BÀI LUẬN VĂN ÐẦU ÐỜI
Bài luận văn tả cảnh " Giờ Ra chơi" của tôi được thầy Chấn đánh giá khá, và
theo thầy, đó là bài mẫu cho toàn lớp học tập. Thầy bắt tôi trịnh trọng đứng lên bục gổ đọc lại nguyên văn, giữa tiếng chặc lưỡi se sẽ chốc chốc lại vang lên từ hàng ghế nữ sinh. Phía dưới Violette Loan mấp máy bờ môi, trầm trồ mỗi chữ. Bên cạnh, Mimosa Sương thả tóc dài xuống trang vở, ghi chép đôi câu. Còn
Pensée Tuyết, nghiêng nghiêng mắt bồ câu, đắm đuối như muốn uống từng âm thanh
"ngổng đực" của tôi. Lời phê bình hào phóng của thầy Chấn :"Năng khiếu viết văn...Tương lai hứa hẹn..." đã đẩy tôi lên cao,
kéo theo hàng loạt tràng pháo tay mềm mại, rộn rã suốt buổi học chiều.
Tan trường, khi đến khúc quanh dẫn qua xóm lao động về nhà, chiếc Mini đỏ của Pensée Tuyết bỗng cúp ngang, chắn lối ngăn đường :
- Làm ơn cho mượn bài văn mẫu nghiên cứu. Mai trả.
Ngày sau, đôi mắt bồ câu nghiêng
nghiêng ấy khéo léo gặp tôi ở quán kem góc phố. Dưới ánh đèn mù mờ, bên giàn dạ lý sực hương, nàng thỏ thẻ oanh vàng :
- Bài luận văn hay ghê !
Em cũng thích văn lắm ! Chúng mình trao đổi nhá?
Chẳng hiểu trao đổi văn chương có làm cuộc sống phong phú chăng? Chỉ biết Pensée và tôi bắt đầu bỏ tiết học, dành thời gian lang thang
vào các công viên, nhà thờ, hoặc góc quán hiu quạnh...Ở đó, nàng nặn óc làm thơ trừu tượng, còn tôi cắm cúi viết văn siêu thực - thứ thơ văn đọc lên rổn rảng như tiếng kêu của các thùng rỗng khi va chạm nhau.
Vài năm đã trôi qua theo
xác ve sầu. Những trừu tượng, siêu thực...đã làm chúng tôi lạc loài trên bước đường văn chương son trẻ. Kết quả - Pensée mếu máo - thi rớt đại học. Tôi ôm chồng bản thảo ra đời, đi năn nỉ khắp các tòa soạn, chẳng có báo nào chịu đăng lấy một bài truyện ngắn.
Lúc Violette
Loan mặc áo kỷ sư, Mimosa Sương trình luận án cử nhân cũng là lúc tuổi đời văn chương của chúng tôi đã độ chín mùi. Pensée và tôi đành thề thốt, ngoéo tay cưới nhau, trân trọng sự đồng cảm của đôi lứa.
Chẳng hiểu văn chương có làm thăng hoa hạnh phúc chăng? Chỉ biết trong tổ ấm lụp xụp - chồng viết văn, vợ làm thơ - đến nỗi...nhẫn, dây chuyền, đồng hồ, sính lễ ngày cưới...dần dà bay vào tiệm cầm đồ. Rồi thời gian sau, tới lượt bàn ghế, nồi niêu soong chảo...cũng theo những gánh ve chai đi tản mát tha phương. Pensée đã hoài công, khi
tẩn mẩn viết từng bài thơ, từng truyện ngắn gửi khắp báo trong nước, kể cả báo tỉnh xa xôi nhất, nhưng nơi nào cũng đều : "CHÂN
THÀNH CÁM ƠN. MONG NHẬN NHỮNG SÁNG TÁC MỚI."
Tội nghiệp, càng ngày
Pensée càng gầy yếu giống que tăm. Nàng bắt đầu nhăn nhó, trách đất than trời. Bắt đầu nằm vùi một chỗ, vắt tay lên trán,
cau có mang tên tôi ra rỉ rả suốt ngày. Và...buổi chiều hôm đó, nàng lồng lộn như thú dữ, xé bỏ tập thơ, tuyên bố dẹp nghề.
Cũng buổi chiều khủng khiếp đó, Pensée hùng dũng kêu bà hàng
xóm đến, "mãi" chiếc giường độc nhất còn lại trong gia đình, lấy vốn sắm gánh bún riêu,
ra ngồi bán ở lề đường.
Trước nỗi chia lìa thi ca
quá đột ngột của vợ, tôi giữ sĩ diện, tiết tháo nho phong. "Kiếp tằm phải nhả tơ". Dòng máu
văn nghệ vẫn hừng hực trong tôi.. Tự ve vuốt bằng cái "gien"
di truyền ba đời gia phả. Tôi ung dung trải chiếu xuống đất, nằm sấp viết văn, quên đi ngày tháng.
Nỗi nghèo, nỗi khó bao vây mỗi ngày. Thiếu cà phê thuốc lá, bộ mặt tôi dài ra,
thiu thỉu, lúc nào cũng ợ ợ, ngáp ngáp. Ðáng kể hơn, cái bao tử lép kẹp luôn bị kiến bò, thường thay cơm bằng vài tô bún
riêu chua lét. Giữa những cái lăng nhăng đời thường như thế, tôi bỗng xoay ra viết về chính mình, miêu
tả thực tế, nêu bật cảnh nghèo còn đang lung lay từng số phận con người. Lần chuyển hướng đó, tác phẩm tôi được báo tỉnh lẻ đăng tải. Mừng húm, tôi vội xách tờ báo chạy một mạch ra gánh bún
riêu, khoái chí chìa trước mặt Pensée. Ðôi mắt bồ câu nghiêng
ngiêng lướt qua, rồi hờ hững ngó xuống tô bún, thầm thì :
- Văn chương anh xuống dốc một cách thảm hại. Truyện đơn giản, tầm thường quá! Họ thiếu bài, đăng lấp chỗ trống đấy!
Tôi cụt hứng buông rơi tờ báo, ngồi bẹp xuống lề đường, buồn hiu ngó dòng xe
cộ đang tấp nập xuôi ngược. Ðôi mắt bồ câu dường như tội nghiệp, nghiêng nghiêng bay xà bên vai tôi, tẩn mẩn kéo từng sợi tóc lấm tấm trên mái đầu rối bù :
- Này theo em
thấy, chỉ có những nhà văn đã chui xuống đáy mồ, người ta mới "lăng xê" cho nổi tiếng, hưởng vinh quang.
Còn anh cặm cụi mãi, chưa đủ tiền uống cà phê hút thuốc lá. Chi bằng dẹp quách nó đi, ra đây phụ bán bún riêu, mỗi ngày kiếm được vài "chịt".
Hôm sau, tôi
tự ái dẹp hết bản thảo, theo nàng đứng lom khom bên lề đường, bưng bún riêu cho
khách. Ôi! nếu có thể ngã lăn, vùi sâu dưới lòng đất, để được nổi tiếng văn chương, vinh quang muôn thuở, tôi cũng sẽ sẵn sàng hy sinh,
cho Pensée bé bỏng dấu yêu, trọn vẹn nụ cười. Nhưng điều chua xót nhất, là tin : truyện ngắn của Mimosa Sương vừa đoạt giải nhất văn chương do một tờ báo thành phố tổ chức, trong đó, phần lớn hư cấu nằm ở bài luận văn "giờ ra chơi" năm xưa của tôi.
PHẠM HỒNG ÂN
No comments:
Post a Comment