.” GIÒNG
ÐỜI ” – BẢN HỢP TẤU LAO LUNG.
*PHẠM HỒNG ÂN
Từ thuở xa xưa, TÌNH YÊU luôn
là đề tài trác tuyệt và vô tận của thi nhân. Cách đây hơn 200 năm, mối tình thơ mộng giữa đại thi hào Nguyễn Du và nữ sĩ Hồ Xuân Hương…đã để lại cho đời một số tuyệt tác đẫm lệ – khiến khi có dịp xem đến, người ta cứ trăn trở bàng hoàng, xót
xa mãi. Vừa qua, tôi có dịp đọc được số tuyệt tác này, do học giả Phạm Trọng Chánh ở Paris dày công sưu tầm. Cũng như đa số các khách thưởng ngoạn khác, tôi đã chìm đắm trong nỗi đau của cổ nhân, thầm tiếc cho mối tình tuyệt đẹp kia không được tròn vẹn.
Bây giờ, đầu thiên niên kỷ mới – năm 2001 – tôi lại được hân hạnh cầm trong tay tập bản thảo Giòng Ðời của Hoàng Linh
Trang. Tác giả cũng là NỮ SĨ. Thi phẩm cũng là THƠ TÌNH. Bằng ngôn ngữ thi ca hiện đại, liệu những cung thương trong Giòng Ðời có đẫm nước mắt, có khổ lụy, trầm luân…chẳng kém tuyệt tác của người xưa chăng ?
Tôi cẩn thận đọc từng trang. Trọn 77 bài. Bài xa
nhất, chị sáng tác từ năm 1968. Bài gần đây nhất, chị vừa viết xong vào 2001.
77 bài thơ xoay quanh những thập niên đáng ghi nhớ trong thế hệ của chị. Hay nói đúng hơn, thế hệ của chúng ta. Một thế hệ lầm than, lao đao bởi chiến tranh, nhục nhã từ cảnh mất nước – rồi…bơ vơ, quay quắt nơi xứ lạ quê người. Trong các thập niên định mệnh đó, thập niên 80 là những năm chị làm thơ nhiều nhất. Có lẽ, đó là thời gian đau thương tột đỉnh trong cuộc tình. Những ngậm đắng nuốt cay. Những vết cắt của kỷ niệm, cứa mạnh vào trái tim
chị, vỡ òa ra thành thơ, chảy tuôn xuống trang giấy…
Thơ chị rất giàu hình ảnh, vững chãi âm điệu, nhịp nhàng từng tiết phách – hòa lại thành một bản hợp tấu : nhảy múa, nhào lộn…và lao lung
theo GIÒNG ÐỜI. Thơ chị là nước mắt, là bi kịch, là nỗi bất hạnh của phụ nữ, là lời tố cáo xã hội, là những hiệu triệu phản kháng, là hành trình giải oan của phái yếu…trước những nghiệt ngã chồng chất của cuộc đời.
Thơ chị có đời sống riêng. Có tấm lòng tử tế, bao dung với nhân loại. Ngoài ngôn ngữ trữ tình, dành riêng
cho người yêu, chị còn ưu ái viết cho đấng sinh thành ( như bài : Kiếp sầu, Thư gửi Ba ), viết cho chị em (như bài : Ngậm ngùi, Thơ gởi chị, Niềm đau gởi chị, Nỗi lòng gởi em), viết cho con thơ (như bài : Khóc con,
Nguồn suối mát, Quà gởi con yêu), viết cho bằng hữu (như bài : Rung cảm, Mười năm tái ngộ). Ðặc biệt, chị đã viết thay cho những người xung
quanh, lân cận (như bài : Dạ hành, Về thăm quê xưa, Xuân đã đi qua, Thơ xuân không gửi vợ hiền). Ðặc biệt hơn, chị đã viết thay cho người lính VNCH – một quân đội bị đọa đày và lầm than nhất trong cuộc chiến giữ nước (như bài : Năm lá thư, Tình khúc cho người nằm xuống).
THƠ TÌNH, tự nó, là những hoài niệm riêng tư. Hay nói đúng hơn, là vết thương lòng – một dấu tích đã từng nhức nhối, quậy xé trong đời mỗi người. Tôi không có ý
chạm đến tâm sự thầm kín này. Hãy để quá khứ nằm yên, và xin
nghiêng mình cảm thông trước nỗi đau của thi nhân. Tôi chỉ muốn dè dặt, nêu lên vài
nét đặc thù ở một ít bài thơ tiêu biểu, chứng tỏ chị có chỗ đứng rất vững vàng trong vị trí thi ca nơi hải ngoại.
Nói về cái GHEN của phụ nữ, người ta thường liên tưởng đến nhân vật Hoạn Thư trong truyện Kiều. Nhưng, cái ghen của Hoạn Thư chỉ là cái ghen của giới bình dân, hạ cấp :
“…Vội vàng xuống lệnh ra uy
Ðứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng…”
(Truyện Kiều)
Cái GHEN của Hoàng Linh
Trang cao hơn, trí tuệ hơn, và cũng không kém phần cay cú, độc đáo :
“…Em muốn tóc anh rối đường ngôi
Áo quần nhầu nát, rách tả tơi
Chân không được phép mang giầy mới
Chỉ đôi dép cũ kia mà thôi…”
(Ghen)
Chị có vài bài
thơ viết về cuộc chiến VN trước 1975, trích trong tập thơ “Những chuyện tình trong cuộc chiến” in năm 1972. Viết về chiến tranh, đa số thi nhân thường viết về người vợ trẻ, tô đậm hình ảnh thiếu nữ gục đầu nức nở trước quan tài chồng phủ lá quốc kỳ. Nữ sĩ Hoàng Linh Trang
lại có nguồn cảm hứng khác hơn, đặc biệt hơn :
“ …Ðây khăn sô mẹ nhờ Nhàn trao lại
Cha con vừa chết cháy hôm qua!…”
Hoặc :
“…Thanh, Mẹ đã cụt tay
Khi đạn bom ai cũng vừa rơi xuống…”
Hay :
“…Thanh, Nhàn đã phụ con
Chạy theo vàng son
Quên lời thề ước!…”
(Năm lá thư)
Tôi vẫn thích nhất những bài thơ nói về quê hương của chị. Ôi, không khí
trong thơ thanh bình, tuyệt diệu biết bao!
“…Như cô lái đò buông
chèo ngồi nghỉ
Chiếc khăn điều theo chiều gió rung rinh…”
(Tôi muốn…)
Hình như, Francois Sagan đã từng viết : “ Mất người yêu thì thê thảm. Nhưng mất quê hương…càng thê thảm hơn nhiều.” Càng thê thảm hơn nữa, khi hàng triệu người VN bỏ nước, đổ xô ra biển đông. Họ đánh đổi tất cả để tìm kiếm tự do. Họ mất tất cả. Thậm chí những hình ảnh êm đềm, giản dị ngày nào – nay
chỉ như khói sương trong hồi ức, trong trí nhớ xa xôi : “…Gập ghềnh cầu gỗ qua sông nhỏ
Thấp thoáng thuyền ai nép mái dừa…”
(Hoài hương)
Và :
“…Mong một ngày về thăm quê ngoại
Ăn bữa cơm ngon với mắm đồng
Cá rô vàng óng trong chum nhỏ
Ngoại chắt chiu nhiều theo tháng năm…”
(Hương quê)
Tuy nhiên, đọc xong tập GIÒNG ÐỜI, khép lại các trang sách,
tôi vẫn còn băn khoăn, thắc mắc với tác giả một điểm nhỏ. Về phương diện niềm tin, tác giả thuộc tôn giáo nào?
Tôi cứ đinh ninh Nữ Sĩ Hoàng Linh Trang
có đạo CHÚA, khi đọc nhiều dòng thơ như sau :
“…Chiều hôm nay một mình em đi lễ
Chuông thánh đường ngân vang lời ca…”
Hay :
“…Yêu
người thật đầy trong tình CHÚA ban…”
(Nghẹn ngào)
Hoặc :
“…Anh vẫn nhớ rằng có CHÚA trong
tôi…”
(Tình xa)
Nhưng, cũng trong GIÒNG ÐỜI, tôi lại bắt gặp cả ‘Phật pháp” lẫn “mõ kinh” trong
đó :
“…Trong khoảnh khắc nếu mà ta chết được
Mõ kinh ơi! Ðừng tụng niệm đêm ngày
Trên bia đá đừng ghi tên tôi nữa
Vỏn vẹn đề : “ân xá lẫn từ bi!”…”
(Ao ước)
Lắm lúc, lại có luôn “thuyết Vô Vi” của Lão Tử :
“…Trên trái đất cũng không còn “hơn, thiệt”
Tất cả đều đồng nghĩa với “vô vi”…”
(Ao ước)
Có lẽ, giữa GIÒNG ÐỜI đầy sóng gió, lắm khi chị đuối sức, tuyệt vọng trước định mệnh phũ phàng. Nên thi
nhân đã chụp lấy Tôn Giáo như chiếc phao cấp cứu. Tiếng gọi CHÚA, gọi PHẬT, hay gọi một HOÀNG THIÊN nào
đó…là tiếng gọi cầu cứu của con người, trước hố thẳm tuyệt vọng ?
Nói chung, ai
trong chúng ta cũng đều nổi trôi theo GIÒNG ÐỜI. Có người bị GIÒNG ÐỜI nhận chìm tận đáy sâu. Có người ngụp lặn đến tả tơi, đảo điên trong cuộc sống. Nữ sĩ Hoàng Linh Trang
cũng không thoát khỏi định mệnh oái oăm này. Có điều, chị đã biết tìm đến THƠ, mượn vần điệu, để bày tỏ nỗi đau của chính mình.
Mỗi bài thơ trong GIÒNG ÐỜI là mỗi cung thương bi thống. Tất cả nối kết nhau một cách hài hòa,
làm thành bản hợp tấu tuyệt diệu. Ðó là bản hợp tấu lao lung và đầy nước mắt.
*PHẠM HỒNG ÂN