Mục Sư PHAN THANH BÌNH
.
TỪ MỘT QUYỂN SÁCH CỦA ÐỨC CHÚA TRỜI.
( Nhân đọc tác phẩm “ NIỀM SUY TƯ ” của Mục Sư PHAN THANH
BÌNH )
Tôi đọc tác phẩm “ Niềm Suy Tư ” của Mục Sư PHAN THANH BÌNH
vào những ngày đầu năm 2000. Lúc loài người trên khắp thế giới đang hân hoan, nô
nức đón chào Thiên Niên Kỷ mới. Lúc người ta túa ra đường. Hòa vào đám đông. Reo hò. Tung
hô. Chúc tụng nhau. Giữa ánh sáng rực rỡ của pháo bông, của tia đèn cực mạnh. Giữa tiếng nhạc, tiếng ca, tiếng cười...suốt sáng thâu đêm. Lúc người ta đã quên đi. Chỉ cách đây vài ngày. Những ngày cuối năm 1999. Người ta còn lục tục kéo nhau đi mua lương khô, tích nước, trữ dầu...Nơm nớp lo sợ năm 2000. Lo sợ vấn đề Y2K. Lo sợ nhân loại bị diệt vong hoặc tận thế, chấm dứt sự sống trên hành tinh
chúng ta?
Tôi không cố ý – cũng chẳng có tài – phê
bình một tác phẩm. Cũng không phải là người điểm sách, đưa đường dẫn lối cho độc giả tìm đến tác phẩm. Tôi chỉ muốn bày tỏ đôi điều, thể hiện sự ngưỡng mộ tác giả, sau khi đọc xong “Niềm Suy Tư” một cách nghiêm
túc.
Thật ra, nhân loại đã có chung một “niềm suy tư”, từ khi loài người có mặt trên trái đất. Con người luôn suy tư về nguồn gốc của mình : từ đâu tới? Và luôn trăn trở : sống để làm gì? Khi chết, sẽ đi về đâu? Suốt 66 chương sách dài trên
280 trang – cám ơn Mục Sư – Ông đã làm được việc đó. Ông đã dẫn dắt tôi đi vào tận cùng cõi sâu thẳm của con người. Bằng lý luận đơn giản, dễ hiểu. Bằng lời văn xúc tích, hàm
chứa lý tình sâu sắc. Bằng hàng loạt dẫn chứng thú vị, từ thời : cổ đến kim, từ chuyện : Tàu sang
Tây..., từ các danh ngôn : Á qua Âu..., từ áng ca dao bất hủ...đến những đoạn thơ trác tuyệt của các thi sĩ nổi tiếng. Ông đã cố gắng giải đáp thỏa đáng các vấn nạn trên, một cách rạch ròi.
Tôi nhớ, Ðại Văn Hào VICTOR HUGO
đã từng nói : “...Và người nào cũng là một quyển sách mà tự tay THƯỢNG ÐẾ đã viết nên” (...Et
tout home est un livre òu DIEU lui-même écrit ). Con người là
quyển sách của THƯỢNG ÐẾ. Ở đó, NGÀI đã viết ra, đã sáng tác, đã sáng tạo, ký gửi, ủy thác...những ước muốn của NGÀI. Hay nói rõ hơn, con người do ÐỨC CHÚA TRỜI tạo ra “...đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng
bò trên mặt đất, và khắp cả đất”. (Sáng Thế Ký 1:26). Ðể chứng minh điều này – ở mỗi chương sách – tác giả cố tình dựng lên hai thực thể con người đối kháng nhau quyết liệt. Con-người-Phàm và con- người-Thánh. Con-người-Phàm là con người tha hóa, chối bỏ cội nguồn. Con-người-Thánh là con người trở lại, xưng tội với CHÚA, làm điều THÁNH, để chuẩn bị đi về cội nguồn Thánh của mình.
Qua 66 chương sách, như qua 66 tấm gương phản chiếu, tác giả muốn ngầm bắt tôi soi nhìn,
soi thấu tâm can...và tự ngắm mình trong đó. Cám ơn Mục Sư. Tôi đã gặp lại bóng dáng tôi :
cả cũ lẫn mới. Cái cũ kiêu kỳ, đáng ghét dường bao! Cái mới lại khép nép, đáng yêu khôn xiết! Cái cũ càng bạo tàn, cái mới càng nhân hậu. Cái cũ càng khổ đau, cái mới càng hạnh phúc. Ðoạn tuyệt cái cũ, bắt đầu từ cái mới. Tức là được “sanh lại”, theo ước muốn của ÐỨC CHÚA TRỜI.
Bình sinh, tôi
rất ít nghiền ngẫm các loại sách triết lý khô khan, hoặc mang màu sắc giáo điều cứng nhắc. Thú vị thay! “Niềm Suy Tư” không thuộc dạng đó. Bút pháp của tác giả đã điêu luyện, đến mức...lôi cuốn tôi ngay từ trang sách đầu đến trang sách cuối. Tôi đã đọc một mạch. Không ngừng nghỉ. Không mệt mỏi.
“Niềm Suy Tư”, quả thật, là một quyển sách quí. Là một tác phẩm dẫn Ðạo, đưa Ðạo vào đời. Vì vậy, sách rất cần thiết cho mọi giới – kể cả những người chưa một lần biết CHÚA.
*PHẠM HỒNG ÂN
(Tháng 1/2000)
No comments:
Post a Comment