CỬA
VÀO
CHUYỆN CHƯA AI BIẾT được hình thành ngay thời điểm cả thế giới
đang lâm vào trận dịch Covid-19 rất nguy nan. Khi tôi viết dòng này, thế giới
đã có 2.593.129 người nhiễm bệnh, trong đó có 179.725 người tử vong. Riêng Hoa
Kỳ, nơi tôi đang định cư, người nhiễm bệnh đã lên tới con số đáng kinh ngạc:
826.184. Và số tử vong là 45.150 người. Những con số này mỗi ngày một tăng,
người ta không biết chừng nào nó mới dừng lại.
CHUYỆN CHƯA AI BIẾT lọt vào ổ dịch, phải nói là đại dịch, lần đầu
tiên xuất hiện trong cuộc đời tôi. Tác phẩm như con người, sẽ chết đi, hoặc èo
uột, hoặc sống trong sự nghi kỵ, thờ ơ, bạc đãi của xã hội.
Covid-19 là loại virus bé nhỏ,
bé nhỏ đến độ mắt thường không hề thấy, thế mà nó làm cả hành tinh rúng động,
làm đảo lộn mọi trật tự cuộc sống, gieo kinh hoàng sợ hãi cho nhân loại, đem
tang thương khắp nơi trên địa cầu. Kết cuộc, nhìn lại, chúng ta chỉ là hạt bụi,
là một ngụm khói hư không.
Tác phẩm cũng vậy, nó chỉ là
thứ ngôn ngữ vô tri, thứ giấy lộn làm đầy thêm rác rến. Nó chẳng giúp ích được
con người, khi hàng ngày thế giới càng tiến đến sự diệt vong. Nhưng điều lạ kỳ,
trong lúc tác phẩm hiếm người đọc, người sáng tác càng lúc càng đông. Tác phẩm
tràn ngập, người đọc không có. Liệu họ có thể vừa là bạn viết, vừa là bạn đọc
với nhau không? Hay họ cứ viết thả giàn. Hay họ chọn lựa để đọc? Những cây viết
tên tuổi đã già nua, đã xuống mồ, được số đông thời trước tán tụng. Thời sau,
vẫn rập khuôn, cuồng mộ đến đỗi chỉ biết có họ, chỉ ngần ấy tác phẩm, quanh đi
quẩn lại. Chiến tranh Việt Nam đã làm đau khổ cả một dân tộc. Những cây viết
khói lửa xuất thân từ gốc lính, mấy mươi năm qua để lại một kho tàng văn
chương. Trong đó, biết bao ngôn ngữ được tẩm bọc bằng nước mắt, máu hồng và cái
chết. Họ viết bằng tâm hồn, bằng trái tim, bằng ngục tù và bằng chính thân xác.
Ngày nay, Covid-19 sẽ cho ra đời những người viết mới. Những người viết xuất
thân từ bác sĩ, y tá, linh mục, tu sĩ, cảnh sát, nhân công nhà quàn...hoặc bệnh
nhân, người chứng...hoặc người đang cách ly, ngày đêm nhìn ngắm lại mình, suy nghiệm
về cuộc đời ngắn ngủi.
Khoa học tiến bộ đã từng thám hiểm mặt trăng, hỏa
tinh...Các
cường quốc đã từng chế tạo ra
hỏa tiễn phóng xa vạn dặm, san bằng mọi chướng ngại, và giết người hàng loạt
trong chớp mắt. Họ dùng khí giới tối tân tranh giành nhau từng: biển, đảo, biên
giới, đất đai...Thời Covid-19, họ đẻ ra những cái xấu khác: giấu diếm, lường
gạt, chia rẽ, gian dối, tố cáo lẫn nhau...
Nhưng tất cả những tham vọng,
những chiến thắng điêu ngoa đó, so với sức tàn phá vĩ đại của con virus bé nhỏ
Corona, chỉ là một con số không to tướng.
Rồi đây, trận dịch sẽ qua,
Covid-19 sẽ đi vào bóng tối lịch sử. Liệu đời sống nhân loại có trở lại bình
thường không? Liệu chúng ta có còn những buổi họp mặt thương yêu và đông đúc
như ngày xưa không? Liệu chúng ta có dám lịch sự bắt tay, ôm nhau thân mật xã
giao như trước không? Liệu tình yêu có nồng nàn, có dễ dàng chìm đắm trong nụ
hôn mềm mại đã có, từ thuở ban đầu không? Liệu cái mặt nạ có rơi xuống, hay vẫn
nằm kỳ quái trên khuôn mặt mỗi người? Tất cả chúng ta đều không biết và chưa
chắc...điều gì sẽ xảy ra?
CHUYỆN CHƯA AI BIẾT vẫn chưa
ai biết. Nhưng có điều chắc chắn chúng ta đã biết. Chính là sự đoàn kết và hiểu
sâu được từng suy nghĩ và tình cảm của từng người thân trong một mái ấm. Thời
gian đóng cửa, ai cũng đều trở về gia đình. Ai cũng sống bên nhau, với các bữa
cơm đoàn tụ. Chắc chắn sẽ có không ít những con tim, những tâm hồn nhất quán.
Họ cúi đầu suy nghiệm cuộc sống. Họ viết nhiều điều họ biết. Họ nghĩ nhiều cái
họ nghĩ.
Thời đại Corona thế nào cũng
có tác phẩm giá trị. Vì đó là kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm chết mà các
tác giả là bác sĩ, y tá, linh mục, cảnh sát, thợ đóng hòm, công nhân nhà
quàn...hoặc chính bệnh nhân, nạn nhân...đã từng sống lại từ cõi chết.
Và CHUYỆN CHƯA AI BIẾT sẽ có
nhiều người biết.
PHẠM HỒNG ÂN
(Viết trong cơn
đại dịch, 22/04/2020)
No comments:
Post a Comment