Friday, February 6, 2015

Tranh thơ LÊ THỊ KIM OANH (Úc Châu)


.DA RỪNG


.DA RỪNG
                   *truyện ngắn: PHẠM HỒNG ÂN
   
   Chiếc xe dừng lại nơi bìa rừng. Hình như đây là rừng Xuyên Mộc hay Xuyên Thổ chi đó ở vùng Bà Rịa. Ðám con tôi loi ngoi xuống xe. Mặt mày mỗi đứa lem luốc quằn quệnh như thoa lọ nồi. Gã tài xế nhảy phóc xuống lề, chạy ra phía sau, la lớn:
        - Tới rồi bà con ơi! Làm ơn chuyển lẹ đồ đạc xuống xe. Mẹ, tôi còn phải trở lại thành phố.
   Tôi mọp đầu thật thấp, tránh cái bình than đá quái quỉ lúc nào cũng ùng ục ùng ục, bắn ra hàng loạt những tia lửa tia than trong suốt cuộc hành trình. Trong lúc tôi đang loay hoay, gã tài xế bỗng chạy đến, nắm tay tôi lôi mạnh.
        - Xuống lẹ dùm con, Má ơi! Ði vùng kinh tế mới mà như đi du lịch...
   Sức lôi của gã tài xế khiến tôi ngã bẹp xuống đất rừng. Cái đít rơi bịch như trái mít rụng. Ðá, sỏi, gai, gốc...từ phía dưới chỉa lên, đâm thấu vào da thịt, làm ran rát nguyên cả bàn tọa. Tôi nhăn mặt, hít hà, ôm cái đít ê ẩm nhìn ngược ra con đường. Ðoàn xe cải tiến tiếp tục chạy tới, nối đuôi, thả khói nghịt trời. Bụi lửa từ bình than đá bắn ra tứ tung. Nó cộng với bụi đường, bụi rừng...đua nhau quện vào thân thể người dân như một đòn tra tấn cực kỳ của lịch sử.
        - Má ơi, nhanh lên! Người ta kêu vào phía trong chọn nhà kia kìa!
   Con Na cõng thằng Út lên vai, hai tay đèo thêm hai túi xách. Nó khệnh khạng bám theo đám đông, chạy thẳng vô cánh rừng. Thằng Ðậu, thằng Rớt, con Ú, con Nhách lóc cóc theo sau. Mỗi đứa một bịt nylon – trong đó ngổn ngang chén, dĩa, ly, tách, nồi, niêu, mùng, mền, quần, áo...Tôi  hổn hển nối đuôi, nhắm vạt áo rằn ri của con Nhách mà bườn tới trước. Tôi bườn như con điên. Tóc tai rối tung. Mặt mày hốc hác. Cái túi đựng ba mớ hỗn độn vẫn khư khư trước bụng. Dường như nó bắt đầu nặng nề, chướng rướng chàng ràng một cách khó chịu. Rồi, hai bàn tay yếu đuối của tôi không thể giữ nổi nó nữa. Nó chợt vuột khỏi vòng ôm, lăn tròn xuống đám cỏ gai, bùng bình búng bính một lúc, mới chịu vỡ toang ra từng mảng. Sổ hộ khẩu, giấy mượn lương thực, giấy chứng nhận đi vùng kinh tế mới, hình ảnh chồng con...cùng với thuốc xuyên tâm liên, thuốc nghệ, thuốc giải nọc rắn, băng keo, băng vệ sinh, giấy chùi đít, gương, lược, phấn, son...đua nhau rơi lả tả xuống con dốc.
   Con Na quăng vội thằng Út qua cánh tay khẳng khiu của thằng Ðậu. Nó nhảy phóc đến bên tôi, nhanh nhẩu nhặt nhạnh ba mớ hỗn độn bướng bỉnh.
        - Nhanh nhanh má ơi! Chậm quá, tối nay cả gia đình ngủ ở trong rừng đấy!
        - Con chạy lên trước, chọn nhà đi! Má với các em lên sau. Chân má đạp phải gai, nhức quá đây này!
   Tôi nhìn bàn chân sưng húp. Nhìn hai vạt quần rách bươm, tơi tả như miếng giẻ lau nhà. Nhìn đám con quằn quại, lặn ngụp giữa dòng đời. Nhìn con Na vừa 12 tuổi đầu, đã vội thay cha thay mẹ gánh nặng phiền muộn trên vai. Chạnh lòng, tôi muốn khóc. Nhưng, nước mắt bây giờ, dường như đã cạn khô trong tôi. Nó như vuông ao sệt bùn. Như bầu sữa vắt kiệt.
    Những căn nhà lêu bêu hiện ra, trải dài, mút tầm nhìn. Không. Nó không đáng gọi là nhà. Chỉ có vài mảnh lá thưa, che nhếch nhác bên trên. Xung quanh trống hoác. Gió rừng nhào lộn tứ tung. Làm rúng rính những kèo cột, lớn bằng cánh tay con Na. Ðám con tôi tiến tới đâu, những căn nhà bị người ta chiếm đóng tới đấy. Ước chừng – vượt qua ba, bốn cây số đường dài. Ước chừng – nắng tuột phía sau, mặt trời ngã chiều. Con Na đã mệt đừ. Mồ hôi thấm như mưa, ướt nhèm nhẹp lưng áo. Thằng Rớt tuột quần khỏi đầu gối, nó chạy ngất nga ngất ngưởng như một tên hề.
   Bỗng thằng Ðậu nhảy cửng lên như ngựa, rồi xà vào một căn nhà vắng tanh, hét lớn:
        - Con xí được nhà rồi. Má ơi! chị Na ơi! mang đồ đạc vào, lẹ lên!
   Tôi chưa kịp phản ứng, tai đã bùng lên giọng ồ ề của một lão già.
        - Nhà này có chủ rồi. Ði khỏi bìa rừng, họa may, có chỗ trống.
   Thằng Ðậu thất vọng, ngã lăn xuống đất rừng. Ðất rừng cứng như đá cục. Ðất, giống tấm da trâu bị căng ra phơi nắng. Nó nứt từng mảng. Nó rạn từng thớ. Thằng Ðậu cũng không thua chi tấm da trâu. Thân hình đen mẻm. Cát bụi loang lổ trên bụng, trên nách.
        - Trời ơi! Vùng kinh tế sao kinh thế? Má ơi! Con đau bụng, mắc ỉa quá!
   Con Ú nằm vạ, ôm bụng lăn lộn. Tôi lê đến túi xách, mò mẫm chai Nhị Thiên Ðường, thoa lia thoa lịa vào rún con.
        - Con muốn đi ỉa, đi ỉa.
   Tôi kéo bừa con Ú vào một gốc cây. Cỏ cao đến đầu gối. Tôi dùng chân đạp cỏ rạp xuống, rồi lấy tay vẹt trống một khoảng, vừa chỗ cho con Ú đặt mông xuống.
        - Này, ỉa bậy phải không? Mất vệ sinh. Mất vệ sinh.
   Gã thanh niên nào đó xuất hiện. Tấm băng màu đỏ quấn vòng tay áo, xẩm màu theo vạt nắng cuối ngày. Hắn vừa lắc đầu quầy quậy, vừa phóng một cây vá đầy đất bẩn, cắm phụp trước mặt tôi.
        - Ðào lỗ cho con nhỏ ỉa. Xong, lấp lại, cẩn thận.
   Cái lỗ được xới lên. Chậm chạp. Vất vả. Bởi bàn tay gầy guộc và yếu đuối của tôi. Cái lỗ chưa kịp khơi xong, con Ú đã phọt ra, tung toé trên cỏ rừng. Gã thanh niên lại lắc đầu quầy quậy. Hắn bỏ đi một hơi, sau khi cất giọng chửi thề:
        - Mẹ, dân thành phố dơ dáy quá! Khó hòa hợp.
   Nắng rớt nhẹ trên đỉnh dã thụ. Nó lung linh, dìu dịu nơi đó một chốc. Rồi hun hút mất tăm, chìm ngủm trong bóng đen của cánh rừng. Những căn nhà bắt đầu thắp đèn. Những ngọn đèn leo lét như ma trơi, lập lòe giữa không gian âm u. Tôi rã rời. Tay chân mình mẩy như bị cắt ra từng khúc. Cái bịt nylon nặng trịch trước bụng. Con mắt bắt đầu tối thui. Bầy con vây quanh chỉ còn là những cái bóng mập mờ, lúc ẩn lúc hiện. Tôi quờ quạng giây lát, cuối cùng nhủi đầu xuống một vạt cỏ. Tai chỉ còn nghe lùng bùng tiếng côn trùng râm ran, hắt ra từ mõm rừng.
   Mùi dầu gió nồng nồng đánh thức tôi dậy. Vết cạo rát rạt trên lưng đánh thức tôi dậy. Tiếng khóc như đưa đám của bầy con tôi đánh thức tôi dậy. Đặc biệt, giọng oang oang như xé toác bóng đêm của gã đàn ông nào đó...cũng đánh thức tôi dậy.
        - Kìa, bả tỉnh rồi kìa. Tụi bây bắt nồi lên, nấu cho bả miếng cháo giải cảm. Chặc, con cái đùm đề mà chồng không thấy?
   Con Na ngồi xổm xuống nền đất, chụm ba cục đá lại làm lò, rồi đưa nhúm bùi nhùi vô đốt, lửa phựt lên đỏ hồng. Thằng Đậu bắt nồi gạo lên lò, chổng mông thổi phù phù. Thằng Rớt, Con Ú, con Nhách và thằng Út vây quanh tôi, nước mắt nước mũi dầm dề. Tôi ngơ ngác ngó chỗ tôi nằm. Đó là tấm nylon che mưa, trải thẳng xuống nền đất ẩm, còn sực mùi sình non. Tôi ngơ ngác ngó lên mái lá lưa thưa. Đó là một túp lều mỏng mảnh, thua xa cái chuồng ngày xưa tôi dựng lên để nuôi gia cầm. Và điều tôi ngơ ngác nữa, là có gã đàn ông nào đó...hiện diện nơi này.
   Như thấu được nỗi thắc mắc của tôi, gã đàn ông phơi bày.
        - Qua là tổ trưởng ở đây. Nhà này là nhà của qua. Thấy em bệnh hoạn, lại con cái đùm đề, nên qua nhường nhà cho gia đình em ở. Em cứ yên tâm, qua sẽ qua lại thường xuyên, giúp đỡ mấy cháu.
   Thằng Rớt kéo vạt áo tôi lên, quẹt nước mắt.
        - Bác nhường nhà cho tụi con, rồi bác ở đâu?
        - Bác qua Ấp ở tạm, chờ họ cất thêm nhà, bác dọn tới mấy hồi...
   Tôi không còn hơi sức đâu để cân phân, suy tính. Bây giờ, tôi như một miếng giấy thấm nước, ướt nhem. Người ta vớt lên, cầm không khéo, giấy sẽ rách tan hoang. Thà là giao hết mọi quyết định cho con Na, thằng Đậu. Thà là làm một người mẹ bù nhìn, đỡ khổ hơn.
   Công việc ở vùng kinh tế mới vượt ngoài khả năng của gia đình tôi. Người ta bắt dân phá rừng trồng rẫy. Cây rừng nhỏ nhất cũng bằng vòng ôm của thằng Út. Với sức cùn của một người đàn bà mất chồng, với vóc dáng của một bầy con đói khát, đứa lớn nhất chỉ mới 12 tuổi, liệu bao lâu chúng tôi mới đứng vững trên cánh rừng bạt ngàn này?
   Rừng xanh um và thâm sâu bí hiểm, khi tôi mới đặt chân đến. Bây giờ nó xác xơ, tiêu điều như dấu tích của một trận chiến. Cây rừng bị hạ gục, nằm la liệt khắp nơi. Những thau lau, bằng lăng, giáng hương, trầm hương quí hiếm...đang lăn lóc giẫy chết dưới bàn tay tàn bạo của con người. Họ tấn công rừng đủ kiểu, đủ cách. Bằng sức người, bằng máy cưa, bằng cần trục, bằng chất nổ, bằng mọi sức mạnh sẵn có...miễn sao rừng gục ngã, thoi thóp, hấp hối và chết tiệt. Hàng trăm xe tải thay phiên nhau túc trực ngày đêm để chuyên chở thi-thể-rừng về các trại mộc. Họ móc ngoặc nhau, chia của, chia tiền. Họ tiêu diệt thiên nhiên, giết dần sự sống.
   Rừng giẫy chết trong khi căn nhà tôi ở trông khá hơn một chút, nhờ công sức của con Na, thằng Đậu và gã đàn ông xa lạ. Hai đứa mò sâu vào rừng kiếm nứa, chặt và cột từng bó vác về. Gã đàn ông chỉ cách róc nứa từng mảnh, xong đan chúng vào nhau, rồi dựng thành vách. Vách nứa tuy mỏng manh, nhưng cũng che kín căn nhà, che kín phần nào nơi tôi và con Na thay quần áo, tắm rửa và tiểu tiện. Và tôi biết, nó cũng che kín phần nào cặp mắt cú vọ của gã đàn ông thèm khát kia, lúc nào tôi cởi truồng tắm, cũng thấy gã hiện ra, ngó chăm bẩm vô tấm nylon mỏng dánh một cách đờ đẫn. Đôi lần, tôi muốn vạch mặt, mắng gã vài câu. Hoặc xua đuổi, tống khứ gã đi cho rảnh nợ. Nhưng nghĩ lại, tôi cũng cần gã bây giờ. Như một thứ dây leo yếu đuối, cần bám vào cành khẳng khiu nào đó để vươn lên.
   Rừng. Cây bị người ta cắt ngang, chỉ còn gốc trơ trụi. Buổi trưa, nắng cháy như lửa. Nắng đốt ước mơ tôi thành tro than. Nắng thiêu cuộc sống tôi quằn quại. Rừng không còn bóng mát để tôi che thân. Rừng giẫy chết kéo theo tôi giẫy chết. Thời gian, đối với tôi, bây giờ không cần thiết. Ngày nào như ngày nấy, tôi và con Na đều luồn dưới hố cây, chúi qua lủi lại, dùng sức chặt đứt rễ  chằng chịt của gốc để cho xe cần trục tới bứng dễ dàng. Hai mẹ con cắm đầu, dãi nắng dầm mưa, chém tới tấp như hai con khùng. Chém chừng nào không còn một cọng rễ nào bấu vào đất. Lúc đó hai mẹ con mới buông dao, ngã ngang vào vách hố, ôm nhau thở hì hục. Chiều nào tôi cũng đưa hai bàn tay sưng phồng, rướm đầy máu lên mắt. Tôi ngó thương tích trừng trừng, rồi chầm chậm ngước mặt lên trời, khóc một hơi dài. Vậy mà khẩu phần hàng tháng của chúng tôi vẫn teo tóp. Từ những ký gạo mốc trộn đầy bông cỏ đến bắp, khoai lang. Cuối cùng chỉ là những lát khoai mì chua lét chua lè. Tôi, con Na, thằng Đậu và thằng Rớt hiểu được thế cuộc đổi dời, nên ngậm đắng nuốt cay cố nhét những lát khoai cù nhầy vào bao tử. Còn con Ú, con Nhách và thằng Út thà chết không thèm đụng tới. Đến giờ ăn, chúng nó như đám giặc, kéo nhau la bài hải. Nếu không nhờ gã đàn ông tiếp tế vài ký gạo mốc, hàng tháng - chắc tôi phải mang thêm chứng bệnh đau tim bởi tiếng la đổ trời vỡ đất này.
   Sáng nay, gã đàn ông bỗng dưng hẹn tôi tới ấp kiểm thảo. Tôi không hiểu kiểm thảo cái khỉ khô gì khi tôi làm trầy da tróc vảy mà chưa được một miếng cơm vô họng? Như sợ tôi đổ lì, gã cử một thanh niên đến rước tôi. Sau khi đi vòng vo một đổi, tên thanh niên đẩy tôi vô một căn nhà, có cửa cái trổ ra cánh rừng. Căn nhà ẩm thấp, lè tè như những căn nhà tạm bợ khác trong khu kinh tế mới này. Chỉ đặc biệt, trên vách có treo lá cờ đỏ ối và hình của vị lãnh tụ. Gã đàn ông đang ngồi bập bập điếu thuốc bên chiếc bàn gỗ ngả màu da trâu. Bên trái, là chiếc giường bằng tre lẹp kẹp, trên đó ngổn ngang gối mền và quần áo tạp nhạp.
        - Qua chờ em từ sáng tới giờ. Em ngồi đi. Qua muốn nói với em một chuyện.
   Tôi cẩn thận đặt đít xuống mép giường. Mùi quần áo dơ xông lên, hắt hắt lỗ mũi.
        - Chuyện gì? Tui lao động tận lực như mấy người khác. Có làm biếng đâu mà đòi kiểm thảo?
        - Không phải chuyện kiểm thảo. Đó chỉ là hình thức để kêu em tới đây.
        - Vậy chớ chuyện gì?
   Gã bắt đầu đưa cặp mắt cú vọ rà lên thân thể tôi, cuối cùng dừng lại ở bộ ngực, chăm bẳm như muốn ăn tươi nuốt sống nó. Gã lại bập bập điếu thuốc. Khói tuôn ra trắng xóa. Tôi nghe tiếng nước miếng ực ực trong cổ họng gã.
        - Chuyện tình.
   Gã lập cập như nói ngọng.
        - Qua...thương...em. Thương...em nhiều lắm.
   Nghe lời tỏ tình quê mùa và nhạt nhẽo của gã, khiến tôi muốn bật cười. Tôi đã biết trước sẽ có một ngày như thế này. Sẽ có một lúc gã không chịu nổi cảnh rạo rực động tình của một con đực, trước thân thể hấp dẫn của một con cái cô độc.
        - Tui đã qua cái thời yêu đương nhảm nhí rồi. Bây giờ, tui phải   kiếm miếng ăn, lo cho các con tôi.
   Gã đứng lên, quăng mạnh tàn thuốc ra cửa. Rồi, nhanh như chớp, gã nhảy bổ vào người tôi, đè tôi bật ngửa xuống nền giường. Tôi chưa kịp phản ứng, gã đã giựt phăng khuy áo tôi, cởi trần cặp ngực tôi. Xong, úp mặt vào đó, thở hổn hển.
   Tôi đạp túi bụi. Tôi đấm thùm thụp trên lưng gã. Tôi gào, tôi la đến khàn cả họng. Nhưng, tất cả những phản kháng này đều yếu ớt trước sức mạnh của con thú điên cuồng. Khi mảnh vải cuối cùng vừa tuột khỏi đầu gối tôi, chợt có tiếng hét chói lói ngoài cánh cửa.
        - Buông ra! Ông buông má tui ngay!
   Trong cơn hốt hoảng tột độ, tai tôi bỗng nghe tiếng "phụp" ghê rợn. Rồi, tiếng rú kinh hoàng cất lên. Máu từ đâu phún mạnh vào miệng tôi, loang xuống thân thể, ướt đẫm bầu vú tôi.
   Con Na bị công an dẫn đi ngay, cùng với con dao rừng còn đỏ máu. Gã đàn ông được chi bộ ấp tức tốc đưa đi cấp cứu. Chỉ còn tôi, một mình quằn quại với nỗi đau mất con, với tiếng thị phi dị nghị của người đời. Tên thanh niên ban sáng đưa tôi đến đây, nhất định kết tội tôi đã dùng thân xác quyến dụ gã đàn ông. Tôi chỉ biết cúi đầu, lặng câm. Tôi không còn hơi sức nào nữa  thanh minh cho sự oan trái này. Cũng không còn nước mắt để khóc, cho vơi đi phiền muộn. Nước mắt tôi đã khô cạn từ lâu. Nó như vuông ao sệt bùn. Như bầu sữa vắt kiệt.
   Ngày mai này, tôi sẽ dắt bầy con trốn khỏi nơi đây. Nếu không, sớm muộn gì tôi cũng phải giẫy chết như cánh rừng tội nghiệp này.
                                 
                                          PHẠM HỒNG ÂN
     (Viết ở San Diego năm 2000, viết tiếp ở Escondido 08/08/2014)
  
      

  


Đọc “THIÊN CỔ BÙI NGÙI” của Phạm Hồng Ân


Đọc “THIÊN CỔ BÙI NGÙI” của Phạm Hồng Ân
                          *Tiết Thị Trung Trinh

       Tập bản thảo “Thiên Cổ Bùi Ngùi” của anh Phạm Hồng Ân đã nằm gọn trong tay tôi, lúc tôi vừa chân ướt chân ráo đến định cư tại Virginia. Anh gửi nó đến đây như thay lời chúc mừng, như món quà dành tặng người đồng hương, tình cờ gặp nhau nơi đất khách.
   “...Áo Tím ơi! cố gắng đọc từng trang, từng dòng, từng chữ...trong tập bản thảo này. Rồi cho anh xin một bài tựa, hay một ý kiến về nó, để anh yên tâm xuất bản. Nhớ trung thực nhé cố nhân!...”
   Ôi, những dòng chữ thân thuộc hiện đến, thuở học trò xa xưa lại vụt ùa trong trí tưởng, khiến tôi bàng hoàng nhớ về mái trường trung học công lập Cà Mau ngày nào. Lúc đó, anh học trên tôi bốn lớp. Anh là một chàng học trò nhút nhát, hiền lành đến độ ngơ ngác, thường bị các bạn trêu chọc, bông đùa. Anh biết làm thơ rất sớm, thơ anh xuất hiện trên báo Sài Gòn từ năm anh học đệ ngũ. Tuy nhiên, đối với tôi, thơ anh lúc đó rất lập dị, khó hiểu và trừu tượng một cách kệch cởm. Đại loại như:
      “...Bắt đầu lạ những râu đời chán nản
           Ta bỏ về thành phố lạnh hơn sông
           Mai đốt lửa cháy tàn miền dĩ vãng
             Để già nua che kín mặt như rừng...”
       ( Nghĩ về Vũ Nhật Thúy – thơ PHA 1965 )
 Hay các câu trữ tình, lãng mạn đến độ “ kỳ quái ”:
    
   “...Em về, buồn mọc dung nhan
             Thuyền quyên lệ rữa hai hàng phấn đen...”
                 ( Người trong cuộc – thơ PHA 1966)
  
Nhưng khi anh lên Sài Gòn, cuộc sống ném anh vào binh lửa, quẳng anh vào những trớ trêu của tình đời, bấy giờ thơ anh mới bắt đầu “ có hồn ”:
    
    “...Thầy trở lại nhìn các em lần nữa
              Những đầu xanh thơm bút vở học trò
              Những chiếc áo viền đường bay quá khứ
              Những màu môi sáng rực tuổi ngây thơ...”
               ( Nói với học trò – thơ PHA 1968)
 
 Và đây là đôi dòng chân thật, từ giã bạn bè trước khi nhập ngũ :
          “...Mai biệt xứ làm thân tàu bé nhỏ
               Rượu mềm mội chưa ấm lại lòng đâu?
               Đời rách rưới lang thang tìm bến đỗ
               Bạn bè ơi, thương tiếc mãi thêm sầu...”
                      (Biệt xứ – thơ PHA 1969)

  Rồi lần lữa nhiều năm trôi qua, tôi không gặp lại anh...Rồi sau cuộc đổi đời khốc liệt năm 1975, chúng tôi càng cách xa nhau hơn, tưởng chừng như không thể tương phùng. Thế mà, hôm nay, cầm trên tay quyển bản thảo “Thiên Cổ Bùi Ngùi” với những dòng chữ thân thuộc ngày nào, lòng tôi bỗng chùng xuống, rưng rưng không nén được xúc cảm.
   Tôi đã đọc kỹ từng trang, từng dòng, từng chữ...như anh đã gửi gấm. Tôi đã ngồi suốt đêm thâu, nhớ lại những kỷ niệm, những gian truân mà thế hệ anh đã trải qua, một cách đọa đày. Phải chăng chính thế, mỗi lời thơ có mỗi chiều sâu...rất sâu của cuộc đời. Bài thơ nào cũng chan chứa tình người, đượm đầy tính-nhân-bản-luận. Dường như, anh có khát vọng vươn lên từ vũng tối âm u, xây dựng tình-yêu-tuyệt-đối trong một đất nước chiến tranh đến độ rã rời. Không có thứ tuyệt đối cho tình yêu, cũng như không có loại xã hội tĩnh lặng một cách lý tưởng – khát vọng anh chỉ là ảo vọng tan tành, chỗ...phía sau nỗi chấn động tàn khốc đó...đã làm bật ra “chất-thơ-của-riêng-anh”, trào ra những trang THIÊN CỔ BÙI NGÙI đầy bi thiết.
   Thí dụ như viết về quê hương, anh phơi bày hiện thực một cách rất chân thật và bẽ bàng, khác với “kiểu” quê hương “ru ngủ”, “chiêu hồi Việt Kiều” bằng mọi hình tượng vỗ về như : “chùm khế ngọt, con đò nhỏ, cánh diều...” mà một số nhà thơ miền Nam sau 75 đã “bẻ bút” ca ngợi :
        
         “...Quê hương là điều đã mất
                       Là điều còn lại trong tim...”
   Hoặc :
                   “...Quê hương là men rượu đắng
                 Cụng ly say khướt một đời
                 Quê hương là vành khăn trắng
                 Tháng tư che kín một thời...”
               (Tiếc Thương – TCBN trang bảy)
   Đọc thơ anh, sau một đêm dài trăn trở, khi xếp sách lại, cố dỗ giấc ngủ, tôi lại vẫn còn thao thức với những kỷ niệm. Ôi! những kỷ niệm như vết chém, hằn sâu trong ký ức, hằn sâu trên da thịt đời người. Mỗi bài thơ trong THIÊN CỔ BÙI NGÙI  là mỗi tình huống anh đã trải qua, anh đã va chạm. Những trang thiên cổ mở ra...rồi khép lại. Quá trọn vẹn. Quá đầy đủ. Rất tiếc, tôi không thể nặn óc moi tim viết TỰA được cho anh – như lời anh gửi gấm – bởi cố viết như thế nào đi nữa, cũng không thể làm sáng giá thêm anh. Vì chính anh, chính thơ anh...đã chiếm lĩnh hết rồi.
   Hai câu thơ của anh trong bài PHẬN KIỀU :
              “...Dưới ánh sáng Nguyễn Du
                   Thúy Kiều vẫn bất tử...”
              (Phận Kiều – TCBN trang ba tám).
 
 Phải chăng là những “dòng tiên tri” về “số-phận-thơ-anh”. Tôi có thể diễn nôm na rằng, dưới ánh sáng của nền thi ca hải ngoại, THIÊN CỔ BÙI NGÙI sẽ bất tử...và “số-phận-thơ-anh” cũng sẽ lận đận như số phận Thúy Kiều.
                              
    Tiết Thị Trung Trinh


Thursday, February 5, 2015

*CẢM NGHĨ VỀ PHẦN VĂN CỦA QUYỂN RONG CHƠI CÕI VÔTHƯỜNG


*CM NGHĨ V PHN VĂN CA QUYN RONG CHƠI CÕI VÔTHƯỜNG

Kính thưa quí vị,

Tôi lãnh trách nhiệm phát biểu về phần VĂN, trong quyển Rong Chơi Cõi Vô Thường, do nhạc sĩ Nguyên Phan yêu cầu.

THú thật, từ trước đến nay, khi nói đến Nguyên Phan, tôi chỉ nghĩ đến những ca khúc trữ tình, những bản nhạc viết về tình yêu rất tha thiết, rất nồng nàn. Nghĩa là nghĩ ông là một nhạc sĩ - một nhạc sĩ tài hoa, chớ chưa có dịp đọc một bài văn nào của tác giả. Vậy mà, khi ông đưa quyển sách Rong Chơi Cõi Vô Thường, tôi rất ngạc nhiên, vì ông cũng viết văn, và khi đọc xong, tôi thấy văn của ông chẳng thua gì văn của mấy ông nhà văn ở hải ngoại bây giờ.

Điều đặc biệt nữa, là trong tuyển tập Thơ - Văn- Nhạc này (ông đề là tuyển tập Thơ-Văn-Nhạc), phần văn của ông đã chiếm gần 4/5 cuốn sách. Cuốn sách có tất cả là 535 trang, phần Văn của ông đã chiếm 456 trang rồi. Phần Thơ và Nhạc nằm trong quyển sách này, chiếm một tỷ lệ rất khiêm nhường. Vậy muốn gọi ông, chúng ta gọi ông là một nhà gì? Tôi nghĩ, gọi ông là một nhà văn, nghe có vẻ hợp lý hơn.

Thưa quí vị,

Tôi không dám tự xưng mình là một nhà văn, nên không dám phê bình một tác phẩm của người viết văn. Tôi chỉ phát biểu vài cảm nghĩ về quyển sách với tư cách  một người bạn với tác giả. Phần cảm nghĩ của tôi có gì sai hoặc thiếu xót xin tác giả và quí vị rộng lòng tha thứ. Bây giờ, tôi xin bắt đầu:

Về phần Văn trong quyển sách, tác giả có ý chia ra làm 5 phần: phần thứ nhất là phần cảm nhận văn học, phần thứ hai là phần đoản văn, phần thứ ba là phần phiếm luận, phần thứ tư là phần tạp ký và phần cuối cùng là phần biên khảo. Ở phần cảm nhận văn học, ông ghi lại những cảm nghĩ và nhận định của ông về tác phẩm của những nhóm văn nghệ hay văn chương mà ông đã dự phần trong buổi ra mắt sách của họ ( như nhóm Câu Lạc bộ Tình Nghệ Sĩ, nhóm Nam Phong tuyển tập) hoặc ông viết những bài giới thiệu về tác phẩm của bạn hữu, của các tác giả thân cận với ông, trong đó có những tác giả đã nổi tiếng, như: nhạc sĩ Nhật Ngân, nhà văn Phạm Trần Anh, nhà thơ Ngô Minh Hằng, nhà thơ Trần Huy Sao. Ngoài ra, còn có: Xuân Đà, John Trần, Hồ Hương Lộc, Thiên Vương, Trương Quân, Ngọc Hoa, Linda Trần, Trần Ngọc, Hoàng Thy Trần triệu Đông, Nguyễn hữu Của ...v..v...

Ở phần đoản văn, tôi thấy, đây là những lời tình tự nồng nàn nhất, êm ái nhất của đôi tình nhân yêu nhau, rồi chia tay nhau. Theo tôi nghĩ, đây chưa hẳn là đoản văn, chưa hẳn là bài viết ngắn có cấu trúc của một câu chuyện. Mà đây đích thực là những bài thơ tình, được tác giả sáng tác theo thể tự do. Muốn biết, chúng ta hãy cùng nhau nghe một vài câu như sau:

        "...con chim vành khuyên chuyền cành

          Hót vang những lời tình tự..." ( trong bài Mùa Xuân Gọi)

hoặc:   "...Ngậm ngùi ký ức

                   Tng góc phố rã rời run rẩy trong gió

                     Những giọt đắng níu khôn cùng

                     Mảnh tinh cầu vụn vỡ..." (trong bài Nỗi buồn đông)

hoặc:  "...Đêm, bên em ngồi xõa tóc

                      Phố cũ nhạt nhòa mưa bay

                     Nghe lạnh lùng một cõi riêng mang..." (trong bài Cõi Riêng Mang)

Ở phần phiếm luận, tác giả đứng ở góc cạnh phê bình để bàn phiếm, luận phiếm về một số vấn đề, như: tác giả bàn về lòng tham của con người (trong bài Đứng núi này trông núi nọ), bàn về sự tiến thoái lưỡng nan của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong chế độ mới, luận về nhạc sến, luận về tiếng kẽng..v..v..

phần Tạp Ký, tác giả đã chứng tỏ khả năng viết ký của ông. Ông viết rất linh động, đi sâu vào chi tiết, luồn lách vào từng đời sống con người. Phần này tôi rất thích. Dù sao cũng phản ảnh được lịch sử, phản ảnh được tình trạng di dân của kiều bào, phản ảnh được miền nam trù phú trước 1975. Ông hoài niệm những Sài gòn, Bình Thuận, Nha Trang, Đà Nẳng, Huế...NHững nơi chốn tác giả đã đi qua, đã làm việc, đã quen bạn bè, đã gặp người yêu...Kể cả những trại tù sau 1975, những vết thương đớn đau, những vết hằn tàn bạo do chế độ mới tạo ra. Kể cả những tháng năm ông sang Mỹ, du lịch đó đây trong không khí tràn ngập tự do và hạnh phúc.

Đọc tạp ký của Nguyên Phan, tôi như bị lôi cuốn theo ngòi bút của ông. Một ngòi bút phù thủy vực dậy từng khoảng đời của bạn bè, từng mảng sống của từng nhân vật ông đã quen , đã gặp. Ông vẽ lại chân dung của mỗi người một cách trung thực, một cách sống động. Ông dùng tình người để hâm nóng yêu thương. Ông vắt cạn con tim để lau khô những nỗi đau mà quê hương gánh nặng.

Ở phần biên khảo, tác giả dùng tài liệu và ý tưởng riêng để bàn luận về các con vật. Mỗi con vật được dùng biểu tượng cho mỗi năm. Như năm dần nói chuyện cọp, năm mão nói chuyện mèo..v..v...Tác giả có công sưu tầm những huyền thoại, những điển tích, những chuyện xưa, những tử vi...cống hiến cho độc giả tài liệu quí hiếm, các giai thoại lý thú, hiếm người biết đến.

Thưa quí vị

Rong Chơi Cõi Vô Thường là một quyển sách hỗn hợp giữa Thơ, Văn và Nhạc. Tác giả phân chia ranh giới rõ ràng: nhạc ra nhạc, thơ ra thơ, văn ra văn. Nhưng theo tôi, sự hỗn hợp này có mật thiết với nhau, có tương quan với nhau, có liên đới với nhau một cách chặt chẽ. Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng, từ khối óc, từ con tim mà tác giả đã ấp ủ, thai nghén, trải nghiệm trong một quá trình lâu dài. Ở đời, không có kết quả nào mà không bị ràng buộc bởi những nguyên nhân. Tác giả và quyển sách cũng vậy. Ngôn ngữ thần kỳ của thơ là khởi hứng tuyệt vời cho một ý nhạc. Và dòng nhạc thênh thang là một yếu tố sáng tạo cho nền văn chương thành hình. Cứ thế nguồn thơ-văn-nhạc quyện lẫn vào nhau như hơi thở. Như sự sống. Như tâm huyết của tác giả.

Và vì thế quyển sách Rong Chơi Cõi Vô Thường là một quyển sách giá trị. Một quyển sách không thể thiếu trong tủ sách của anh em chúng ta.

Xin chúc mừng tác giả và trân trọng giới thiệu đến cùng quí vị. Kính chào.


                                                       PHẠM HỒNG ÂN


                             (ESCONDIDO, 05/09/2014)

.BẢN TÌNH CA CỦA MỘT NGƯỜI LÀM THƠ


  .BẢN TÌNH CA CỦA MỘT NGƯỜI LÀM THƠ
                *PHẠM HỒNG ÂN
  

   Tôi trở lại làm việc cho GA-esi, sau một năm dài ngồi thở dài than vắn. GA-esi sắp tan. Hãng chuẩn bị dọn qua Mississippi, bám víu vô một đơn vị khác để ngáp ngáp. Giống như ngọn đèn leo lét, trước khi tàn lụi, chợt rực lên. Tôi đang gặp giai đoạn này. Trở lại, vì nó rực lên, mặc dù ngắn ngủi.
   Công việc không nặng nhọc, nhưng nhem nhuốc quanh năm. CAP (capacitor) được hệ thống arc-spray phun chì ở hai đầu. Muốn test CAP, tôi phải cơi bỏ mảng bột chì dơ bên ngoài lớp plastic. Đó là lý do tại sao thân thể bị dị ứng và ngứa ngáy khó chịu.
   Người bạn đồng nghiệp Việt Nam duy nhất bên cạnh tôi, là Vĩnh. Anh cũng nắng dãi mưa dầu, hàng ngày bó mình trong lò chì cực nóng. Tai và đầu lúc nào cũng bị tra tấn bởi hàng tỷ tiếng động quái dị, phát ra từ các cỗ máy Impregnation đua nhau xả hết tốc lực.
   Thật ra, nếu chẳng vì Jessica, có thể tôi sẽ không muốn trở lại công việc. Tôi không muốn trở lại nơi chốn người ta đã mạnh dạn từ bỏ tôi, kể cả trong tình yêu, kể cả gia đình. Jessica thu hút mãnh liệt. Nàng như bóng như hình, lượn qua chao lại giữa đời tôi giống cánh hải âu chưa bao giờ rời biển. Đúng 8 giờ sáng, mỗi ngày, khi tôi vừa cầm ly cà phê ngậm ngùi ra tới parking lot, thì chiếc Jeep màu đỏ trờ tới, Jessica khoan thai bước ra, khép nhẹ cửa xe, vuốt mái tóc dài sang một bên, rồi uyển chuyển lướt vào hãng. Ngày, tuần, tháng, năm nào...cũng vậy. Cũng cái jupe ngắn khỏi gối. Cũng cặp đùi trắng muốt. Cũng mái tóc bồng bềnh xõa nhẹ bờ vai. Cũng nụ cười nửa miệng, nhếch môi khinh khỉnh. Bốn mùa trôi qua đều đặn. Xuân mát rượi. Hạ bứt rứt. Thu se sắt. Đông run rẩy. Dù nóng rát thịt hay lạnh thấu xương, nàng vẫn đằm thắm bó mình trong chiếc jupe dễ thương. Chỉ có mỗi ngày mỗi một sắc màu. Nay đỏ. Mai vàng. Mốt tím. Bữa kia xanh..v..v...
   Chuyện tôi si Jessica bắt đầu thấu tai Vĩnh. Cái nhìn đắm đuối mỗi sáng cộng với sự thẩn thờ trong lúc làm việc đã tự tố cáo tôi một cách hiển nhiên. Vĩnh nhất định phản đối tình yêu cuồng dại này.
   - Ông già rồi. Còn xí quách bao nhiêu mà đi yêu một cô gái khêu gợi như vậy?
   Bôi đen hay xúc phạm thần tượng là điều không thể tha thứ. Tôi nhào tới Vĩnh.
   - Tôi khoái ai, yêu ai...là quyền của tôi. Chẳng mắc mớ chi tới cậu?
   Tôi xắn tay áo, bồi thêm.
   - Cái hãng này sẽ như cái đám ma, nếu không có những cô gái "cởi mở" như Jessica.
..........................................................
   Tôi thích Jessica, chẳng phải vì yêu nàng. Cũng chẳng phải vì tấm thân bốc lửa sẵn sàng phực lên thiêu cháy trái tim tôi. Tôi thích nàng vì nàng giống Lụa. Lụa của 40 năm về trước, lúc tôi còn là cậu học sinh chưa nếm mùi đời. Thượng Đế quả trớ trêu. Ngài đã tạo nên Lụa. Ngài còn đem phó bản rải khắp nơi trên trái đất. Rốt cuộc, xa Lụa một thời gian dằng dặc, qua Jessica, kỷ niệm ngày xưa chợt ùa về như dòng lũ ngược. Nếu cởi bỏ chiếc jupe cũn cỡn trên thân thể nuột nà của Jessica, thay vào đó tà áo dài trắng tha thướt học trò...thì chắc chắn phó bản sẽ trở thành chính bản. Jessica sẽ trở thành Lụa. Y hệt. Trăm phần trăm.
   Nhắc Lụa, khung trời Cà Mau như ngả nghiêng trong ký ức tôi. Những con đường chụm lại. Dòng sông trôi giạt đôi bờ. Thành phố khóc mưa chiều. Mái trường trung học vắng bặt tiếng guốc nữ sinh. Chiến tranh bắt đầu tấn công tỉnh lỵ. Tuổi trẻ lội trong khói lửa như cá mắc cạn trong vũng lầy. Trước biến cố thời cuộc, Lụa vẫn vươn lên như mầm cây, mướt xanh và thắm sắc. Những bài thơ của tôi ra đời. Sầu, thương, than, khóc...cộng với khói thuốc và hơi rượu... đã làm đảo điên trái tim mềm yếu của nàng. Bài thơ đầu tiên tặng Lụa được đăng trên báo Phụ Nữ Diễn Đàn. Cả xóm le lưỡi thán phục. Cả trường trung học An Xuyên đi tìm tôi, nhìn mặt. Lúc đầu Lụa mắc cỡ, lên tiếng trách móc, phàn nàn. Sau đó, nàng lén nhìn tôi bằng ánh mắt thiết tha. Và thay vào cái nhếch môi khinh khỉnh năm xưa là nụ cười thầm kín, dường như có chất chứa một hứa hẹn nào đó cho mai sau.   
   Thời gian êm đềm trôi qua, những bài thơ tôi tiếp tục cho Lụa, đăng khắp nơi trên các báo Sài Gòn. Đến một lúc, tình yêu dâng trào, Lụa không thể giấu kín nỗi niềm nữa, nàng bộc lộ bằng cách âu yếm dắt tay tôi về giới thiệu với ông già. Nhà Lụa kín đáo, nằm bên hông rạp chiếu bóng Huỳnh Long, dưới hàng gòn vây quanh sân, che mát mái tôle. Mùa này, cuối năm, trái nứt bụng, lòi bông trắng xóa. Bông gòn theo gió, bay tung tăng trước sân, bay dính vào tóc Lụa, bay xà xuống đôi chân vạn dặm của tôi, và trải dài như hoa tuyết khắp lối đi. Chưa kịp vào nhà, tôi đã thấy một người đàn ông lom khom nhóm lửa trong cái bếp đặt dưới lườn chiếc xe bán mì lưu động. Như hiểu được nỗi băn khoăn của tôi, Lụa nhỏ nhẹ.
   - Ba em đó! Ba em đang chuẩn bị đi bán đêm.
   - Ba em bán mì gõ? Hèn chi tối nào anh cũng nghe tiếng gõ lóc cóc khắp các con đường. Nhiều khi thức khuya học thi, đói bụng, anh cũng kêu mì của ba em. Vậy mà...không biết?
   Lần gặp đó, tôi thất vọng. Ba Lụa cố ý muốn cắt đứt tình cảm của tôi với Lụa, khi biết tôi làm thơ, phung phí tâm hồn.
   - Con kết bạn với thằng này, lâu dần...có nước xách túi đi ăn mày. Thơ với thẩn làm sao kiếm được tiền? Ba thức khuya dậy sớm bán mì  nuôi con ăn học, để rồi...ngó con ôm nhau chết đói hay sao?
   Tôi buồn tình, lủi thủi ra về. Bông gòn vẫn rơi trên lối đi, trắng xóa như tuyết. Tôi tưởng chừng đấy là những đám bông tang, khâm liệm mối tình tôi vào đáy sâu kỷ niệm.
....................................................................................
   40 năm trôi qua như giấc mơ. Kể từ lúc chia tay với Lụa, tôi không có cách nào để gặp lại nàng. Chiến tranh bùng nổ khắp nơi, tôi bị cuốn hút vào vòng binh lửa như một định mệnh an bài. Chiến tranh còn làm thất lạc tất cả. Thất lạc ngay chính tôi. Một người lính làm thơ ngơ ngáo trước trận tiền. Rồi, chiến tranh kết thúc. Kết thúc một cách vội vã, hối hả. Tôi lại thất lạc thêm lần nữa. Một tù binh làm thơ bơ vơ trong ngục tù.
   Tôi nướng rụi tuổi trẻ trong khói lửa và lao lung, cho đến khi tuổi già sắp bộc phát thì mới qua được Mỹ, theo chương trình HO. Chưa kịp định cư yên ổn, tôi đã liên lạc với các đồng hương để tìm tung tích Lụa. Vài ngày sau, tôi nhận được điện thoại của Hiền, một thằng bạn chung lớp thời trung học đệ nhị cấp.
   - Tau tìm ra tung tích của chú Sáu rồi.
   Tôi áp ống nghe vào sát tai. Nhăn mày, ngạc nhiên:
   - Chú Sáu nào?
   Tiếng chửi thề vang lên, nhừa nhựa kéo dài.
   - Đù má. Chú Sáu bán mì gõ ở xóm Huỳnh Long đó!
   - Ô! Ông già của Lụa. Mày gặp Lụa rồi ư?
   - Chưa. Chỉ mới nghe tin. Tau ở Virginia qua Little Saigon có một tuần thôi! Mày muốn gặp chú Sáu, ngày mai lên đây. Tau và mày sẽ đến tiệm mì của ông ta.
   - Hả? Ổng có tiệm mì ở Little Saigon sao?
   - Nghe nói ổng mang cả xe mì gõ qua, lập nên tiệm mì. Làm ăn phát đạt lắm!
   Mặt tôi bỗng nóng phừng lên, hừng hực. Hình như trái tim đang đập mạnh, phình phịch trong ngực.
   - Còn Lụa. Lụa thì sao?
   - Tau chỉ biết tới đó thôi!. Muốn biết thêm, ngày mai lên đây sẽ biết.
.....................................................................
   Buổi sáng, mặt trời vừa hực nắng, tôi đã khăn gói ra xe, trực chỉ hướng Little Saigon. Hôm qua, suốt đêm, tôi không ngủ được. Lâu lâu, cứ ngóc đầu dậy nhìn đồng hồ, rồi nằm xuống lăn qua lộn lại. Tôi trông đêm qua mau, ngày tới lẹ để nhào xuống xe, phóng một mạch rước Hiền, rồi chạy thẳng đến tiệm mì. Hôm qua, hình ảnh Lụa cứ đập vào trí tôi như khúc phim quay ngược. Tà áo dài trắng thướt tha, mái tóc dài lay bay, và đôi chân thon thả vào đời...cứ trăn trở, cứ ray rứt, cứ sống lại trong tôi thời lãng mạn học trò. San Diego cách Santa Ana không xa, khoảng một tiếng đồng hồ sau, tôi có mặt ở Phước Lộc Thọ. Hiền chọn chỗ ngồi ngay cửa trước, nơi quầy cà phê đầu tiên, với cuốn đặc san Cà Mau trước mặt, chờ tôi. Nhận diện Hiền dễ dàng, vì có những dấu hiệu báo trước. Nhưng tôi phải lưỡng lự vài giây, mới định thần nhào tới ôm nó reo mừng. Thằng bạn trẻ trung lém lỉnh ngày xưa, giờ là lão già xuội lơ, lờ rờ như rùa mắc cạn.
   - Lên xe, chạy theo tau. Cứ nhắm Garden Grove tiến tới.
.........................................................................
   Cánh cổng to lớn tự động mở toang, trước mũi xe chú Sáu. Sân thênh thang. Chúng tôi lần lượt đậu xe vào, vẫn còn  khoảng trống dọc ngang chạy mút tới bờ tường. Những tầng lầu chồng lên nhau, tạo nên một biệt thự uy nghi, bề thế. Hàng palm vươn lên, chung quanh. Thân thẳng đứng, biểu hiện cho sự hiên ngang, bất khuất. Tôi chợt nhớ hàng gòn nhà Lụa 40 năm về trước. Trái gòn, cuối năm nứt bụng, rắc bông trắng xóa xuống lối đi. Bông gòn từng được tôi ví như bông tang, khâm liệm mối tình học trò của tôi và Lụa xuống đáy sâu kỷ niệm.
   Chú Sáu mời chúng tôi vào phòng khách. Chú vừa pha cà phê vừa huyên thiên.
   - Ở tiệm mì, nói chuyện với nhau không tiện. Chú muốn mời mấy cháu về nhà, nói chuyện thoải mái hơn.
   Hiền ngó nét tráng lệ xung quanh căn phòng, rồi ngó chú Sáu thán phục.
   - Chú chỉ đem có gánh mì sang Mỹ mà làm ăn phát đạt. Chắc chú có bí quyết chi đó? Truyền lại cho con cháu đi chú!
   - Làm ăn ngon lành, đâu phải chỉ có mình chú? Người ta đã đem món ăn Hà Nội, Huế, Sài Gòn qua cả bên này. Thậm chí họ còn muốn đem cả thành phố Sài Gòn qua luôn. Không tin, mấy cháu chạy tà tà đến phố Bolsa đi! Y hệt như Sài Gòn ngày xưa. Một Sài Gòn trên đất Mỹ.
   Tôi nóng lòng, đứng lên ngồi xuống. Mắt ngó dáo dác, tứ tung. Lúc ngóng lên cầu thang. Lúc nghiêng xuống lối đi. Lúc dò xét các căn phòng. Tôi thất vọng hoàn toàn. Tất cả đều chìm trong im lìm, vắng lặng. Không dấu hiệu nào báo có sự hiện diện của Lụa ở đây.
   Chú Sáu chợt xoay lưng, vỗ nhẹ vào vai tôi.
   - Cháu này ở hẻm Huỳnh Long phải không? Ba cháu tên gì? Coi chú có nhớ ra không?
   Hiền la lên.
   - Cái thằng chuyên làm thơ tán gái. Nổi tiếng khắp xóm Huỳnh Long. Bộ chú không biết sao?
   Chú Sáu buông tách cà phê xuống bàn, kêu "Trời ơi!", rồi choàng tay ôm tôi vào lòng. Nước mắt chú rưng rưng, làm nước mắt tôi cũng rưng rưng.
   - Chú xin lỗi cháu. Ngày xưa, dại quá, chú nói những lời xúc phạm đến cháu. Bây giờ, hối hận lắm!
   Tôi lắc đầu, thân mật nắm chặt tay chú Sáu.
   - Lụa. Lụa vẫn khỏe hả chú?
   Chú Sáu ôm mặt, khóc rống lên.
   - Chú đã mất con Lụa rồi. Mất rồi.
   Mắt tôi bỗng mờ dần. Trần nhà dường như nghiêng ngửa. Tôi nghe rõ từng nhịp tim tôi đập yếu ớt trong lồng ngực.
   - Lụa mất rồi? Mất hồi nào? Trong trường hợp nào vậy chú?
   Chú Sáu dìu tôi ngồi xuống sofa.
   - Nó vẫn còn. Cái xác vẫn còn, Nhưng cái hồn thì thất lạc ở phương nào?
...........................................................................
   - Lụa đấy! Cháu cứ vào, nhỏ nhẹ khơi lại kỷ niệm với nó. Coi nó có nhớ cháu không?
   Tôi sửng sốt ngó người đàn bà mặc áo nâu sòng đang khiếp sợ thét lên, khi tôi tiến đến gần bà. Bà chắp hai tay trước ngực, rạp người xuống, lạy lia lịa.
   - Xin ông tha cho tôi. Tội nghiệp tôi, ông ơi!
   Chú Sáu lẹ làng bước tới.
   - Lụa. Đây là bạn thân của con. Bạn học với con hồi thời trung học. Nhớ không?
   Người đàn bà ngưng lạy, ngước mặt lên, ngó tôi đăm đăm. Một thoáng trôi qua, bà lắc đầu quầy quậy.
   - Bạn hả? Nói dóc. Bạn tui còn ở dưới biển kìa. Bạn tui không về. Bạn tui làm quen với nàng tiên cá.
   Trời ơi! Lụa của tôi đây sao? Lụa dấu yêu ngày nào của tôi đây sao? Một người đàn bà bạc trắng mái đầu, tóc ngắn cũn cỡn, thân xác già nua tiều tụy trong bộ nâu sòng thùng thình thúng thính...mà là Lụa của tôi đây sao? Đâu rồi mái tóc thướt tha xõa xuống bờ vai? Đâu rồi nụ cười nửa miệng, ánh mắt thiết tha gợi tình? Đâu rồi tấm thân kiều diễm, với từng bước chân thon thả đi nhẹ vào đời? Dường như tôi bật khóc. Dường như tôi đang mất đi một điều gì quý báu nhất trên đời?
   Chú Sáu ở sau lưng cứ thúc tôi tiến tới.
   - Cháu đến với nó đi! Dùng tình cảm, nhắc lại mối tình năm xưa của hai đứa, coi nó có hồi phục tâm trí không?
   Tôi dịu dàng nắm nhẹ tay Lụa. Lụa giựt tay lại, lùi mạnh vào vách tường.
   - Lụa còn nhớ bài thơ đầu tiên anh tặng cho em không? Bài thơ đăng trên tuần san Phụ Nữ Diễn Đàn. Chính em đã dẫn một bầy con gái tìm anh, đưa guốc lên xin chữ ký?
   - Thơ? Thơ hả? Thơ Vân Tiên chứ gì? Thơ đó, làm sao có chữ ký. Nói dóc.
   Tôi kiên nhẫn.
   - Bài thơ đó, ngày xưa em thuộc nằm lòng. Bây giờ, anh đọc lại cho em nghe:
              Em từ tiền kiếp về đây
       Bắn anh một mũi tên ngay huyệt tình
              Dù ôm thương tích vô hình
       Ngẩn ngơ suốt cuộc hành trình trăm năm
              Phải chăng em ngọn dao gâm
       Đâm anh những nhát vô tâm trong đời...
   Lụa bỗng ngã lăn ra, cười rũ rượi.
   - Tui ghét vọng cổ lắm. Ông ca dở ẹt. Về nhà ca cho má ông nghe đi!
   Tôi hoàn toàn thất vọng. Ký ức của Lụa, giờ đây, trống rỗng. Thần trí của nàng thất lạc phương nào? Lụa quên mất tất cả những gì trong quá khứ, kể cả mối tình đầu nồng nàn và sâu đậm nhất của chúng tôi.
   Chú Sáu đưa hai tay lên cao, kêu "Trời". Và kéo tôi ra hành lang.
   - Mấy chục năm nay, chú đã đưa nó đi khắp nơi trị bệnh. Từ chùa chiền, nhà thờ, bệnh viện...cho tới bùa, chú, trấn, ếm... đủ kiểu. Hết  thuốc tây tới thuốc bắc, thuốc nam...kể cả thần dược, nan dược. Ai bày chi dùng nấy. Ai chỉ thầy hay...cũng tìm đến. Rốt cuộc, bệnh vẫn hoàn bệnh. Tiền mất tật mang cháu ạ!
   Tôi xót xa, nắm chặt tay chú Sáu.
   - Chú có biết nguyên do nào làm Lụa điên cuồng như vậy?
   - Năm chú vượt biên. Tàu chú chẳng may gặp hải tặc hung dữ. Chúng cưỡng bách và hãm hiếp phụ nữ vô cùng dã man. Lụa, là đứa con gái mới lớn, nên không thể tránh khỏi cảnh thương tâm đó. Nó đau đớn ngất xỉu, và khi tỉnh dậy - nó chợt hóa điên cuồng.
...........................................................................
   Tôi trở về San Diego giống một cái xác không hồn. Hy vọng tìm tung tích Lụa, từ 40 năm nay, thoáng chốc tan thành mây khói. Lụa còn đó như không có. Lụa còn đó, nhưng biến dạng biến hình, chết luôn cả tâm hồn thanh cao mà suốt tháng năm tôi nâng niu, trìu mến.
   Chính bản mất, tôi chỉ còn cơ hội bấu víu vào phó bản. Thượng đế quả tuyệt vời. Chính Ngài đã đem phó bản rải khắp nơi để con người không có quyền tuyệt vọng. Tôi sẽ theo chân Jessica, sẽ làm những vần thơ mượt mà cho nàng. Tôi sẽ dựng lại tình yêu, dựng lại cái đẹp trên cuộc đời đầy thương đau này. Giống như Sài Gòn mất, người ta dựng lại Saigon trên đất Mỹ.
   Ngày mai, tôi vào GA-esi làm việc, tôi sẽ nói với Vĩnh đôi lời. Nếu không có những người làm thơ ca tụng vẻ đẹp trên đời...thì cái hãng này sẽ buồn như đám ma và trần gian này sẽ ảm đạm như cái bãi tha ma khổng lồ.
                                     .PHẠM HỒNG ÂN
                             (Escondido, 09/11/2013)
  
  
  

   

.CHIẾC BÓNG ĐƯỜNG CONG



.CHIẾC BÓNG ĐƯỜNG CONG
(Tặng Lộc, Luận, Cúc, Út, Liêm, Quyên, Tiếng.)

Rụng trong đời chiếc bóng đường cong
Sợi tóc chẻ trái tim thành ký tự
Phố xối nắng nhòa bờ vai mỹ nữ
Sài Gòn chôn cổ tích ngậm trầm hương
Đứng lạc loài giữa ngã ba đường
Bóng tối ngập hàng cây vừa nhú lá
Chưa thiếu nữ em đã sầu tàn tạ
Xé lòng đau từng thương tích trong tim.
Rụng trong đời từng bước chân chim
Trên mái ngói Văn Khoa chiều vắng bạn
Chim khóc chim bởi ổ tình hoạn nạn
Em khóc anh vì  bỏ lớp  ra đi
Cường Để nằm thở khói hàn vi
Ôm chuyến buýt cuối cùng về Tân Định
Bánh xe đạp nghiến vòng quay vô định
Chở thơ đi khập khiểng ngữ ngôn  hề.
Rụng trong đời ý thức ngô nghê
Cắn bánh mì nhai tây phương triết học
Đêm cầm giẻ làm tên bồi nô bộc
Ngày nghiêm trang mượn giọng giáo dạy kèm
Chiếc bóng đường cong ký tự sinh viên
Sài Gòn đứng dầm mưa ôm nỗi nhớ.
                      *PHẠM HỒNG ÂN
                        (18/08/2013)


.BÀI CA VỌNG CỔ ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG


.BÀI CA VỌNG CỔ ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG
                            *Phạm Hồng Ân

I.   Tôi nhớ căn phòng này anh hai tôi nằm. Tấm màn xanh che ngang, phía trong là chiếc giường chị hai tôi, kề cận... để hai vợ chồng có thể trông nom nhau trong những đêm hôm vắng lặng, nơi khu nursing home cổ kính này. Tôi nhớ số phòng, tất cả con số cộng lại bằng con  3. Đây là second floor. Vậy chỉ có phòng 201 hay 210 mà thôi. Phòng 201 tôi đã đến rồi. Đó là phòng có hai ông già Mỹ ốm nhách ốm nhom, vừa thấy tôi bước vô, hai ông đã vội vàng xổ một tràng ho xù xụ để chào mừng. Còn phòng 210 thì là phòng của hai bà già mập ú. Họ cũng giương cặp mắt kèm nhèm ngó tôi trưng trửng, như ngó người hành tinh lạ vừa lạc vào cõi trần ai lai khổ. Tôi gãi đầu, tháo lui, rồi đi ngược ra hành lang, vòng phía cầu thang thoát ra bên ngoài. Đặt đít xuống cái băng gỗ nhơm nhớp cát bụi, tôi kiểm soát lại trí nhớ lem nhem của mình một lần nữa. Một tháng trước, anh chị hai tôi nằm đây. Một tháng sau - thời gian quá dài, bao nhiêu cuộc đổi thay có thể xảy ra? Biết đâu anh hai tôi nhuốm bệnh nặng phải chuyển đi nơi khác? Biết đâu chị hai tôi đã bình phục, trở về với gia đình? Trong lúc tôi đang phân vân với những nghi vấn nặng nề thì có giọng ca vọng cổ mùi mẩn cất lên, làm đầu óc tôi dịu lại và trái tim bắt đầu se thắt.
   " Những thân cây cao là những thân cây chịu nhiều phong ba bão táp, nhưng là những thân cây bám sâu vào đất, bền bỉ trung kiên ngăn gió dữ mưa...cuồng".
   Giọng ca của một chàng thanh niên nào đó, phát ra từ phía sân sau Nursing Home. Giọng ca bất ngờ đã làm tôi xúc động. Không phải vì lời ca hay, cũng không phải vì người ca điêu luyện, mà vì nó kéo tôi trở về một kỷ niệm xót xa, vì bài vọng cổ đó là bài chính tay tôi viết ở trong một trại tù, và chỉ dành riêng cho một người...
   Tôi luống cuống mò xuống sân sau, nơi có bóng mát của những hàng cây phơi lá dưới ánh nắng ban trưa. Cậu thanh niên vừa ca vừa đẩy xe lăn cho một ông cụ đi dạo. Tôi chờ cậu dứt câu, liền đưa hai bàn tay lên vỗ vào nhau liên hồi. Ông cụ cũng mỉm cười, vỗ tay phụ họa.
   - Hay, hay quá! Giọng ca của cậu làm tôi nhớ đến giọng ca Út Trà Ôn ngày trước.
   Cậu thanh niên bẽn lẽn, ngó tôi từ đầu tới chân.
   - Cám ơn chú. Ông cụ thích vọng cổ. Con muốn ca cho ông vui vậy mà...
   Tôi tiến đến xe lăn chào ông cụ và nắm chặt tay cậu thanh niên.
   - Chú thứ sáu. Cứ gọi chú là chú sáu. Chú muốn hỏi cháu bài ca này ở đâu cháu có vậy? Chú không thấy nó xuất hiện trên đài hoặc trên tivi trong nước và ngoài nước bao giờ?
   - Cháu tên Phùng. Làm việc ở đây. Chuyên đẩy các ông cụ bà cụ đi dạo sau giờ cơm. Cháu ca vọng cổ khi nào có ai yêu cầu. Bài ca cháu hát do dượng út của cháu ghi lại. Dượng nói, đó là bài ca "tủ" của người bạn gái vượt biên chung với chú.
   Tôi hồi họp.
   - Người bạn gái vượt biên? Bây giờ cô ta ở đâu? Dượng cháu ở đâu? Họ đang định cư nơi San Diego này?
   - Không. Cô đó cháu không biết ở đâu. Còn Dượng Út đang sinh sống tại Virginia. Năm nay ổng già, về hưu rồi.
   Tôi bám theo Phùng, tiếp tục lần ra manh mối.
   - Dượng út cháu tên gì? Ông ta cũng biết ca vọng cổ?
   - Dượng út tên Hiện. Dượng chỉ là một tay đờn vọng cổ tài tử. Theo ổng kể, tết năm 1976 là cái tết đầu tiên của người Việt nơi xứ Mỹ. Họ buồn nhớ quê hương quá, nên tụ họp với nhau tổ chức đờn ca xướng hát cho vui. Lúc đó, giới nghệ sĩ cải lương không có ai hết. Chỉ có dượng út cháu biết đờn và người bạn gái của dượng biết ca. Thế là họ lên sân khấu diễn bài này. Không ngờ bà con cô bác vỗ tay hoan nghinh quá xá.
   Biết không thể tìm hiểu thêm được điều gì khác. Tôi tỏ vẻ ái mộ dượng út Phùng để xin số phone ông ta. Trước khi từ giã, tôi không quên hỏi thăm về  tình trạng của anh chị hai tôi. Phùng vui vẻ trả lời, hai ông bà đó được mấy đứa con rước về rồi. Họ khỏe lắm.
II.   Lúc tôi mới tập thả ngụm khói thuốc đầu tiên trong đời, thì Kim Xuyến cũng vừa bỏ trò chơi nhảy cò cò với đám con nít chung xóm để bắt đầu ru em bằng những bài bản vọng cổ mùi mẩn. Kim Xuyến có giọng ca trong vắt, như lưỡi dao sắc, cắt nhè nhẹ trái tim người. Nhà Kim Xuyến kế sát nhà tôi, cách nhau bởi một tấm vách lá mong manh, nên trái tim tôi ngập tràn vết cắt. Tuy vậy, cả hai chưa bao giờ tự mở miệng làm quen. Nhưng, từ một thần giao cách cảm nào đó, tôi biết hàng ngày Kim Xuyến âm thầm gửi đến tôi những tình cảm thầm kín qua từng câu vọng cổ bi thương não nuột. Niềm im lặng cứ theo thời gian kéo dài, cho đến một ngày tôi chuẩn bị đi lính, Kim Xuyến mới chận đường, thốt lời thăm hỏi.
   - Nghe nói anh sắp đi lính, vui quá, em muốn đến chia tay với anh.
   Câu nói đầu tiên mà như dao cắt trong lòng. Tôi ngậm ngùi.
   - Đi lính, người ta buồn thấy mồ. Sao cô lại nói vui?
   Kim xuyến bụm mặt, cười khúc khích.
   - Đi lính vui chớ sao buồn? Được đi đây đi đó, biết chỗ này chỗ nọ. Còn hơn là ngồi một chỗ, như em, chán thấy ông bà ông vải!
   - Không sao. Cô muốn vui thì tui vui. Còn bây giờ, cô có nhắn gửi gì không? Sáng sớm, tui sẽ lên xe đi rồi.
   Kim Xuyến mân mê tà áo.
   - Em biết anh làm thơ nhiều lắm. Thơ anh tặng cho cô này cô nọ ở trong trường, ai cũng đồn um lên. Còn em, chẳng bao giờ thích thơ. Em muốn anh tặng em một bài vọng cổ, kỷ niệm. Anh có dám không?
   Kim Xuyến lúng lắng mái tóc dài. Hình như có những sợi tóc thướt tha, theo gió, muốn quấn chặt đời tôi, bắt đầu từ giây phút này.
   - Tội chi mà không dám. Nhưng cô ráng chờ. Tôi sẽ đi tìm thầy học nhịp vọng cổ. Sau khi nhuần nhuyễn, sáng tác tặng cô một bài, khỏe re.
   Bỗng Kim Xuyến nhào tới, vỗ vào vai tôi nghe cái độp, rồi cắm đầu cắm cổ chạy một hơi.
   - Anh nhớ nha! Em chờ bài vọng cổ của anh đó!
III.   Tháng tư năm 1975, quân bắc phương tràn xuống, chiếm trọn miền nam. Những thằng lính còn lại, như tôi, bị đối phương lùa vào các trại tù. Đầu tiên, tôi bị tạm giam ở trại Mỹ Phước Tây. Đó là một đồn lính địa phương quân của Việt Nam Cộng Hòa, quân bắc phương trưng dụng biến thành trại tù một cách công khai. Vì là trại tạm giam nên có cả tù quân sự lẫn hình sự, tù nam lẫn tù nữ. Đêm Mỹ Phước Tây buồn. Chúng tôi ngồi tụ vào nhau hút thuốc, ôn lại kỷ niệm và thầm oán trách cuộc đời. Đêm quá nửa khuya, chúng tôi vẫn chưa ngủ, ly nước trà vẫn chuyền tay nhau, những mẩu tâm sự vụn vặt vẫn tiếp nối trong bóng đen tràn ngập ưu sầu. Bỗng có tiếng ca vọng cổ cất lên, vang vang một cách ai oán. Tiếng ca đào của một thiếu nữ đang ở trại tạm giam? Tiếng ca trong vắt, như lưỡi dao sắc, cắt nhè nhẹ trái tim tù nhân, khiến anh em chúng tôi ngẩn ngơ, nhìn nhau, rối bời cả gan ruột. Tiếng ca réo rắt xoáy vào ký ức tôi, làm tôi choáng váng, ôm ngực. Hình ảnh Kim Xuyến hiện lên, quay cuồng trong trí. Sáu câu vọng cổ nói lên sự tích Bá Nha Tử Kỳ. Phải chăng nàng muốn nhắc nhớ đến tấm chân tình năm xưa, đến lời hứa hẹn ngày trước? Phải chăng nàng đang tìm kiếm, trách móc cố nhân đã nhẫn tâm bội ước, bội thề? Chờ cho đến dứt câu số sáu, tôi đưa hai bàn tay lên miệng làm loa, hướng thẳng về phía tiếng hát, la lớn.
   - Có phải Kim Xuyến vừa hát không? Có phải không?
   Một giọng nói trong trẻo, thân quen, từ phía bên kia vang lên.
   - Ừa. Chính em đây. Còn anh, anh là ai vậy?
   Tôi mừng quá, la lớn hơn.
   - Anh Sáu đây! Em có nhớ không?
   - Trời đất! Làm sao quên được. Anh còn nợ em một bài vọng cổ, phải không?
   - Tối nay anh sẽ thức suốt đêm để sáng tác sáu câu tặng em. Mai này em sẽ ca bài đó lên cho các anh chị em ở đây nghe nha!
   - Anh nói anh nhớ nha! Còn chuyện hát hò là nghề của em. Sẵn sàng.
   - Xuyến ơi! Lý do nào em vào trại giam này vậy?
   - Thì...giống anh. Đi lính.
   - Hả? Đi lính? Đi hồi nào?
   - Em mới vào quân trường. Đang học, họ vô "hốt" không còn một móng.
   - Bây giờ, em ngủ đi. Ngon giấc nha! Sáng mai xuống nhà bếp lấy nước, anh sẽ qua bên đó gặp em.
   - Dạ. Anh cũng ngủ ngon nhá!
   Đêm đó, tôi thức trắng để sáng tác sáu câu vọng cổ theo lời hứa với  Kim Xuyến. Đêm sau, tất cả trại tù đều không ngủ. Họ đốt thuốc, uống trà...ngồi chờ tiếng hát trong vắt, sắc như dao...xuất hiện. Mảnh trăng lưỡi liềm vừa lên đến ngọn tre, tiếng hát Kim Xuyến chợt trỗi lên, cao vút giữa thinh không.
   "...Những thân cây cao là những thân cây chịu nhiều phong ba bão táp, nhưng là những thân cây bám sâu vào đất, bền bỉ trung kiên ngăn gió dữ mưa...cuồng. Trời đất đổi thay vẫn một dạ một lòng. Em muốn đứng ngàn năm nơi góc nhớ, tưởng tiếc từng đồng đội đã ra đi. Nhưng thời gian vẫn là cánh cửa cách ngăn, một ống khóa lạnh lùng và tàn nhẫn. Anh và em hãy cùng phá tung cánh cửa, tháo khóa cách ngăn mới mong nói chuyện xum vầy..."
   Bài ca ẩn giấu niềm yêu nước của chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đựợc tiếng hát mượt mà của Kim Tuyến ngân vang khắp trại tù, làm hừng hực ý chí của hàng trăm tù nhân chính trị. Rồi cũng chẳng bao lâu, tới một ngày, chúng tôi bị "xúc" lên các xe nhà binh, mỗi nhóm mỗi ngã, chia nhau đến những trại tù xa xôi khác. Từ đó, tôi không còn gặp Kim Xuyến nữa.
IV.   Nhờ số điện thoại của Phùng, tôi liên lạc với Hiện một cách dễ dàng. Hiện hứa sẽ chỉ nơi Kim Xuyến trú ngụ, với điều kiện tôi phải qua Virginia chơi một chuyến. Tôi vội vàng thu xếp công việc, chuẩn bị cho cuộc hành trình đầy thú vị của mình.
   Virginia mùa hè, nắng ấm, phố biển như trải tơ vàng. Hiện sống ở Chesapeake, rất gần Virginia Beach. Mùa này, du khách rất đông. Biển luôn náo nhiệt, ồn ào. Nhà Hiện, đúng là nhà của một nghệ sĩ nòi. Xung quanh tường, anh treo đầy các nhạc khí cổ nhạc. Tôi thấy, nào là: đờn nguyệt, đờn nhị, đờn tranh, đờn sến, guitare, violin...Ngoài ra, còn có cả sáo trúc, cây cuỗn (nhạc cụ trong hát bội), tỳ bà...Tôi mãi mê và tò mò táy máy các nhạc khí, suýt chút nữa đụng vào cây đờn bầu đang nằm khép nép một góc trong phòng khách.
   - Anh chơi đờn bầu nữa sao? Tuyệt vậy?
   Hiện kéo ghế cho tôi ngồi, rồi châm hai tách trà thơm phức.
   - Tôi bắt đầu chơi nó vài năm nay. Độc huyền hợp với tuổi già. Nó chậm rãi, sâu lắng và xót xa. Nó dày vò những hoài niệm.
   Tôi nôn nao, tiến sâu vào vấn đề. 38 năm rồi, tôi chưa gặp lại Kim Xuyến. Tôi muốn đối diện nàng ngay, bây giờ, để coi nàng mập hay ốm, tròn hay vuông thế nào?
   - Trễ rồi. Anh làm ơn cho số phone hoặc địa chỉ Kim Xuyến. Tôi phải thăm cô ta ngay.
   Hiện vói tay lên bàn, quơ chai Cordon Bleu xuống, rót đầy hai ly nhỏ.
   - Khoan đã. Làm với tôi vài ly cho ấm bụng, rồi chúng ta cùng đi...
   Tôi cầm ly rượu, ực một hơi.
   - Anh biết nhiều về Kim Xuyến?
   Hiện cầm ly rượu lên, cũng ực một hơi.
   - Kim Xuyến trốn trại ở Mỹ Phước Tây và vượt biên ngay. Chúng tôi cùng chuyến thuyền và may mắn được tàu Mỹ vớt đem thẳng về nước. Tôi và nàng quen nhau vì duyên văn nghệ: Nàng ca, tôi đờn. Thế là chúng tôi gắn bó nhau từ đấy. Bài ca đầu tiên nàng hát ở hải ngoại là bài ca anh sáng tác. Rồi đi đâu, nàng cũng hát bài đó. Nàng hát trong các buổi lễ hội, trong dịp tết, trong các kỳ ra mắt sách, ở khắp nơi - bất cứ nơi nào có cộng đồng người Việt.
   - Nàng chỉ trình diễn có một bài ca tôi sao?
   - Còn nhiều bài ca khác nữa chứ! Nhưng bài ca anh được mở đầu. Vì bài ca anh gợi lại lòng yêu nước của người Việt tỵ nạn. Tôi cũng thuộc lòng. Những đứa cháu tôi cũng thuộc lòng. Có nhiều người thuộc lòng.
   Tôi vội vàng chồm dậy, đi tới đi lui, nóng lòng nhìn đồng hồ.
   - Trễ rồi. Tôi van anh, làm ơn cho gặp cô ta.
   Hiện đứng lên một cách nặng nhọc.
   - OK. Bây giờ chúng ta đi ra biển.
   Tôi trợn mắt, ngạc nhiên.
   - Ra biển? Sao lại ra biển?
   Một dòng nước mắt tự dưng chảy dài xuống má Hiện. Hiện ôm mặt, buồn bã.
   - Thì...thì Kim Xuyến ở biển. Người ta đã đem tro cốt nàng rải ngoài khơi. Nàng...mất rồi.
   Tôi chới với. Dường như gian phòng của Hiện đang nghiêng ngửa, quay cuồng. Dường như hai đầu gối tôi không thể điều khiển được nữa.  Bất ngờ, tôi chợt khụy xuống, một cách yếu ới.
   - Hả? Trời ơi! Kim Xuyến mất rồi sao? Mất hồi nào?
   - Cách đây năm năm. Nàng lâm trọng bệnh...
V.   Tôi và Hiện mướn du thuyền đâm thẳng ra biển. Tôi bảo tài công cứ chạy ra khơi, chạy đến khi nào thành phố Virginia Beach nhỏ lại bằng cái nắm tay. Chiều xuống mịt mùng. Sóng đẩy sóng, trườn lên nhau, vỗ nát mặt biển. Mũi tàu đập sùng sục trong nước. Khí trời như khói như sương bao phủ xung quanh chúng tôi một màn huyền ảo lạ thường. Trong màn huyền ảo mênh mông đó, tôi trườn ra mũi tàu, phình mắt ngó xuống trùng dương thăm thẳm. Bỗng tiếng ca trong vắt vang lên từ đáy sâu. Tiếng ca như lưỡi dao sắc cắt nát trái tim người. Tôi vội vàng đưa hai bàn tay lên miệng làm loa, hướng thẳng về phía tiếng ca, la lớn: KIM.....XUYẾN, KIM...XUYẾN...Cứ thế, tôi tiếp tục  la cho đến khi khàn giọng, tắt tiếng. Phía sau, Hiện đứng sửng như tượng đá, nước mắt rớt như mưa, nhạt nhòa khuôn mặt...
                                                  *PHẠM HỒNG ÂN
                                              (Escondido, 27/03/2013)