.CÓ NHỮNG NGƯỜI NHƯ
THẾ...
Cách
đây hơn mười năm, lúc nền kinh tế Mỹ xuống dốc một cách thê thảm, tôi bỗng gặp một
cô gái Mỹ, dưới dốc một gầm cầu ở góc phố Escondido. Mỗi sáng, cô gái lên đường.
Không biết nàng đi đâu? về đâu? trong khu phố lặng lẽ này. Lúc nào, cái ba lô cũng
nặng trĩu sau lưng, làm dáng nàng cong xuống theo mỗi bước đi, như sẵn sàng chịu
đựng mọi gian khổ cuộc đời. Điểm đập vào mắt tôi, trước tiên, là nàng đẹp. Trên
đời này, không có người đàn ông bình thường nào mà không rung động trước sắc đẹp
của phụ nữ. Cô gái đang bị nắng táp mưa sa, gió dập mưa vùi. Khuôn mặt nàng lem
luốc, ửng đỏ, dưới sức nóng nun người của mùa hè Cali. Quần áo đầy bụi đường, lếch
thếch trên vai một ba lô, sáng đi, tối về, tạm trú dưới gầm cầu với nhóm vô gia
cư khác.
Tôi
quặn lòng trước nỗi khổ của cô gái, nhưng không có cách nào giúp nàng vượt qua
hoàn cảnh. Mặc dù năm nào tôi cũng gởi tiền và thức ăn giúp người vô gia cư. Những
buổi lễ tạ ơn, Giáng Sinh, hay tết đến...tôi đều nhớ đến họ. Vì tôi đến Mỹ theo
diện di dân, nhờ Trời, may mắn hơn nhóm người bất hạnh này. Nếu không, cuộc đời
cũng chẳng khác chi họ. Nước Mỹ đang tuộc dốc kinh tế, theo chu kỳ. Hãng tôi chạy
vạy khắp nơi, vẫn tìm không ra một khách hàng để cầm hơi. Thế là, cuối cùng, chủ
và tớ chia tay, cùng nhau hát bài tạm biệt. Về Escondido, hưởng thất nghiệp,
sáng nào tôi cũng có thời gian đi bộ một vòng, quanh khu phố yên tĩnh. Đi ngang
qua gầm cầu, lúc nào tôi cũng thấy cô gái, với cái ba lô nặng trĩu sau lưng, với
khuôn mặt ửng hồng, uể oải bước lên đường phố, hòa vào dòng đời đầy cát bụi.
Một
hôm, tôi đứng lấy nước ở một máy lọc trong khu thương mãi, chợt có một anh Mỹ
đi ngang. Thấy tôi khua tiền lẻng kẻng, hắn dừng lại chào, rồi chỉ những đồng bạc
cắc trên tay tôi.
-
Làm ơn cho xin một ít tiền lẻ. Tôi đưa bạn tôi đi ăn. Nó đang đói.
Ngó
anh Mỹ ốm nhom, nhếch nhác với bộ quần áo bốc mùi, tôi đoán hắn cũng thuộc
thành phần vô gia cư. Tự nhiên, tôi xúc động, móc hết bạc cắc trong túi ra,
trao nguyên cho hắn. Hắn phóng lên, mừng rỡ.
-
Bạn tôi kìa. Nó tên Jennie. Còn tôi, Bosh. Chúng tôi cám ơn ông nha!
Tôi
nhìn theo ngón tay hắn. Đúng là cô gái tôi gặp hàng ngày. Cô gái Mỹ ở dưới gầm
cầu. Mỗi sáng, một mình lên đường, tung bay cùng cát bụi, với chiếc ba lô nặng
trĩu trên vai. Cô gái ấy bây giờ đã có đôi bạn, đã thoát khỏi cuộc sống cô đơn.
Bosh vừa nói vừa đi nhanh lại Jennie. Cả hai hớn hở nắm tay, vui vẻ đi về hướng
có Burger King. Việc Jennie có bạn đồng hành, làm lòng tôi vơi đi, phần nào, những
quặn thắt về nàng. Từ nay, trên bước đường cát bụi, Jennie đã có bạn chia sẻ buồn
vui, cay đắng cuộc đời. Cùng một hoàn cảnh đau thương, chắc họ hiểu nhau,
thương yêu nhau, hơn người ngoài cuộc.
Tuy
không bận tâm đến cô gái nữa, nhưng hàng ngày tôi vẫn phải gặp đôi tình nhân
này trên đường đi bộ. Có khi gặp họ trên bãi cỏ vệ đường. Có khi thoáng thấy họ
trong một hầm rác ở khu thương mại. Có khi họ xúm xít nhau trên chiếc bàn lộ
thiên nơi Burger King. Bất cứ đâu, trên tay Jennie vẫn cầm cuốn sách hoặc một
mũi kim. Sách để đọc. Và mũi kim để khâu lại những chỗ sờn rách trên bộ quần áo
phong sương của Bosh. Lúc này, Jennie vẫn còn má đỏ môi hồng, vẫn còn mái tóc
xõa dài bên vai, tuy nhiều lúc có xơ xác đôi chút.
Một
thời gian sau, tôi trở lại công việc. Tôi không còn đi bộ trên khu phố
Escondido nữa. Thay vào đó, nhân giờ nghỉ trưa, tôi thường đi bộ quanh hãng
cùng với các đồng nghiệp. Những ngày lễ, tôi cùng gia đình đi chơi xa. Chủ nhật
thì đến nhà thờ, đến khu chợ Việt Nam mua thức ăn. Tôi không có dịp đi ngang
qua gầm cầu, đi ngang qua các chỗ mà Jennie và Bosh thường vãng lai nữa. Nhưng
tôi vẫn đinh ninh rằng, đôi tình nhân đó vẫn hạnh phúc bên nhau, trong cái hạnh
phúc chật vật nhất của số phần.
Dễ
chừng hơn sáu năm, tôi bỗng có ý định gặp lại họ. Gặp lại những con người bất hạnh
mà tôi đã từng quặn lòng trước nỗi khổ của họ. Gặp họ để xem họ làm gì? Đời sống
có khá hơn không? Tôi quyết định đi bộ ra phố. Tôi lướt ngang qua gầm cầu. Gầm
cầu trống hoác, không một bóng người. Tôi đếm bước dọc theo các bãi cỏ, xục xạo
từng góc công viên, chui từng hầm rác trong khu thương mại. Nhưng rồi cũng hoài
công. Đôi tình nhân hiền lành kia chỉ còn là bóng mờ, nhạt phai theo quá khứ.
Cho tới một hôm, khi lái xe đến đầu đường Valley Parkway, tôi bắt gặp Jennie đứng
cầm tấm bảng bằng cạc-tông đưa lên cao, xin tiền khách qua đường. Tấm bảng viết
bằng phấn đen, với dòng chữ thẳng thóm : I'm hungry. Please help me. Tôi vội vã
dừng xe ở góc đường, đưa mắt nhìn sang Jennie. Mới hơn sáu năm, sắc diện nàng
đã nhanh chóng thay đổi. Cô gái môi hồng má đỏ năm xưa giờ trở thành người đàn
bà dạn dày sương gió. Thời gian bạo tàn và cái nắng khắc nghiệt Cali khiến dung
nhan nàng tàn phai mãnh liệt. Cộng với đời sống cực khổ, đói khát, mà nàng phải
đương đầu hàng ngày, đã thay phiên vật ngã nàng không chút thương xót chăng?
Quá xúc động, tôi vòng xe qua gần nàng, thả nhẹ vài tờ giấy bạc trong chiếc nón
bạc màu, rồi nhỏ nhẹ nói.
-
Jennie nhớ tôi không? Nếu nhớ, hãy qua bãi cỏ bên kia, chuyện trò giây lát.
Tôi
và Jennie đối diện nhau. Nàng tựa lưng vào gốc cây. Tôi ngồi trên thềm cột điện.
Ngó nhau chăm chăm. Mái tóc xõa dài năm xưa không còn. Trước mặt tôi là một người
đàn bà già dặn, với lọn tóc cũn cỡn, muốn bám sát da đầu. Nàng nói, và tôi chợt
hiểu. Bosh đã bỏ đi mấy năm, vì không chịu nổi sự lặng lẽ như chết của thành phố
này. Thành phố quá yên tĩnh là thành phố của những người rúc đầu vào trong cái
tổ ấm bình an của họ. Người ta tự hưởng hạnh phúc riêng tư. Thỏa mãn và chìm ngập
bên nhau. Họ quên, xung quanh đây, còn có những con người đau khổ khác, đang từng
phút từng giây ngụp lặn trong bóng tối cuộc đời. Nhưng nghĩ đến chuyện chia tay
của đôi bạn, tôi lại ngạc nhiên.
-
Thế sao Jennie không cùng ra đi với Bosh?
Jennie
ngó tôi, lắc đầu.
-
Tôi không muốn xa thành phố này, vì nó chứa đầy kỷ niệm. Tôi đã bắt đầu cuộc sống
vô gia cư tại đây. Và muốn kết thúc cuộc sống...cũng tại đây.
Tôi
bùi ngùi, cố nói với Jennie một lời tốt đẹp nhất, làm bừng trong nàng một tia
hy vọng, trước khi giã từ. Nhưng rốt cuộc, tôi chỉ ngắn ngủi.
-
Bosh sẽ trở lại. Hãy tin như vậy đi, nha Jennie!
Đến
năm 2013, tôi lại thất nghiệp lần nữa. Kỳ này, hãng chính thức dẹp tiệm. Đồng
nghiệp chia tay nhau, bịn rịn, nước mắt rớt dài dài. Ai cũng lo âu về một tương
lai sắp tới, chẳng biết sẽ đi về đâu? Còn hơn hai năm nữa, tôi mới đủ tuổi hưu.
Hai năm không việc làm, có thể sẽ như Jennie, như Bosh, mỗi sáng chui ra từ gầm
cầu nào đó, rồi lặng lẽ quảy ba lô lên vai, bước ra đường phố, hòa vào dòng đời
đầy cát bụi. Than thở một đôi ngày, tôi cũng bắt đầu đi bộ trở lại. Tôi vẫn đi
lại những bãi cỏ mà ngày xưa tôi từng gặp Jennie ngồi đọc sách, từng gặp nàng chăm
chú vào mũi kim vá từng lỗ rách trên bộ quần áo bạc thếch của Bosh. Khi đến cột
điện mà lúc trước có lần tôi ngồi trò chuyện với Jennie, bỗng thấy có người đàn
bà đang gục đầu khóc nức nở, bên cạnh là tấm bảng bằng cạc-tông có vẻ một cây
Thánh Giá phía trên. Phía dưới là hàng chữ R.I.P* cùng với tên Bosh đậm nét.
Tôi giật mình, như vậy là Bosh đã về với Chúa rồi sao? Người đàn bà đang khóc
đó là Jennie. Hôm nay, những đau khổ cuộc đời đã làm nàng già đi thấy rõ. Tôi vỗ
nhẹ vai Jennie. Nàng ngó tôi, mếu máo kể lại câu chuyện. Tuần rồi, Bosh trở lại
tìm Jennie. Hai người chưa kịp mừng, chưa kịp sống với nhau một đêm hạnh phúc
thì Bosh ngã lăn ra bất tỉnh. Jennie gào lên. Xe cứu thương chạy đến. Sau khi
khám, người ta nói anh bị nghẻn tim, không còn cứu được.
Với
hai hàng nước mắt tuôn tuôn, Jennie lắc lư như người điên, bàn tay đập mạnh xuống
cỏ.
-
Bosh nằm xuống tại cột điện này, tại bãi cỏ này.
Vài
tháng sau, tôi có dịp đi ngang qua đây. Tấm cạc-tông vẫn còn buộc chắc trên cột
điện. Hàng chữ R.I.P với tên Bosh vẫn đậm đen như ngày nào. Tôi lại thấy thêm một
bình hoa đầy ắp, khô quéo từ lâu. Và tôi
cố gắng đưa mắt tìm Jennie. Nhưng Jennie đã bỏ đi, chẳng biết đi đâu, từ lúc
nào...
PHẠM
HỒNG ÂN
(27/06/2018)
*R.I.P:
Viết tắt từ
chữ "rest in peace", có nghĩa "nghỉ ngơi trong hòa bình",
thường được tìm thấy trên bia mộ hoặc trong cáo phó.
No comments:
Post a Comment