Sunday, July 26, 2020

LỜI NGỎ



NGỎ

            Cuốn sách này tôi dành tặng cho các em, bạn bè và hiền thê tôi - những người hiện hữu trong thơ suốt mấy mươi năm nay. Tôi cũng chẳng từ chối những mối tình hư hư thực thực, những mối tình đã làm phong phú nguồn thơ, đã từng có cơ hội thay đổi phong cách trong dòng văn chương lạc hậu của tôi. Ca tụng các em, là cách thế của người viết. Ca tụng cái Đẹp, là ước muốn của Thượng Đế. Có phải ngay từ thuở ban đầu, Ngài đã dựng lên vườn địa đàng trên trái đất? Có phải ngay từ lúc Adam cô đơn, Ngài đã tạo nên người nữ vóc dáng vẹn toàn, đẹp từ thể xác đến linh hồn? Ca tụng các em, tức là ca ngợi công trình sáng tạo của Thượng Đế. Truyền rao thông điệp yêu thương của Ngài đến nhân loại.
            Cuốn sách này như một thi ký, như một văn ký, ghi lại nơi tác giả đến, tác giả đi. Khắc họa từng khuôn mặt bạn hữu, tình nhân, thân nhân -  hoặc bất kỳ một ai làm tâm hồn hoặc trái tim tác giả rung động. Nét khắc họa tuy giản ước, không cầu kỳ, nhưng chạm sâu vào tấm lòng, dựng di tích trong tâm tư đối tượng.
            Nơi tôi đến, nơi tôi đi. Nơi tôi phải rời xa. Nơi tôi sẽ trở về. Nơi lao lung có. Nơi đói khát có. Nơi tuyệt vọng có. Nhưng vẫn có nơi thống khoái, hạnh phúc và tự do tràn ngập. Làm thơ - không phải là làm bế tắc cuộc đời, đưa tư tưởng tới tận cùng hố thẳm. Trái lại, chính những lúc khó khăn của sự sống, khô khan niềm tin, thơ sẽ như món ăn tinh thần, đong đầy những thiếu thốn.
            Tôi vẫn giữ thơ như hành trình bất tận của tâm hồn. Tôi bắt đầu nó từ sự ra đi. Và như thế, đi hoài. Mỗi bước đi đều có định mệnh. Gập ghềnh. Bằng phẳng. Ngục tù. Vinh hiển. Hay khổ đau. hạnh phúc...Tất cả trải dọc trên con đường. Nhưng nào có hề hấn gì, họa chăng, chỉ để lại vết sướt hay vết thương trong tim, trong đời sống. Bởi lúc đó, thơ sẽ dịu dàng hiện ra, thi-vị-hóa tất cả tai ương.
            Ở thơ, chọn nỗi đau nhân loại làm đề tài là điều chọn lựa ưng ý nhất, với tôi. Nỗi đau đó chính là nỗi đau mỗi người. Là thân phận của từng số phần. Tôi là người Việt, nên nỗi đau ruột thịt nhất là nỗi đau Việt Nam. Tôi là người làm thơ, nên có bổn phận dùng ngôn-ngữ-thơ để dựng lên nỗi đau Việt Nam. Dựng lên hay viết lại một cách trung thực, như chính sự thực, như nỗi đau đó là nỗi đau của ngôn-ngữ-thơ.
            Từ nơi tôi đi, có thân nhân, có bạn bè, có người yêu tôi đang đứng đợi. Họ đợi để cùng lên đường. Hoặc họ đợi để chia tay, tạm biệt. Người cùng lên đường đã cùng số phần. Người đang ở lại, cũng chung phần số. Số phần đó, dù bi tráng hay bi thống, dù chấp nhận hay không chấp nhận, dù xóa bỏ hoặc tô đậm, vẫn là một trong những chặng lịch sử ác liệt và tồi tệ nhất trong toàn bộ lịch sử Việt Nam.
            Thi ký, văn ký của một người thường. Chắc chắn sẽ không được trọng dụng. Vì tôi không phải là thi sĩ, văn sĩ nổi tiếng. Cũng không là cánh chim biết bay trong giới chim bầy đàn của thế hệ văn chương. Nhưng mặc kệ. Tôi vẫn viết. Tôi viết bằng con tim và trí óc chân chất của tôi. Tuy không thể là chim là cá, nhưng tôi vẫn ước mơ bay lên bầu trời, bơi trên biển cả - một cách cô đơn và đầy háo hức.
            Có một người bạn thơ gởi cho tôi một comment, sau khi đọc bài thơ "chọn ngày tình nhân " của tôi đăng trên Facebook. Bạn thơ đó viết, "Bài thơ gói trọn một đời người. Buồn, vui và hạnh phúc. Với phụ nữ, thế là quá đủ! Nhà thơ không cần tìm cảm xúc từ đâu nữa nhé!". Tôi đã trả lời, "Không tìm cảm xúc thì làm sao ra thơ? Hỡi bạn hiền của tôi ơi!".
            Vài phút sau, tôi nhận hồi âm của bạn, "Vậy thì thi sĩ hãy cứ sáng tác cho thỏa lòng và đem thơ tưới tắm những tâm hồn khô khát".
            Thưa bạn, bạn nói đúng. Tôi vẫn đang đi trên con-đường-thơ của tôi. Dù trên đó, bất hạnh hay vinh quang đang chực chờ - mặc kệ. Bởi tôi đang cố gắng đeo đuổi ước mơ của riêng tôi, hãy cứ sáng tác cho thỏa lòng, và đem thơ tưới tắm những tâm hồn khô khát.
                                                PHẠM HỒNG ÂN
                                      (Núi Tiểu Thư, 17/02/2020)

           






No comments:

Post a Comment