.LÁC ĐÁC XUÂN RƠI
Tôi
ngồi bất động trong phòng sinh hoạt, rướn cổ nhìn ra con đường. Mưa lất phất, lất
phất. Những giọt mưa gõ nhẹ vào kính cửa kêu coong coong, coong coong. Mưa nhểu
xuống kính, chảy dài, ràn rụa như giọt nước mắt của tên lão già thất tình. Mưa
mịt mù, âm u, nhầy nhụa, tan hoang...nhưng không thể xóa nhòa con đường, nơi có
hàng cây xanh mướt đang lấm tấm hoa vàng, nơi Loan thường thả bộ đến đây mỗi
ngày để chăm sóc cho tôi, trong cái viện dưỡng lão rộng lớn này. Ngày nào cũng
vậy, cứ đúng giờ, tôi cố gắng lê tấm thân tàn ra cửa, chống gậy đứng trông
nàng. Trông cho đến khi mái tóc dài của Loan lúng lắng ở đầu đường, cho đến khi
tấm thân kiều diễm của nàng thoăn thoắt dưới hàng cây, tôi mới vội vàng lê tấm
thân tàn vào phòng sinh hoạt, giả vờ lơ đãng nhìn mấy bức tranh trời ơi đất hỡi
treo ngang dọc trên tường. Lần nào cũng vậy, Loan cẩn thận choàng qua vai tôi,
dìu tôi trở lại căn phòng.
-
Chú ơi! Sao chú không ngồi trong phòng chờ cháu? Sao chú lại chống gậy ra đây?
Rủi té rồi làm sao? Nguy hiểm lắm chú ơi!
Cánh
tay ấm áp của nàng làm lòng tôi nóng hực lên. Tiếng nói êm ái của nàng làm trái
tim tôi nở rộng, các mạch máu bỗng căng lên như sợi dây đàn. Tự dưng hạnh phúc ở
đâu ùa về, dù trong chốc lát, dù nó như ngọn lửa của một que diêm, bùng lên, rồi
tắt ngấm.
-
Chú ra ngắm mấy bức tranh. Ai vẽ? đẹp quá!
Loan
buông tôi ra. Nàng lẹ làng bày lên bàn ly cà phê sữa, bánh cuốn Tây Hồ và một
ly trà vàng ánh.
-
Chú vừa uống cà phê, vừa ăn bánh cuốn nha! Bánh cuốn mua tại lò đấy! Còn nóng hổi.
-
Ngày nào Loan cũng mua thức ăn như thế này. Chồng chất mãi, tiền đâu, chú trả nợ?
Loan
ngó tôi, đôi mắt lá răm chớp chớp, thoáng chốc như một thứ bùa thiêng, mê hoặc
tâm thần tôi.
-
Chú yên tâm. Không thể trả nợ cho cháu bằng tiền...thì...chú trả bằng cái khác.
Tôi
nhắm mắt mơ màng. Mùi hương từ thân thể Loan bay ra thơm ngát. Tôi ngất ngây,
ngất ngây, muốn lịm xuống chân nàng. Cô bé lạ thật! Nàng muốn tôi trả nợ bằng
thứ khác. Bằng thứ gì? Có phải là tình yêu không? Mà tình yêu chi kỳ cục vậy? Một
lão già gần đất xa trời. Một thiếu nữ mới lớn, chưa một lần bước chân vào đời.
-
Loan ơi! Chú hỏi thật, cháu đã từng yêu người nào chưa?
Cô
gái đỏ mặt. Nàng bẽn lẽn cúi xuống dĩa bánh cuốn.
-
Cháu cũng hỏi chú thật, có phải đêm nào cứ trằn trọc nhớ về một người, ngày nào
cũng muốn gặp người ta. Như vậy, có phải mình đã bắt đầu yêu không chú?
Tôi
sung sướng tột cùng. Tại sao nàng cũng có ý nghĩ như tôi? Tại sao chúng tôi
cùng một tâm trạng với nhau?
-
Đúng là yêu rồi. Nhưng người ta có hiểu cháu không? Có đáp lại tấm chân tình của
cháu không?
Loan
cầm đũa gắp thức ăn, nhẹ nhàng đưa lên môi tôi.
-
Chắc chắn người ta sẽ hiểu, không muộn lắm đâu! Bây giờ, hai đứa chỉ là bạn
thôi!
Tôi
miên man trong giấc mơ mình. Dệt cho mình giấc mơ để sống, để vượt qua bệnh tật,
thiển nghĩ, là một ý chí đáng tự hào. Tôi mông lung nhớ về quá khứ. Thứ quá khứ
của chiếc lá mong manh, lãng đãng bay giữa giòng đời. Thứ quá khứ luôn luôn mất
đi, lẽ ra phải được thừa hưởng, mơn trớn. Quá khứ tiêu tan. Tương lai tàn khốc.
Chỉ còn hiện tại vuốt ve. Tại sao tôi không tiếp tục dưỡng nuôi, trang điểm,
làm đẹp cho đời sống cuối cùng?
-
Loan ơi! Cháu có biết tuổi người ta chưa? Yêu nhau, nhưng phải hợp tuổi với
nhau nha!
Loan
cúi mặt sát vai tôi, cố gắng cài lại chiếc nút đã bật tung khỏi khuy áo của
tôi. Khuy áo chật. Nàng loay hoay một cách vất vả, khiến vòm áo của Loan hở
toang, để lộ vành ngực trắng nõn trước mặt tôi. Tôi cố nhè nhẹ nhắm mắt lại,
khoan khoái xua đi cái cảm giác kỳ lạ đang xâm chiếm tâm hồn.
-
Thời đại này, người ta quan niệm thoáng lắm chú ơi! Khi hợp nhau, yêu nhau thì
đến với nhau. Tuổi tác không quan trọng.
Tôi
lờ mờ với giấc mơ của mình. Tôi băn khoăn với thứ tình cảm Loan dành cho tôi.
Thứ tình cảm vì lòng nhân ái, vì tình yêu hay vì một khao khát nào khác.
-
Cháu Loan! Chú hỏi thật. Lý do nào cháu đến đây mỗi ngày, chăm sóc chú như một
người thân. Cháu lại bỏ tiền bạc ra mua thức ăn cho chú, khiến chú áy náy quá!
-
Chú ơi! Đừng để ý cho mệt. Cháu đến với chú chỉ vì lòng nhân. Chỉ vì thương chú
- một nghệ sĩ sống trong bóng tối.
Tôi
xúc động.
-
Cháu cũng biết chú là một nghệ sĩ sống trong bóng tối nữa sao?
Loan
đứng lên.
-
Bây giờ cháu phải đến trường. Hẹn chú ngày mai. Cẩn thận, đừng đi đâu một mình
nha chú!
-
Khoan, cho chú hỏi.
Đôi
mắt lá răm lại chớp chớp.
-
Hỏi chi chú?
Tôi
cố gắng đưa bàn tay nặng nề lên, định vỗ vai Loan. Ôi! Bàn tay khô khan, gầy yếu
và đầy những nếp nhăn già cỗi. Nhưng vô vọng, tôi càng cố, bàn tay càng chùng
xuống, đau nhói từng khớp xương. Thất vọng, tôi giả vờ vui vẻ.
-
Lúc nãy, cháu bảo, nếu chú không tiền trả nợ...thì...trả bằng cái khác. Chú
không hiểu, cái khác là cái gì vậy cháu?
Loan
lặng lẽ vuốt mái tóc dài sang một bên, rồi bụm miệng cười khúc khích.
-
Mai nha! Mai cháu sẽ giải thích cái khác là cái gì? Còn tối nay, chú phải ngủ
ngon giấc đấy!
Đợi
Loan đi một lát, tôi mới lê tấm thân tàn ra phòng sinh hoạt. Qua tấm cửa kính
trong suốt, tôi ngó tấm thân kiều diễm của Loan thoăn thoắt dưới hàng cây. Tôi
ngó cho đến khi bóng Loan mất hút ở đầu đường, cho đến khi mái tóc của Loan chỉ
là một dấu chấm nhỏ, tựa giọt sương, tan biến vào hư không.
Đêm
quá khuya, tôi vẫn không ngủ được, mặc dù cô y tá vừa chích cho tôi một liều
thuốc an thần. Không ngủ được, tôi lấy thơ ra đọc. Những bài thơ tình khẳng
khiu như cuộc đời mình. Mấy chục năm làm thơ, cũng chẳng được gì? Người ta sống
bầy đàn, nên làm thơ cũng bầy đàn. Người ta đua nhau tôn vinh, choàng hoa cho
những "nhà thơ" của họ. Mấy ai cô đơn mà cất lên được tiếng nói của
mình? Mấy ai lẻ loi mà được thiên hạ bênh vực? Loan nói đúng, tôi là một nghệ
sĩ sống trong bóng tối. Mấy chục năm sống trong bóng tối, nên thèm khát ánh
sáng, dù là một chút ánh sáng nhỏ nhoi và mỏng mảnh.
Sáng
nay, tôi vẫn cố lê tấm thân tàn ra phòng sinh hoạt. Tới cửa, tôi đứng thở dốc một
lát, rồi tiếp tục lê ra sân viện. Tôi tựa cây gậy vô hàng rào, hai tay gắng sức
bám chấn song, rướn cổ ngó ngược con đường.
Tôi lo Loan sẽ không đến, sẽ không bao
giờ đến. Khi biết được lão già nàng thương xót chỉ là một lão thất tình, dám dệt
mộng với một cô gái mới lớn, tuổi chưa bằng đứa cháu nội út của mình. Nhưng
cũng có thể nàng đến, vì nàng nhân ái trong sạch như khối pha lê. Vì nàng
thương một nghệ sĩ bất hạnh, suốt đời sống trong bóng tối cô đơn. Cuối cùng,
Loan đến thật. Dưới hàng cây lấm tấm hoa vàng, nàng tung tăng như một tiên nữ,
mang ân huệ đến lão già khốn nạn.
-
Hôm nay có bánh tầm xíu mại. Món này ở miền nam. Chắc chú thích lắm!
Tôi
thở dài, uể oải ngó dĩa thức ăn trước mặt.
-
Cháu ăn giùm chú đi! Tự dưng, chú cảm thấy no hơi.
Đôi
mắt lá răm, có cái đuôi cong vút, chăm chăm ngó tôi.
-
Vậy chú đau dạ dày rồi. Cháu gọi y tá, xin thuốc chú uống.
-
Thuốc đó chú có rồi, khỏi xin. Chắc không phải dạ dày đâu. Bệnh khác.
Đôi
mắt lá răm lại tròn xoe, cong vút.
-
Bệnh khác? Bệnh khác là bệnh gì?
Tôi
định nghiêng vai nắm tay Loan, nhè nhẹ, tỏ vẻ thân thiện. Nhưng cái tay chết tiệt
này vẫn trơ trơ như que củi. Nó như một bộ phận rời, không liên can gì đến thân
thể, đến não bộ của tôi. Thôi đành sử dụng tiếng nói. Một cách ngượng nghịu.
-
Bệnh mơ tưởng.
Loan
lắc nhẹ mái tóc dài, rùng mình, ngạc nhiên.
-
Trời ơi! mơ tưởng? Giờ này chú còn mơ tưởng ai? A! Cháu biết rồi. Chú mơ tưởng
một nàng thơ để làm thơ, phải không?
Tôi
giật thót. Chưa chi nàng đã biết rõ tim gan của mình. Như thế, còn chần chờ gì
nữa, tôi phơi bày luôn.
-
Cháu cứ mua thức ăn hoài. Chú than không tiền trả nợ. Cháu cho chú trả bằng thứ
khác. Vậy, thứ đó có phải là...là...
Chợt
Loan bụm miệng, cười khúc khích.
-
Là..là thơ đấy! Cháu lấy thơ trừ nợ. Chú chịu không?
Tôi
tiu nghỉu.
-
Thơ? Thơ hả? Chú tặng cho cháu đấy! Toàn bộ tác phẩm của chú, giao hết.
Loan
lại cười khúc khích.
-
Cháu chỉ xin vài bài thơ hợp với cháu. Biết đâu trong tương lai, giữa tiệc cưới,
cháu sẽ đọc cho người yêu thưởng thức.
Loan
nhắm mắt mơ màng, rồi ngã tấm thân kiều diễm lên chiếc ghế.
-
Cháu nghe người ta nói, chú chuyên làm thơ tình. Toàn bộ tác phẩm của chú là
thơ tình. Hỏi thật, Chú là con cái Chúa, vậy chú có bao giờ làm thơ ca tụng Chúa?
Còn nữa, chú vốn là người lính Cộng Hòa, tại sao chú không bao giờ làm thơ đấu
tranh, chống lại chế độ cộng sản đang dày xéo quê hương?
Tôi
bàng hoàng. Không ngờ một cô gái mới lớn, học trường Mỹ, sống trên đất Mỹ, mà
có cái nhìn thâm sâu và to tát như vậy!
-
Cháu ơi! Cháu đặt vấn đề lớn quá, nhưng chú cũng cố gắng để trả lời những câu hỏi
của cháu.
Loan
nâng cốc cà phê cho tôi nhấp một ngụm. Hương vị cà phê thơm ngon ngấm dần vào
mũi, vào lưỡi, khiến ý chí bốc lên, suy nghĩ ào ạt tuôn ra như dòng chảy của
tâm hồn.
-
Cháu biết. Chúa tạo ra vạn vật, muôn loài. Chúa điểm tô vẻ đẹp trần gian. Chúa
ban tặng nguồn lương thực vô biên cho con người. Chúa muốn chúng ta sống hạnh
phúc, yêu thương nhau, và biến mặt đất này thành vườn địa đàng. Chú làm thơ tình,
mục đích ngợi ca những điều tốt đẹp đó, tức ngợi ca sự sáng tạo của Chúa, tức
là ngợi ca Chúa. Cháu không hiểu hay sao?
Tôi
ngó thẳng vào mắt Loan dò xét. Mơ hồ, trong đốm lửa đa tình đó, tôi thấy có nụ
cười. Một nụ cười từng giết chết đời tôi ở tuổi thanh niên lãng mạn.
-
Chú ơi! Chú hay lắm! Cháu rất khâm phục. Tiếp đi! Những bài thơ đấu tranh đâu?
Quê hương mình đang cần loại thơ này.
-
Chú đã và đang làm thơ đấu tranh đó chứ! Cháu ơi! Người ta thường lấy sắt để chọi
sắt, lấy thù để trả thù. Chú khác họ, chú dùng nước để làm mòn đá, dùng tình để
chinh phục lòng dạ con người. Cháu biết, khi thế giới sống trong yêu thương, tức
khắc chiến tranh và hận thù sẽ biến mất. Nó không còn nơi chốn để dung thân.
Bất
chợt, Loan nhào đến, quàng tay qua vai tôi, siết chặt.
-
Chú ơi! Chú tuyệt vời quá! Ý nghĩ này không ai sánh kịp. Ôi! Trong tương lai,
cháu hy vọng tìm được tấm chồng giống chú. Biết làm thơ, thông minh và khác người.
Suốt
đời tôi, chưa có thứ hạnh phúc nào mãnh liệt như vậy. Dù nó chỉ lóe lên giây
phút, rồi tắt ngúm như một que diêm. Tôi muốn chìm ngập trong nó. Hay nó chìm
ngập trong tôi. Một cách tạm bợ. Nhưng cuối cùng, tôi cũng đau khổ thốt lên, giọng
đầy chua xót.
-
Cháu ơi! Hãy trở về thực tế. Đừng mơ mộng, lãng mạn. Lấy chồng như chú chỉ khổ
tấm thân. Vì chú là gánh nặng, là cái nợ cho gia đình. Thơ không hái ra tiền,
không bao giờ biến thành lương thực để sinh sống.
Loan
vẫn ôm vai tôi, vỗ về.
-
Chú ơi! Ngôi sao sáng nhất là ngôi sao nằm trong vùng trời tối đen nhất. Chú có
cảm nhận như vậy không?
Tôi
dùng cánh tay còn lại, cố đưa lên, ôm đầu. Tôi đang mơ mơ màng màng trên vũng
sáng hạnh phúc. Hay đang lặn ngụp trong hố thẳm địa ngục? Nơi đó, chỉ có tôi và
Loan. Một lão già gần đất xa trời. Và một thiếu nữ mới lớn, chưa một lần bước
chân vào đời.
-
Chú ơi! Nếu một hôm nào đó, cháu không đến trò chuyện với chú nữa. Chú có buồn
không chú?
Tôi
giật mình, tỉnh giấc. Lời nói tuy êm dịu, nhưng có sức mạnh vô hình, làm lung
lay đời sống tôi. Nước mắt bỗng dưng trào ra, rơm rớm.
-
Buồn chứ! Buồn như xé ruột xé gan, cháu ạ! Vì lúc đó, chú sẽ cô đơn. Thật sự cô
đơn.
Tôi
gục đầu xuống, che vội đôi mắt, rồi sướt mướt.
-
Bộ cháu định bỏ chú thật sao?
-
Không, cháu chỉ ví dụ thôi! Làm sao bỏ chú được?
Buổi
trưa đến vội. Tiếng dương cầm của ai thánh thót ngoài hiên, nghe lâng lâng, xúc
cảm. Loan ra về trong tiếng nỉ non ấy, trong hương vị hạnh phúc còn thoang
thoáng quanh đây, nơi căn phòng tù ngục, nhưng tràn ngập kỷ niệm, với nàng. Lướt
theo tiếng dương cầm là tiếng gậy của tôi kéo lê tấm thân tàn. Tôi cố quờ quạng
ra con đường, cố ngó hình bóng kiều diễm của Loan thoăn thoắt dưới hàng cây,
cho đến khi mái tóc chỉ còn là cái chấm nhỏ, tan biến giữa mênh mông.
Ngày
hôm sau, lời ví dụ của Loan đã thành sự thật. Nàng biệt tăm, không đến. Rồi một
tuần, hai tuần...đến tháng trôi qua...Loan vẫn mất hút, chẳng có tin tức nào của
nàng. Tôi chống gậy, lê tấm thân tàn lên văn phòng, hỏi thăm ban điều hành viện.
Không ai biết nàng. Chỉ có một ông Mỹ già ngó tôi chăm chăm. Chính ông gây ra
điều đó. Chính ông là người biết, tại sao nàng lặng lẽ bỏ đi?
Ngày
qua ngày, sáng nào cũng vậy, tôi mò mẫm ra sân viện thật sớm, lúc bình minh
chưa thật sự hừng lên trên con đường này. Như thường lệ, tôi ngồi thở dốc thật
lâu trên chiếc ghế đá gần cổng. Rồi cố gượng dậy, lê tấm thân tàn ra sát hàng
rào. Tôi tựa cây gậy lên thanh sắt, hai tay gắng sức bám chấn song, rướn cổ ngó
ngược con đường. Tôi hy vọng những cái chấm mênh mông ngoài đó, chắc chắn sẽ có
một cái chấm di động về hướng này. Chắc chắn sẽ là một mái tóc dài. Chắc chắn sẽ
là tấm thân kiều diễm của Loan, thoăn thoắt trên con đường, dẫn vào sân viện.
Nhưng lần nào, tôi cũng thất vọng. Không có cái chấm nào hiện thân là Loan.
Không có cái chấm nào đến đây, thăm một lão già thất tình.
Cho
tới một hôm, tôi nghe tiếng con gái tôi vang vang trong phòng sinh hoạt. Tôi vội
chống gậy, lê tấm thân tàn ra đó. Qua tấm kính trong suốt, tôi giật mình khi thấy
Loan đang ngồi đối thoại với con gái tôi. Lạ quá, tôi núp vào bức phông phía
sau, tò mò lắng nghe câu chuyện.
-
Em hãy tiếp tục giúp giùm chị. Kỳ này, chị sẽ trả em gấp đôi.
Tiếng Loan dịu dàng.
-
Lúc này, em phải đến trường chị ạ! Năm cuối, bận lắm, không có thời gian giúp
chị đâu!
-
Buổi sáng, em chỉ đến cho ông cụ điểm tâm và trò chuyện vài tiếng. Lương vậy,
không xứng đáng với công em sao?
Loan
vẫn dịu dàng.
-
Chị thông cảm. Năm nay, em vừa học, thi ra trường. Vừa chuẩn bị cho đám cưới tụi
em.
Tôi
lảo đảo, muốn té. Tôi cố gắng níu bức phông lấy thăng bằng, chống gậy lê tấm
thân tàn, trở về căn phòng. Tôi lết tới đầu giường, kéo ra một xấp thơ đã làm
trong thời kỳ này. Tôi dằn từng tờ dưới gót chân yếu ớt của tôi, rồi dùng bàn
tay còn lại xé nát tấm thơ. Tôi xé đến chừng nào xấp thơ vụn ra, tan nát mới dừng
tay. Cuối cùng, tôi ngã lăn xuống nền gạch, hổn hển trong tiếng dương cầm nỉ
non ngoài trước.
PHẠM HỒNG ÂN
(Moonglow Park, 02/08/2017)
No comments:
Post a Comment