chỉ còn là cái chấm nhỏ, tan biến giữa mênh mông.
        Ngày hôm sau, lời ví dụ của Loan đã thành sự thật. Nàng biệt tăm, không đến. Rồi một tuần, hai tuần...đến tháng trôi qua...Loan vẫn mất hút, chẳng có tin tức nào của nàng. Tôi chống gậy, lê tấm thân tàn lên văn phòng, hỏi thăm ban điều hành viện. Không ai biết nàng. Chỉ có một ông Mỹ già ngó tôi chăm chăm. Chính ông gây ra điều đó. Chính ông là người biết, tại sao nàng lặng lẽ bỏ đi?
        Ngày qua ngày, sáng nào cũng vậy, tôi mò mẫm ra sân viện thật sớm, lúc bình minh chưa thật sự hừng lên trên con đường này. Như thường lệ, tôi ngồi thở dốc thật lâu trên chiếc ghế đá gần cổng. Rồi cố gượng dậy, lê tấm thân tàn ra sát hàng rào. Tôi tựa cây gậy lên thanh sắt, hai tay gắng sức bám chấn song, rướn cổ ngó ngược con đường. Tôi hy vọng những cái chấm mênh mông ngoài đó, chắc chắn sẽ có một cái chấm di động về hướng này. Chắc chắn sẽ là một mái tóc dài. Chắc chắn sẽ là tấm thân kiều diễm của Loan, thoăn thoắt trên con đường, dẫn vào sân viện. Nhưng lần nào, tôi cũng thất vọng. Không có cái chấm nào hiện thân là Loan. Không có cái chấm nào đến đây, thăm một lão già thất tình.
        Cho tới một hôm, tôi nghe tiếng con gái tôi vang vang trong phòng sinh hoạt. Tôi vội chống gậy, lê tấm thân tàn ra đó. Qua tấm kính trong suốt, tôi giật mình khi thấy Loan đang ngồi đối thoại với con gái tôi. Lạ quá, tôi núp vào bức phông phía sau, tò mò lắng nghe câu chuyện.
        - Em hãy tiếp tục giúp giùm chị. Kỳ này, chị sẽ trả em gấp đôi.
         Tiếng Loan dịu dàng.
        - Lúc này, em phải đến trường chị ạ! Năm cuối, bận lắm, không có thời gian giúp chị đâu!
        - Buổi sáng, em chỉ đến cho ông cụ điểm tâm và trò chuyện vài tiếng. Lương vậy, không xứng đáng với công em sao?
        Loan vẫn dịu dàng.
        - Chị thông cảm. Năm nay, em vừa học, thi ra trường. Vừa chuẩn bị cho đám cưới tụi em.
        Tôi lảo đảo, muốn té. Tôi cố gắng níu bức phông lấy thăng bằng, chống gậy lê tấm thân tàn, trở về căn phòng. Tôi lết tới đầu giường, kéo ra một xấp thơ đã làm trong thời kỳ này. Tôi dằn từng tờ dưới gót chân yếu ớt của tôi, rồi dùng bàn tay còn lại xé nát tấm thơ. Tôi xé đến chừng nào xấp thơ vụn ra, tan nát mới dừng tay. Cuối cùng, tôi ngã lăn xuống nền gạch, hổn hển trong tiếng dương cầm nỉ non ngoài trước.

                       PHẠM HỒNG ÂN                                    
             (Moonglow Park, 02/08/2017)

Friday, July 27, 2018

TRÊN HỒ MIRAMAR




*TRÊN HỒ MIRAMAR

trên núi cao, ta đứng ngó hồ
chiều vây quanh bóng nắng chơ vơ
em xưa ngọn tóc đong đưa gió
giữa dấu tim trần một ý thơ.

phố dưới chân, phố gánh dòng đời
trĩu hồn ai nỗi sầu chưa vơi
có biết ta như thân đại thụ
vừa mới trổ hoa đã rụng rơi.

hồ bao la, hồ trên núi cao
vắt ngang vai ngọn tóc ba đào
mềm mại dòng thương chao dòng nhớ
làm ngữ ngôn ta bỗng bật trào.

chiều trên hồ, em thả tóc bay
mát rượi đời nhau giây phút này
ví như tình vội như là rượu
chưa nhắp, lòng ta đã ngất say.

hồ ngó ta, lếch thếch tình nhân
trơ trụi về đây, tấm thân tàn
mới hiểu phố em, cơn nắng dữ
thiêu rụi từng thời ký ức xuân.

          *PHẠM HỒNG ÂN
    (Miramar Lake, 06/24/2018)