Thursday, March 26, 2015

.VỀ LITTLE SAIGON


         .VỀ LITTLE SAIGON
                                 *Phạm Hồng Ân

   Về Little Saigon, tình cờ nghe lại bản Have you ever seen the rain? của John Fogerty, tôi chợt thấy Sài Gòn hiện ra trong trí tôi. Sài Gòn của thập niên 70. Một thập niên của khói lửa, chia lìa và tang tóc. John Fogerty như muốn nói đến tình yêu thời chiến. Một tình yêu tội nghiệp và đẫm nước mắt. Em có bao giờ thấy mưa rơi trong tiếng đạn bay? Em có bao giờ thấy đạn rơi trong tiếng mưa bay?
   Từ năm 1975, làn sóng di dân bắt đầu cuộn lên. Cuộn lên đến độ khốc liệt. Dân chen nhau, bỏ nước ra đi. Dù trước mắt là tương lai mịt mùng. Dù gian truân, hiểm nguy, hay cận kề cái chết. Chiến tranh kéo dài đã làm ngưởi dân khổ đau. Chế độ hà khắc đã làm người dân kiệt lực. Thà hy sinh để tìm tự do. Tìm quyền sống.
   Từ năm 1975, Sài Gòn đổi tên. Những năm sau, Sài Gòn chuyển dạng thay hình. Sài Gòn mất gốc. Dưới chế độ hà khắc, Sài Gòn thiên biến vạn hóa để sống còn. Sài Gòn không chân thật, không còn thơ mộng, không còn chan chứa tình yêu thương như những thập niên 50, 60.
   Từ năm 1975, làn sóng di dân tới Mỹ. Little Saigon bắt đầu hình thành. Một số cửa tiệm mọc lên giữa các nương dâu và vườn cam ở quận Cam, tiểu bang California, trong đó có chợ Hòa Bình, nhà sách Tú Quỳnh, nhà hàng Thành Mỹ... Giờ đây, Little Saigon rộng lớn hơn xưa, bao gồm các khu vực của những thành phố Garden Grove, Westminster, Fountain Valley và Santa Ana. Ngày 13 tháng 8 năm nay, năm 2013, hội đồng thành phố Garden Grove chính thức vinh danh và ấn định Little Saigon là ĐỊA DANH LỊCH SỬ.
   Tôi đến Mỹ muộn, năm 1993. Lúc Little Saigon đã bề thế, với phố xá khang trang, các cửa tiệm đông đúc người qua lại. Định cư ở San Diego những ngày đầu tiên, tôi đã nôn nao muốn chạy về Santa Ana ngay để nhìn tận mặt Little Saigon - một địa danh "kiêu hùng" của người Việt ở Mỹ mà dân ta tại Việt Nam đã từng đồn thổi và mơ ước được ghé chân đến. Nôn nao, không những muốn biết đời sống vật chất của di dân người Việt ở Little Saigon ra sao? Tôi cũng muốn biết về đời sống tinh thần - trong đó có báo chí, văn chương, văn học di dân - một yếu tố quan trọng cho thế hệ nối tiếp. Nếu không có điều đó, di dân người Việt dễ bị đồng hóa mất!
   Tôi yêu tiếng Việt và có ý hướng làm thơ viết văn ngay từ thời niên thiếu. Có lẽ đó là bản chất bắt chước người lớn của đứa con nít, nhưng nó đã thành thói quen ăn sâu vào tâm hồn tôi cho tới bây giờ. Tôi nhớ, khoảng đầu thập niên 60, lúc ba tôi còn làm việc ở thành phố Bạc Liêu, anh tư tôi thường dẫn bè bạn về nhà họp mặt thơ văn. Các anh thay phiên đọc cho nhau nghe sáng tác của các anh, rồi ngâm thơ, đàn hát đến nửa khuya. Lần họp mặt nào, thằng con nít là tôi đều núp sau vách, nằm lăn trên nền gạch, thích thú lắng nghe các anh trổ tài. Sau này, anh Tập lên Sài Gòn trở thành nhà văn Hoài Điệp Tử. Anh Thanh cũng là soạn giả nổi tiếng Yên Lang trong các đoàn cải lương đại ban. Riêng anh tư tôi, ký bút hiệu Hiền Giang, sự nghiệp văn chương lỡ dở, đành đi lính. Đến tháng ba năm 1975, anh tử trận trên đường rút quân nơi quốc lộ 1.
   Lúc ba tôi dọn nhà về Cà Mau là lúc tôi chớm tuổi thanh niên, bắt đầu học đệ nhị cấp. Cũng là thời gian tôi tập tễnh làm thơ viết văn, gửi bài đăng lên các báo ở Sài Gòn. Vào trường, tôi gom các bạn cùng sở thích lại với nhau, thành lập nhóm thi văn Tình Ca - Cuối Việt. Trong đó có Giang Hữu Tuyên, ký bút hiệu Hạ Sầu Bạc Phúc. Bút hiệu như một thứ sấm ngữ. Anh bạc phúc thật! Sau này, qua Mỹ anh chủ trương tờ Hoa Thịnh Đốn Việt Báo và rồi...bị đột tử trong khoảng tuổi 50, giữa lúc sự nghiệp văn chương đang dâng lên. Hoài Điệp Tử bạc phúc hơn nữa. Năm 1987, giữa Little Saigon, bọn khủng bố nửa đêm đã nổi lửa đốt rụi tòa soạn tờ báo Mai (do anh chủ trương) và nhà văn Hoài Điệp Tử đã chết thảm trong đó. Vụ án cho tới bây giờ, FBI vẫn chưa tìm ra thủ phạm? Tôi cũng có ba người thầy qua đời tại hải ngoại. Giáo sư Trần Trọng San dạy đại học Văn Khoa, ban văn chương Việt Nam. Ông mất năm 1998 tại Toronto, Canada. Giáo sư Đại Đức Thích Nguyên Tánh (tức thi sĩ Phạm Công Thiện) và giáo sư Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh cùng dạy đại học Vạn Hạnh, phân khoa báo chí. Ông Phạm Công Thiện mất năm 2011, tại Houston, Texas. Ông Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh mất năm ngoái 2012, tại San Jose.
   Về Little Saigon, đi xe trên đại lộ Bolsa, nhìn các dãy phố thương mại mang bảng hiệu tiếng Việt nằm san sát nhau, nối dài theo chiều dọc rộng lớn - lòng tôi bỗng se lại, nhớ về Sài Gòn ngày cũ. Nếu đi bộ, thong dong tìm chỗ nghỉ chân, không ai không nghĩ đến Phước Lộc Thọ, một thương xá đầu tiên của người Việt tại quận Cam mà người Mỹ gọi là Asian Garden Mall. Phước Lộc Thọ là nơi quy tụ của người Việt khắp bốn phương tìm về. Họ tìm về để gặp gỡ, trao đổi, hàn huyên hoặc hò hẹn nhau...hay để sưởi ấm tình đồng hương sau năm tháng dài xa quê hương. Cũng chính nơi này, tôi đã gặp lại người anh cả hải quân Lưu Trọng Đa. Các bạn chung nghiệp lính: Cao Duyến, Mai Hòa, Phan tấn Hiệp, Nguyễn văn Hiệu, Lê sĩ Quý, Lê Đình Đăng...Các bạn học: Nguyễn văn Hiên, Dương thị Đầm, Nguyễn Lộc, Hiến...Và cũng làm quen thêm với các bạn văn thơ khác như: Sông Cửu, Trần huy Sao, Nguyên Phan, Ly Hoàng Thao, Hàng Ly Hương, Hải Yến...
   Đời sống tinh thần của di dân người Việt rất phồn thịnh. Các tờ báo đua nhau ra mắt độc giả. Ai cũng có thể viết sách, in sách được. Các tướng, tá, úy...kể cả lính tráng, thường dân cũng có thể xuất bản hồi ký, tùy bút, ký sự...hoặc thơ, nhạc, truyện ngắn, truyện dài...Người ta có quyền sáng tạo ra các phong trào, như sự xuất hiện thơ tân hình thức, truyện chớp...Hải ngoại, nhờ văn chương di dân, cũng khám phá ra những cây bút "cự phách", như: Nguyễn xuân Tường Vy, Nguyễn thị Thảo An, Hoàng Chính, Lưu Diệu Vân...Những tập san văn học thời danh vẫn còn tồn tại: Hợp Lưu, Khởi Hành...
   Âm nhạc chẳng thua báo chí. Có thể phát triển mạnh hơn, đồ sộ hơn. Các trung tâm ca nhạc đều được phát hành tại đây, trong đó có Vân Sơn, Asia, Paris by Night...Rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ được phát hiện mỗi năm..Âm nhạc di dân đang là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong cộng đồng người Việt tại Mỹ.
   Đặc biệt năm 2003, Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ (Vietnam War Memorial) được cộng đồng người Việt xây dựng tại Westminster để vinh danh người lính Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam trước 1975.
   Về Little Saigon nghe lại bản Have you ever seen the rain? chợt nghe lòng chùn xuống. Một niềm vui rộn rã dâng lên. Một nỗi buồn lặng lẽ rơi xuống. Những thập niên trôi qua đã để lại dấu ấn vàng son trong đời sống di dân của người Mỹ gốc Việt.
                                            *PHẠM HỒNG ÂN
                                        (Escondido, 29/11/2013)

   

No comments:

Post a Comment